Thứ 2, 29/07/2024, 01:22[GMT+7]

Chi cục Thú y Nỗ lực giành thế chủ động trong ngăn ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm

Thứ 6, 15/03/2013 | 08:35:52
866 lượt xem
Năm 2012, sản xuất chăn nuôi trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là dịch bệnh lở mồm long móng đã xuất hiện trên đàn gia súc ở 9 xã của 5 huyện; cúm gia cầm H5N1 xuất hiện ở 5 hộ của 2 huyện… Tuy nhiên, với sự chủ động, nỗ lực của Chi cục Thú y trong việc triển khai các biện pháp cách ly, khoanh vùng, tiêu độc khử trùng, điều trị và tiêu hủy gia cầm bị bệnh kịp thời nên sản xuất chăn nuôi trong tỉnh vẫn phát triển ổn định; giá trị sản xuất tăng 5,89% so với năm 2011.

Vùng nuôi trồng thủy hải sản xã Thụy Trường (Thái Thụy). Ảnh: THÀNH TÂM

Trong những năm qua, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên cả nước và trong tỉnh diễn biến khá phức tạp, các dịch bệnh nguy hiểm ngày càng bùng phát nhiều, lây lan trên diện rộng. Năm 2012, tổng số gia súc bị mắc bệnh là 1.125 con, số lợn phải tiêu hủy là 719 con; tổng đàn gia cầm phải tiêu hủy là 4.911 con, trong đó 188 con gà, 320 con ngan, 4.403 con vịt. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chi cục Thú y đã chủ động tham mưu đúng, trúng, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của chính quyền các cấp, sự phối hợp đồng bộ của các ban, ngành liên quan và người chăn nuôi nên các dịch bệnh đều được phát hiện sớm, xử lý triệt để không để lây lan rộng. Đây là sự thành công của ngành thú y trong việc chủ động ngăn ngừa dịch bệnh thông qua việc tiêm phòng vắc xin và biện pháp xử lý dập dịch. Cụ thể, ngay từ tháng 1/2012, Chi cục Thú y đã chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của tỉnh và triển khai đấu thầu mua vắc xin theo đúng quy trình để có vắc xin sớm phục vụ  cho chiến dịch tiêm phòng. Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục phó Chi cục Thú y cho biết: Năm 2012, dịch cúm gia cầm diễn biến khá phức tạp, vi rút cúm H5N1 đã có sự biến chủng, đặc điểm dịch tễ ở các ổ dịch cúm có nhiều điểm khác biệt.

Đồng thời, Trung ương đã tạm dừng hỗ trợ vắc xin cúm gia cầm cho các địa phương. Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch cúm, Chi cục đã cung ứng 80.000 liều vắc xin cúm H5N1 để tiêm phòng cho gia cầm tại các ổ dịch cũ và các vùng có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, Chi cục đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức cho các hộ chăn nuôi tiêm phòng các bệnh thông thường khác, như Niu-cát-xơn, Gumboro, tụ huyết trùng, dịch tả, đậu gà… Tổng lượng vắc xin Chi cục đã cung ứng cho cơ sở là 261.680 liều, tăng 5,8% so với năm 2011. Đối với tiêm vắc xin phòng các bệnh đỏ cho đàn lợn, 100% các xã, thị trấn có sản xuất chăn nuôi đã triển khai tiêm phòng dịch theo kế hoạch của tỉnh. Trong các đợt triển khai, Chi cục đã hướng dẫn các địa phương tiêm đúng kỹ thuật, nhanh, gọn, bảo đảm theo đúng yêu cầu đề ra. Hệ thống thú y cơ sở đã tiêm vắc xin dịch tả cho 874.483 con lợn, tiêm vắc xin tụ dấu cho 440.340 con và tiêm vắc xin phó thương hàn cho 520.664 con. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi còn chủ động tiêm phòng vắc xin dịch tả cho 220.811 con lợn, vắc xin tụ dấu cho 61.892 con, phó thương hàn 75.826 con.

Đặc biệt tiêm phòng các bệnh đỏ cao hơn các năm trước khá nhiều, riêng hệ thống thú y cơ sở tiêm vắc xin dịch tả tăng 5,76%, vắc xin tụ dấu tăng 9,15%, phó thương hàn tăng 29,10% so với năm 2011. Tiêm phòng vắc xin bệnh lở mồm long móng cho gia súc cũng tăng khá cao, tổng tiêm được 271.795 con trâu, bò, tăng 73,58%; đàn lợn nái, lợn đực giống tiêm được 223.926 con, tăng 247,38% so với năm 2011. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi còn tự tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng được 84.934 con, nâng tổng số lợn được tiêm phòng lên 308.860 con…

Hiện nay, các địa phương đang tích cực triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân – hè, đây là việc chủ động tạo sự miễn dịch, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, lây lan, tiến tới thanh toán dịch bệnh để bảo đảm ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Chi cục Thú y đã cung ứng đủ lượng vắc xin bảo đảm chất lượng theo tiến độ tiêm phòng của các địa phương; trong đó 94/281 xã, phường, thị trấn đã tiếp nhận vắc xin và tổ chức tiêm phòng. Cùng với lượng vắc xin do tỉnh hỗ trợ, một số huyện đã hỗ trợ thêm để các hộ dân triển khai thực hiện có hiệu quả, như Vũ Thư hỗ trợ công tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng cho đàn lợn nái, đực giống và đàn trâu bò; Thái Thụy hỗ trợ lực lượng thú y và cán bộ tham gia trực tiếp trong chiến dịch tiêm phòng năm 2013.

Nguyên Bình

  • Từ khóa