Thứ 2, 29/07/2024, 01:35[GMT+7]

Trạm Thú y Tiền Hải Kiểm soát dịch bệnh góp phần phát triển chăn nuôi bền vững

Thứ 5, 21/03/2013 | 08:48:01
937 lượt xem
Ngay từ đầu năm với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, các cơ quan chức năng, trong đó có Trạm Thú y huyện đã chủ động khuyến cáo người chăn nuôi áp dụng triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn như: chọn nguồn giống uy tín, giữ chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, phun thuốc khử trùng tiêu độc định kỳ, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin...

Đàn gà của Trang trại ông Phạm Hiên (Vũ Lăng) luôn được tiêm phòng dịch đầy đủ và hệ thống chuồng trại đảm bảo ánh sáng, nhiệt độ, vệ sinh...

Những ngày đầu xuân Quý Tỵ 2013, chúng tôi có dịp đi thăm một số hộ chăn nuôi tập trung quy mô lớn như trang trại ông Phạm Văn Thiêm (Nam Cường), bà Trần Thị Thuấn Hoa (Đông Lâm), ông Phạm Hiên (Vũ Lăng)... Ông Hiên cho biết, trang trại của ông có 4 khu chăn nuôi với diện tích 1.200m2/khu, quy mô đạt 8 - 10 nghìn con gà/khu, đưa tổng số gà của trang trại lên trên 30 nghìn con. Được Trạm Thú y và Phòng NN&PTNT phổ biến, ông nhận thức rõ công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả sẽ giúp cho việc chăn nuôi thành công, tránh thua lỗ nên ngoài việc chăm sóc cho đàn gà đủ chất dinh dưỡng, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tiêm phòng dịch bệnh định kỳ vì chỉ cần đầu tư công sức và số tiền không lớn cho việc tiêm phòng sẽ đem lại lợi nhuận ổn định, còn nếu chủ quan để dịch bệnh xảy ra thì sẽ trắng tay.

 

Năm 2012, sản xuất chăn nuôi của Tiền Hải phát triển ổn định, giá trị sản xuất đạt 258 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2011. Có được kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của Trạm Thú y huyện. Xác định dịch bệnh là kẻ thù lớn và gây nhiều thiệt hại nhất cho người chăn nuôi, Trạm Thú y huyện luôn nỗ lực cùng các cơ quan chức năng sát cánh với các hộ chăn nuôi, coi công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

 

Năm 2012, tổng đàn  trâu, bò của huyện là 6.270 con; đàn lợn  139.796 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 22.946 tấn (tăng 10,2%); đàn gia cầm các loại trên 1 triệu con với sản lượng thịt xuất chuồng 3.492 tấn (tăng 24,4%). Toàn huyện có 13 trang trại quy mô lớn và đã hình thành 3 khu chăn nuôi tập trung tại các xã Vũ Lăng, Tây Phong và Tây Tiến. Cùng với những thách thức phải đối mặt về giá thức ăn tăng, giá sản phẩm giảm  người chăn nuôi luôn canh cánh nỗi lo dịch bệnh đe dọa, bởi khi đã xảy ra dịch thiệt hại sẽ khôn lường. Năm 2012, tại Tiền Hải dịch bệnh diễn biến  phức tạp, xuất hiện với cả động vật trên cạn và thủy sản. Từ ngày 14/2 đến ngày 5/4/2012, dịch lở mồm long móng (LMLM) xảy ra trên đàn gia súc của 12 hộ thuộc 5 xã, làm ốm 54 con, điều trị khỏi 36 con, số phải tiêu hủy là 18 con. Trong tháng 9/2012, phát hiện cúm gia cầm trên đàn vịt của hai hộ thuộc xã Đông Hoàng và phải tiến hành tiêu hủy 1.550 con. Đến tháng 10/2012, tiếp tục xảy ra dịch tai xanh gây ốm 81 con lợn của 12 hộ gia đình tại xã Bắc Hải, phải tiến hành tiêu hủy 25 con.

 

Trên thực tế, ngay từ đầu năm với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, các cơ quan chức năng, trong đó có Trạm Thú y huyện đã chủ động khuyến cáo người chăn nuôi áp dụng triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn như: chọn nguồn giống uy tín, giữ chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, phun thuốc khử trùng tiêu độc định kỳ, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin... Trong năm 2012, toàn huyện đã triển khai 2 đợt tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vào vụ xuân - hè và vụ thu - đông. Đối với các trang trại, gia trại đã sử dụng hơn 60 nghìn liều vắc xin dịch tả lợn, gần 48 nghìn liều vắc xin LMLM. Trạm còn phối hợp với cán bộ thú y xã tiêm hơn 192 nghìn liều phòng các bệnh đỏ, tụ huyết trùng và đóng dấu ở lợn, đạt tỷ lệ 90% số lợn trong diện tiêm. Tổng số lợn nái, đực giống và trâu, bò được tiêm vắc xin LMLM gần 28 nghìn liều, đạt tỷ lệ 94%. Cùng với đó, các bệnh tụ huyết trùng ở trâu, bò, bệnh dại ở chó đều được tiêm phòng với tỷ lệ cao. So với năm 2011, vắc xin tiêm phòng các loại bệnh cho gia súc, gia cầm đều tăng như vắc xin phó thương hàn lợn tăng 21,7%, dịch tả lợn tăng 7,2%, LMLM tăng 32,7%... Ngoài ra, từ kinh nghiệm những năm trước, để đảm bảo gia súc phát triển tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt mùa đông, Trạm Thú y huyện đã chủ động xây dựng các phương án phòng chống rét cho gia súc, chống dịch đối với từng loại bệnh, khi phát sinh bệnh không để lây lan thành dịch. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn chăn nuôi theo quy mô nhỏ tự cung tự cấp nên chưa thực sự quan tâm tới công tác chăm sóc thú y và phòng trừ dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Vì vậy, các xã, các ngành chức năng cần liên kết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lại để công tác phòng dịch cũng như tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả hơn.

 

Ngoài ra, theo ông Phạm Văn Mạnh, Trạm trưởng Trạm Thú y, một số mô hình chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, số lượng từ vài trăm đến hàng nghìn con tuy có tổ chức tiêm phòng nhưng nguồn thuốc do chủ hộ tự mua nên cơ quan chức năng cũng khó kiểm soát chất lượng. Cùng với đó do chế độ đãi ngộ lực lượng thú y viên ở các xã thấp nên họ thiếu nhiệt tình, chưa thực sự quản lý, giám sát, hỗ trợ được nhiều cho hộ chăn nuôi, cá biệt có xã thiếu thú y viên trong các chiến dịch tiêm phòng. Ông Mạnh cho biết thêm, để công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả, Trạm đã tham mưu cho huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn và đội ngũ cán bộ thú y cơ sở tăng cường các biện pháp phòng chống dịch; làm tốt công tác kiểm tra lưu thông, vận chuyển gia súc, gia cầm. Đặc biệt, tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của từng hộ cá thể. Có như thế chăn nuôi của Tiền Hải mới thực sự phát triển bền vững, đem lại hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân.

 Bài, ảnh: Phan Anh

 

 

  • Từ khóa