Thứ 6, 29/03/2024, 22:21[GMT+7]

Cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu

Thứ 5, 12/05/2022 | 08:29:40
11,264 lượt xem
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP) là hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác kinh tế ngoài ASEAN gồm Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Trung Quốc. Hiệp định này được đánh giá mở ra thị trường tiêu thụ rộng lớn, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển nếu biết tận dụng.

Tận dụng cơ hội từ Hiệp định RCEP mang lại, Xí nghiệp Veston Hưng Hà - Tổng Công ty May 10 đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Các nước ASEAN và 5 nước đối tác có khoảng 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới. Tổng GDP của các nước thành viên nội khối RCEP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu. Vì vậy, có thể nói RCEP đã tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới xét về quy mô dân số và là thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng. 

Ông Vũ Hồng Thịnh, Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: Cùng với việc mở ra thị trường xuất khẩu rộng lớn, Hiệp định RCEP còn mang đến cho doanh nghiệp nguồn nguyên liệu nhập khẩu phong phú, dồi dào phục vụ sản xuất, xuất khẩu mà vẫn được tính quy tắc xuất xứ để hưởng chính sách ưu đãi thuế quan. Trong đó, ngành hàng dệt may là thế mạnh của chúng ta dự báo sẽ tăng trưởng nhanh sau khi RCEP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 nhờ tiêu chí xuất xứ hàng hóa thông thoáng hơn và nhu cầu tiêu dùng của thị trường RCEP rất lớn.

Công ty TNHH Toàn Thắng ở cụm công nghiệp Đồng Tu, huyện Hưng Hà là doanh nghiệp chuyên sản xuất sợi, khăn mặt và găng tay bảo hộ xuất khẩu. Các sản phẩm làm ra có chất lượng cao, mẫu mã đẹp nên chiếm lĩnh được thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Mỗi năm doanh thu của Công ty đạt hơn 300 tỷ đồng. 

Ông Lê Dũng, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Hiệp định RCEP có quy tắc xuất xứ cho phép doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu từ các nước thành viên để sản xuất và xuất khẩu tới các nước nội khối vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan. Nhận thấy đây là thời cơ nên chúng tôi đã nhanh chóng xây dựng chiến lược phát triển của doanh nghiệp thời gian tới đó là tập trung xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường khu vực các nước Đông Bắc Á. Trong đó, chúng tôi chú trọng mở rộng xuất khẩu thị trường các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, phấn đấu doanh thu tăng trưởng khoảng 20%/năm.

Còn Công ty TNHH May Lan Lan (phường Phúc Khánh, thành phố Thái Bình) là doanh nghiệp FDI chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Kim ngạch xuất khẩu của Công ty bình quân đạt 13 triệu USD/năm. Bà Vũ Thị Hợi, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Công ty TNHH May Lan Lan chia sẻ: Việc Hiệp định RCEP có quy định cắt, giảm thuế xuất nhập khẩu giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, tăng sức mạnh cạnh tranh trên thị trường và có điều kiện hỗ trợ cho đối tác khách hàng tốt hơn, tạo sự gắn bó, hợp tác lâu dài, duy trì đơn hàng sản xuất ổn định. Tận dụng cơ hội đó, ban lãnh đạo Công ty đã xác định bên cạnh việc duy trì thị trường truyền thống Nhật Bản sẽ mở rộng xuất khẩu sang Trung Quốc và Ấn Độ trong thời gian tới.

Nông sản và thực phẩm chế biến là mặt hàng có dư địa tiêu thụ lớn tại các nước nội khối RCEP.

Theo cam kết, Hiệp định RCEP sẽ tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm, sẽ thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ. Nó còn được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các thương nhân khi cho phép xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia. Phạm vi của RCEP bao gồm giảm thuế quan đối với thương mại hàng hóa cũng như thiết lập các quy tắc chất lượng cao hơn cho thương mại dịch vụ, bao gồm các điều khoản tiếp cận thị trường cho các nhà cung cấp lĩnh vực dịch vụ từ các nước RCEP khác. Hiệp định RCEP cũng sẽ giảm bớt các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại giữa các quốc gia thành viên như thủ tục hải quan, kiểm dịch và các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Bà Tô Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: Hiệp định RCEP là một thỏa thuận thương mại tự do, toàn diện gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và thương mại điện tử. Các doanh nghiệp muốn tận dụng được cơ hội mà RCEP mang lại, trước hết cần chủ động nghiên cứu, nắm vững quy tắc xuất xứ, phối hợp với khách hàng xác định mức thuế nào có ưu đãi tốt nhất để tiếp cận. Nên mở rộng sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng mới có tiêu chí xuất xứ quy định mở và dễ hơn như dệt may, da giày, thực phẩm chế biến và điện tử, điện thoại.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh những mặt thuận lợi, Hiệp định RCEP có thể sẽ mang tới sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. 

Ông Vũ Hồng Thịnh, Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết thêm: Khó khăn lớn là các doanh nghiệp của chúng ta còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Thực tế, cam kết trong RCEP cũng sẽ làm giảm thuế quan của nhiều nước trong khối đối với hàng hóa Trung Quốc dẫn tới các doanh nghiệp của chúng ta sẽ buộc phải cạnh tranh trong nước với một loạt hàng hóa mới có giá thành thấp hơn của Trung Quốc. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động để thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội để duy trì phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế thành công.


          Khắc Duẩn