Thứ 2, 29/07/2024, 01:24[GMT+7]

Công ty TNHH Toàn Thắng Nhiều giải pháp trụ vững trước khó khăn

Thứ 3, 05/03/2013 | 09:12:53
1,818 lượt xem
Những tháng đầu năm 2012, sản phẩm dệt truyền thống của Công ty xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan giảm từ 40 - 50% so với cùng kỳ năm trước; hàng hóa tồn kho có lúc lên tới hàng trăm tấn khăn. Tuy nhiên, do xuất phát từ hộ sản xuất làng nghề trở thành doanh nghiệp nên Công ty có bề dày kinh nghiệm, tìm ra các giải pháp đúng hướng để duy trì sản xuất, phát triển ổn định.

Công ty TNHH Toàn Thắng có trên 300 máy dệt và trên 700 máy khăn làm vệ tinh cho Công ty.

 

Công ty TNHH Toàn Thắng có trụ sở tại Phúc Khánh (Hưng Hà) chuyên sản xuất hàng dệt may và găng tay xuất khẩu. Năm 2012, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng cao, ngân hàng siết chặt cho vay… làm cho các doanh nghiệp, làng nghề dệt ở Hưng Hà nói chung, doanh nghiệp Toàn Thắng nói riêng hết sức khó khăn. Những tháng đầu năm 2012, sản phẩm dệt truyền thống của Công ty xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan giảm từ 40 - 50% so với cùng kỳ năm trước; hàng hóa tồn kho có lúc lên tới hàng trăm tấn khăn. Tuy nhiên, do xuất phát từ hộ sản xuất làng nghề trở thành doanh nghiệp nên Công ty có bề dày kinh nghiệm, tìm ra các giải pháp đúng hướng để duy trì sản xuất, phát triển ổn định.

 

Ông Trần Văn Vực, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng cho biết: Năm 2012, các doanh nghiệp dệt may ở Hưng Hà gặp rất nhiều khó khăn và Công ty cũng nằm trong bối cảnh chung đó. Cụ thể, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, nhất là các thị trường truyền thống chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn như Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan, trong đó thị trường Hàn Quốc giảm tới 50%. Đồng thời, Công ty phải chịu nhiều áp lực khiến giá thành sản phẩm tăng cao, như giá điện, xăng dầu, lãi suất tiền vay ngân hàng; giá nguyên liệu sợi bông, hóa chất biến động lớn gây khó khăn cho việc ký kết đơn hàng. Trong khi đó doanh nghiệp quy mô nhỏ nên thiếu vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, do đó dễ bị tác động từ yếu tố bên ngoài; đồng thời lao động chủ yếu là từ nông nghiệp chuyển sang làm dệt may nên tay nghề thấp, chưa làm chủ được thiết bị công nghệ tiên tiến. Thực tế cho thấy, những tháng đầu năm 2012, các doanh nghiệp và Công ty TNHH Toàn Thắng đã tồn kho hơn 2.500 tấn khăn, trị giá trên 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giá khăn xuất đi đang ở mức 6 USD/kg, đột ngột giảm xuống còn 3,8 - 4 USD/kg; trong khi đó giá sợi nhập trước đó từ 90 - 100 nghìn đồng/kg, nhưng vào thời điểm khó khăn giá sợi chỉ còn 50 nghìn đồng/kg, do đó bán sợi đi không được, để sản xuất thì giá xuất khẩu lại quá thấp so với lúc mua nguyên liệu đầu vào…

 

Đứng trước những khó khăn trên, Công ty đã tìm nhiều giải pháp, nỗ lực vươn lên để duy trì sản xuất, phát triển ổn định. Đầu tư mua sắm thiết bị, đổi mới công nghệ để giảm sức lao động, giảm tiêu hao nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất làm tăng sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đồng thời, các thị trường truyền thống Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan được Công ty coi trọng giữ chặt mối liên hệ hợp tác; bên cạnh đó đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới có nhiều tiềm năng. Đặc biệt, ngoài sản xuất mặt hàng dệt may truyền thống, Công ty đã đầu tư sản xuất thêm găng tay sợi xuất khẩu để hỗ trợ sản phẩm dệt lúc khó khăn. Cùng với các giải pháp đổi mới, đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất, Công ty chú trọng đến quyền lợi của người lao động như tiền lương, các chế độ bảo hiểm, y tế… để các lao động yên tâm sản xuất, nâng cao tay nghề.

 

Ông Trần Văn Vực cho biết thêm, ngoài những giải pháp trên, Công ty đã được huyện Hưng Hà đồng hành, chia sẻ khó khăn thông qua việc chỉ đạo các cấp, ngành tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vay vốn với lãi suất hợp lý, thuê mặt bằng đầu tư mở rộng sản xuất; đồng thời có cơ chế hỗ trợ mua máy dệt khăn… Chính vì vậy, Công ty TNHH Toàn Thắng đã vượt qua được khó khăn, ổn định sản xuất và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Năm 2012, Công ty đã xuất khẩu được gần 2.000 tấn khăn các loại và găng tay sợi, doanh thu đạt trên 2 triệu USD; giải quyết việc làm cho 250 lao động tại chỗ và hàng trăm lao động làm vệ tinh, lương công nhân bình quân đạt từ 2,5 – 4 triệu đồng/tháng.

 

Theo ông Vực, để việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn huyện Hưng Hà nói chung, Công ty TNHH Toàn Thắng nói riêng giảm bớt khó khăn, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển ổn định, Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ về việc giãn, giảm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh được vay vốn ưu đãi để thực hiện các dự án vừa và nhỏ ở một số khu, cụm công nghiệp. Tạo điều kiện cho các dự án có khả thi cao, ngành nghề sản xuất kinh doanh có hiệu quả được thuê đất để mở rộng quy mô. Tiếp tục cải cách hành chính ở tất cả các phòng, ban, ngành đến các địa phương, tránh các thủ tục rườm rà không cần thiết… để giúp doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh được nhanh chóng, thuận lợi.

Bài, ảnh: Nguyên Bình

 

 

  • Từ khóa