Thứ 2, 29/07/2024, 01:34[GMT+7]

Để thương hiệu lúa giống Thái Bình vươn xa

Thứ 5, 28/03/2013 | 19:20:41
1,636 lượt xem
Năm 2013, để tiếp tục khẳng định là đơn vị tốp đầu trong ngành giống cây trồng Việt Nam, Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình đã có những định hướng, giải pháp cụ thể để đưa sản phẩm giống lúa Thái Bình tới các địa phương trong cả nước.

Giống lúa TBR36 do TSC chọn tạo, năng suất trung bình đạt 70 - 75 tạ/ha/vụ, thâm canh tốt có thể đạt 80 - 85 tạ/ha/vụ.

Trong những năm gần đây, sản phẩm lúa giống của Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (TSC) đã quen thuộc đối với bà con nông dân trong tỉnh và nhiều tỉnh trong cả nước. Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc TSC khẳng định: Đến nay, TSC vươn lên tốp đầu trong ngành giống cây trồng Việt Namon>, chinh phục thị trường bằng chất lượng, giá cả… Chính vì vậy, sản lượng giống cây trồng cung cấp cho thị trường năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2013, TSC phấn đấu lượng giống sản xuất và thu mua là 17.000 tấn, bán ra 15.000 tấn, doanh thu 350 tỷ đồng. Ngoài cung cấp giống cho các tỉnh quen thuộc, TSC đang tập trung vào thị trường miền Nam, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Trung du miền núi phía Bắc; từng bước vươn ra thị trường các nước trong khu vực.

Giống BC15 của TSC đã “làm mưa, làm gió” trên thị trường giống cây trồng từ năm 2008 trở lại đây, không chỉ ở trong tỉnh mà cả ở những tỉnh là vựa lúa của cả nước. BC15 có hai đặc tính ưu việt trong tập đoàn giống lúa thuần Việt Nam là năng suất cao (8-11 tấn/ha/vụ), chất lượng gạo ngon, cơm dẻo đậm được người tiêu dùng ưa chuộng. Đồng thời, BC15 còn thích ứng rộng trên địa bàn cả nước. Mặc dù hiện nay TSC đã nghiên cứu, chọn tạo được nhiều giống mới, nhưng BC15 vẫn đang dẫn đầu về sản lượng bán ra và diện tích gieo trồng. Vụ xuân 2013, riêng địa bàn tỉnh, giống BC15 chiếm tới 23,5% (19.000 ha). Tuy nhiên, BC15 chỉ là một ví dụ trong chiến lược xây dựng thương hiệu giống lúa Thái Bình, ngoài ra còn rất nhiều loại giống khác đang được TSC khảo nghiệm, chọn lọc, với kỳ vọng vượt trội hơn cả BC15. 

Năm 2012, TSC đã thực hiện khảo nghiệm 105 điểm và tổ chức 51 hội nghị đầu bờ trên cả nước, đón trên 8 nghìn lượt khách đến thăm quan, đánh giá chất lượng giống mới. Qua các điểm khảo nghiệm, TSC đã chọn được nhiều giống có triển vọng, như TBR27, TBR117, TBR225, TBR288. Điển hình như giống lúa TBR288 là giống lúa thuần do TSC chọn tạo, có đặc điểm trỗ bông tập trung, hạt xếp sít, chống chịu với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh khá tốt, năng suất trung bình đạt 65-70 tạ/ha/vụ, thâm canh tốt có thể đạt 80 tạ/ha/vụ, gạo trong, dẻo, ngon. Ngoài ra, TSC còn gửi đi khảo nghiệm quốc gia 10 giống mới… Năm 2012, với những nỗ lực của TSC trong việc nghiên cứu giống mới và phát triển thị trường trên cả nước nên kết quả sản xuất - kinh doanh đã đạt cao nhất sau 41 năm thành lập. Tổng sản lượng giống nhập và sản xuất là 18.425 tấn, bán ra 14.200 tấn; doanh thu 365 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 62 tỷ đồng. Năm 2013, để tiếp tục khẳng định là đơn vị tốp đầu trong ngành giống cây trồng Việt Namon>, TSC đã có những định hướng, giải pháp cụ thể, đưa sản phẩm giống lúa Thái Bình tới các địa phương trong cả nước.

 Theo đó, TSC đã hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp với mỗi loại hình đơn vị trực thuộc, bằng việc đánh giá, tổ chức, sắp xếp, đào tạo nguồn nhân lực.  Thực hiện quản lý và điều hành bằng văn bản, do đó tất cả các đơn vị và cá nhân khi được giao nhiệm vụ đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể trước khi thực hiện. Đồng thời, TSC sắp xếp lại hệ thống sản xuất giống thương mại để đưa hệ thống này tiếp cận với chủ trương xây dựng vùng sản xuất hàng hóa, nông thôn mới, cánh đồng mẫu. Bên cạnh đó là mở rộng hợp tác trong và ngoài nước, tiếp cận thị trường theo chiều sâu, xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp và khép kín trên địa bàn cả nước. Đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, nhất là giống lúa cho gạo chất lượng, giống rau và cây rừng ngập mặn. Ngoài ra, TSC tiếp tục nghiên cứu, lai tạo, chọn lọc những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu ngoại cảnh, sâu bệnh tốt và cho chất lượng sản phẩm cao, phấn đấu có từ 1-2 giống mới được công nhận. Hiện TSC đang tập trung đầu tư cho 2 dự án trọng điểm là mở rộng Nhà máy chế biến hạt giống Vũ Chính và Công ty Đông Cường. Đặc biệt, TSC đã đầu tư nghiên cứu phương án phát triển thị trường tại Đồng bằng sông Cửu Long, đây là dự án mang tính đột phá về thị trường và phát triển của TSC trong năm nay và những năm tới. Bên cạnh đó, TSC đang nghiên cứu sửa đổi mẫu bao bì, nhãn mác theo mẫu mới và xây dựng, triển khai phương án bảo vệ thương hiệu của TSC ở trong nước và nước ngoài…

Để đạt được những kết quả trên, TSC đã có chiến lược phát triển đúng hướng, nghiên cứu tạo ra được nhiều sản phẩm độc quyền, khách hàng yên tâm khi sử dụng sản phẩm của TSC. Ngoài ra, TSC đã có những giải pháp kịp thời phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế nông nghiệp; đồng thời có cơ chế khuyến khích được hệ thống phân phối, khách hàng tiêu thụ sản phẩm. Với chiến lược sản xuất, kinh doanh của TSC hiện nay, có thể khẳng định lúa giống Thái Bình sẽ ngày một vươn xa, tạo tiếng vang trên thị trường giống trong cả nước.

Bài, ảnh: Nguyên Bình

  • Từ khóa