Thứ 4, 06/11/2024, 03:52[GMT+7]

Thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Thứ 6, 03/06/2022 | 08:27:28
11,024 lượt xem
Những năm gần đây, cơ giới hóa nông nghiệp của tỉnh đã có những bước phát triển đáng khích lệ, nhiều loại máy, thiết bị được áp dụng rộng rãi trong sản xuất góp phần nâng cao năng suất lao động và giá trị nông sản, tạo tiền đề xây dựng nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, mức độ cơ giới hóa chưa đồng bộ và toàn diện, một số khâu mức độ cơ giới hóa còn thấp. Phóng viên Báo Thái Bình đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Đỗ Văn Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất xuất nhập khẩu Đức Nam để làm rõ thực tế hiện nay, giải pháp khắc phục những tồn tại, đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp.

Tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch của Thái Bình đạt trên 80%.

Phóng viên: Có thể khẳng định cơ giới hóa trong nông nghiệp tại tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ông Đỗ Quý Phương có thể chia sẻ rõ hơn về mức độ cơ giới hóa giữa các khâu sản xuất hiện nay?

Ông Đỗ Quý Phương: Cơ giới hóa đã giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản, thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn (làm đất, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy khô, cho thuê kho bảo quản...). Để hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã tập trung hỗ trợ nông dân đầu tư máy móc vào các khâu làm đất, thu hoạch. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100%, khâu thu hoạch đạt trên 80%, khâu gieo cấy đạt khoảng 15%. 

Trong chăn nuôi, các cơ sở chăn nuôi theo quy mô trang trại đều áp dụng hệ thống chuồng trại khép kín từ cung cấp nước, thức ăn tự động, trong đó 100% hộ nuôi lợn quy mô công nghiệp sử dụng chuồng lồng, chuồng sàn, chuồng có hệ thống làm mát và sưởi ấm cho lợn con, hệ thống máng ăn, núm uống tự động; hầm biogas. Trong nuôi trồng thủy sản, hầu hết các hộ nuôi theo phương thức quảng canh và bán thâm canh, 100% diện tích nuôi trồng được cơ giới hóa đồng bộ ở tất cả các khâu: đào ao, hồ, nạo vét, cung cấp nước, sục khí, chế biến thức ăn.

Cơ giới hóa khâu gieo cấy đạt khoảng 15% diện tích.

Phóng viên: Là đơn vị phân phối các loại máy nông nghiệp chiếm thị phần lớn tại Thái Bình, ông Đỗ Văn Minh có nhận xét gì về quá trình tái cơ cấu nông nghiệp cũng như những kết quả trong áp dụng cơ giới hóa của Thái Bình thời gian qua?

Ông Đỗ Văn Minh: Có thể khẳng định đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch của sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực. Khi đưa các loại máy móc hiện đại vào sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian đáp ứng yêu cầu mùa vụ. Những năm qua, chúng tôi bán ra thị trường toàn miền Bắc hàng nghìn chiếc máy cày và máy gặt của hãng Yanmar (Nhật Bản). Riêng năm 2021, chúng tôi bán ra ở thị trường Thái Bình gần 100 chiếc máy gặt, 80 chiếc máy cày, 20 chiếc máy cấy. Số liệu trên cho thấy cơ giới hóa trong nông nghiệp những năm gần đây rất mạnh không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng, bà con mạnh dạn đầu tư các loại máy có giá trị cao nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu sản xuất.

Phóng viên: Đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất đã và đang được coi là bước đột phá để tạo ra sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường. Vậy thời gian qua, tỉnh đã có những cơ chế, chính sách hỗ trợ gì để thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp, thưa ông Đỗ Quý Phương?

Ông Đỗ Quý Phương: Năm 2009, Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2009 - 2015, trong đó ưu tiên đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu lao động nặng nhọc như làm đất, thu hoạch. Thực hiện đề án, toàn tỉnh đã hỗ trợ được 1.500 máy gặt đập liên hợp, khoảng 1.000 máy làm đất. Tiếp đó, tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 16/QĐ-UBND, ngày 24/12/2014 quy định cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào một số lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2020, trong đó, mở rộng danh mục máy được hỗ trợ gồm máy cấy, kho lạnh bảo quản nông sản. 

Năm 2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND, ngày 10/12/2021 quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai; mua máy cấy, hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 (Nghị quyết số 29) trong đó hỗ trợ 50% đơn giá mua máy cấy theo hóa đơn (tối đa không quá 40 triệu đồng/máy), 50% đơn giá mua hệ thống thiết bị sấy.

Phóng viên: Tuy mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ở một số khâu đạt cao nhưng sự chênh lệch về tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa giữa các cây, con hay trong chính sản xuất lúa còn cao. Vậy nguyên nhân do đâu, thưa ông Đỗ Quý Phương?

Ông Đỗ Quý Phương: Trong sản xuất lúa, khâu gieo cấy tỷ lệ cơ giới hóa còn thấp bởi nhiều nguyên nhân: kinh phí mua máy cấy khá cao, một số loại máy cấy ngồi lái có giá trị từ 500 - 600 triệu đồng; trong khi sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Ngoài ra, để bảo đảm thời vụ trong điều kiện thiếu lao động, ở một số địa phương, tỷ lệ nông dân gieo thẳng vẫn còn cao. Chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi trồng thủy sản theo phương thức quảng canh còn chiếm tỷ lệ lớn nên mức độ trang bị động lực còn thấp.

Phóng viên: Vậy giải pháp để đưa cơ giới vào sản xuất một cách đồng bộ, hiệu quả thời gian tới là gì, thưa ông Đỗ Quý Phương?

Ông Đỗ Quý Phương: HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 29 nhằm tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm từng bước đồng bộ cơ giới hóa các khâu sản xuất. Thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, tạo thuận lợi cho việc đưa máy móc hiện đại vào sản xuất; xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hữu hiệu nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư trong lĩnh vực cơ giới hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lành nghề phục vụ cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp.

Phóng viên: Ngoài những giải pháp như ông Đỗ Quý Phương đã nêu, là một doanh nghiệp cung cấp máy nông nghiệp, ông Đỗ Văn Minh có đề xuất giải pháp giúp nông nghiệp bắt kịp yêu cầu thực tiễn sản xuất?

Ông Đỗ Văn Minh: Là một doanh nghiệp cung cấp máy nông nghiệp, chúng tôi thấy tỷ lệ cơ giới hóa hai khâu làm đất và thu hoạch đã cao, tuy nhiên khâu gieo cấy và bảo quản nông sản sau thu hoạch còn cần được hỗ trợ. Hàng năm, số lượng máy cấy cung cấp ra thị trường của chúng tôi còn khá khiêm tốn, chủ yếu là máy cấy dắt tay với công suất nhỏ, không đáp ứng mùa vụ gieo cấy. Vậy chúng tôi đề nghị các sở, ban, ngành tập trung hỗ trợ khâu gieo cấy, đặc biệt là máy cấy bốn bánh có tốc độ cấy nhanh, có nhiều tính năng bổ sung như bón phân tự động và sử dụng phun thuốc sâu, từ đó giảm bớt được rất nhiều nhân công trong quá trình gieo cấy.

Nông dân huyện Kiến Xương sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc trừ sâu.

Phóng viên: Ngoài các cơ chế, chính sách của nhà nước, của tỉnh, doanh nghiệp có cơ chế hỗ trợ gì khi nông dân chọn mua máy Yanmar, thưa ông Đỗ Văn Minh?

Ông Đỗ Văn Minh: Ngoài chính sách của nhà nước, của tỉnh, từ ngày 1/4/2022, Tập đoàn Yanmar Nhật Bản đang thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho khách hàng mua máy gặt (30 triệu đồng/máy), máy cày và máy cấy ngồi lái (25 triệu đồng/máy). Về phía Công ty, chúng tôi thường tổ chức các buổi hội thảo máy nông nghiệp để khách hàng tham quan máy móc, tri ân khách hàng. Ngoài ra, chúng tôi luôn chú trọng làm tốt dịch vụ sau bán hàng, khách hàng đã mua máy nông nghiệp của Công ty được giảm giá mua phụ tùng từ 10 - 30% so với đơn giá thông thường, đồng thời miễn phí toàn bộ nhân công bảo dưỡng máy, nhân viên kỹ thuật đến tận nhà khách hàng để thực hiện bảo dưỡng.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông Đỗ Quý Phương và ông Đỗ Văn Minh!

Lưu Ngần
(thực hiện)