Thứ 4, 25/12/2024, 21:23[GMT+7]

Triển vọng phát triển các hợp tác xã kiểu mới ở Kiến Xương

Thứ 6, 24/06/2022 | 08:17:32
10,062 lượt xem
Cùng với đổi mới tư duy từ chính người nông dân, nhiều mô hình HTX kiểu mới ở Kiến Xương đã và đang phát huy hiệu quả, không chỉ mở rộng về quy mô mà còn nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng giá trị sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Giàn sấy thóc được đầu tư hơn 1 tỷ đồng của HTX Sản xuất kinh doanh nông sản Quang Lanh.

Để thực hiện mô hình nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo phục vụ thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, tháng 8/2021 HTX Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh đã được thành lập. Từ diện tích 180ha vụ mùa năm 2021 đến nay đã tăng lên 200ha với trên 1.000 thành viên tham gia sản xuất lúa giống TBR225 và DS1 thương phẩm. 

Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc HTX cho biết: Để thực hiện mô hình này, HTX SXKD DVNN thực hiện khâu tổ chức đầu vào của quá trình sản xuất, quy vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn vùng sản xuất an toàn, HTX mới tổ chức đảm nhận công việc sau thu hoạch như tổ chức thu mua, sấy, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. 

Kết quả ngay trong vụ mùa năm 2021, HTX đã không chỉ sấy cho người dân và các đối tác trên 300 tấn thóc, liên kết bao tiêu sản phẩm trên 400 tấn thóc mà còn xây dựng thành công thương hiệu gạo chợ Gốc, đưa ra thị trường trên 40 tấn gạo đặc trưng của quê hương, đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP. Mô hình này đã giải quyết được bài toán về quy mô nông hộ, tạo được những mảnh ruộng lớn từ mảnh ruộng nhỏ, cấy một giống, một trà, thuận lợi cho thu hoạch và cơ giới hóa, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Hiệu quả kinh tế thu được từ mô hình gần 30 triệu đồng/ha, cao gấp đôi so với thời điểm chưa thực hiện mô hình.

Tại xã Bình Định, mô hình nâng cao giá trị sản xuất lúa giống cũng được hình thành, cùng với đó là HTX Thương mại dịch vụ và tiêu thụ nông sản xã Bình Định ra đời. 

Ông Hoàng Vĩnh Linh, Phó Giám đốc HTX cho biết: Ngay từ khi thành lập, HTX đã được cấp trên đầu tư giàn máy sấy để giải quyết vấn đề sau thu hoạch cho nông dân. Mô hình nhằm tạo ra giá trị cao hơn của hạt giống từ việc giảm chi phí sản xuất và tăng cường khâu sấy sản phẩm ngay tại cơ sở. Mô hình được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, quản lý sản xuất tập trung, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, giúp tiết kiệm được chi phí sản xuất, đem lại giá trị thu nhập cao. Điển hình như vụ mùa năm 2021, mô hình đã giúp tiết kiệm được 350.500đồng/sào, năng suất bình quân đạt 222kg thóc khô/sào với giá thu mua 9.800 đồng/kg, cao hơn 2.000 đồng/kg so với giá thị trường. Như vậy, giá trị sản phẩm của mô hình so với giá thị trường đã tăng thêm 444.000 đồng/sào. Đây là HTX kiểu mới với 24 thành viên, trong đó các thành viên hầu hết là những người tích tụ ruộng với diện tích lớn ở Bình Định.

Vùng liên kết sản xuất lúa giống của HTX Thương mại dịch vụ và tiêu thụ nông sản xã Bình Định ( Kiến Xương).

Ông Đỗ Xuân Khu, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương cho biết: Kiến Xương đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thực hiện một số mô hình về phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là hai mô hình về gia tăng giá trị sản xuất lúa gạo tại xã Bình Thanh và xã Bình Định. Huyện ủy tập trung lãnh đạo, giao UBND huyện thành lập ban chỉ đạo, các tổ giúp việc và giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì tham mưu để hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện. Qua một năm thực hiện, các mô hình đã mang lại hiệu quả rõ rệt, đặc biệt HTX Bình Thanh đã xây dựng được thương hiệu gạo chợ Gốc và đã được đăng ký nhãn hiệu sản phẩm. Từ mô hình này một số HTX khác đã mở rộng sản xuất vùng nguyên liệu để tiến tới xây dựng thương hiệu gạo của riêng địa phương, điển hình như mô hình sản xuất lúa rươi hữu cơ ở xã Hồng Tiến. Cùng với đó, Kiến Xương đã vận động một số tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất lớn để thành lập HTX nhằm liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm cho người dân. Kết quả ngay trong tháng 4 vừa qua đã có mô hình tích tụ ruộng đất của bà Trần Thị Lanh, thôn Giáo Nghĩa, xã Bình Minh được thành lập.

Đây là mô hình HTX đầu tiên ở tỉnh được hình thành do người tích tụ diện tích lớn đứng lên làm chủ. Bà Trần Thị Lanh, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh nông sản Quang Lanh cho biết: HTX có 7 thành viên chủ chốt và 20 thành viên đăng ký ban đầu. Trong 7 thành viên chủ chốt chúng tôi cùng nhau góp vốn, góp máy để hoạt động. Đến thời điểm này tất cả các loại máy để phục vụ sản xuất nông nghiệp đã đầy đủ, đáp ứng cho hoạt động của HTX và bà con xã viên trong vùng. Thời gian tới, HTX sẽ hướng tới sản xuất sản phẩm gạo hữu cơ để phục vụ nhu cầu thị trường. Hiện nay, HTX đang tiến hành thu hoạch lúa xuân, chuẩn bị các khâu cho sản xuất vụ mùa với diện tích trên 200ha.
Với những kết quả trên, Kiến Xương sẽ tiếp tục chỉ đạo thành lập thêm một số mô hình HTX theo hướng đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu lúa gạo mang thương hiệu của từng địa phương nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện trong thời gian tới.


Thu Thủy