Thứ 3, 14/01/2025, 17:01[GMT+7]

Khắc phục mọi khó khăn đưa vốn tín dụng ưu đãi đến với người nghèo và các đối tượng chính sách

Thứ 2, 01/04/2013 | 08:28:48
1,388 lượt xem
Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, thời gian qua, Thái Bình đã khắc phục mọi khó khăn chuyển tải vốn tín dụng đến các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, kịp thời.

Hoạt động giao dịch của cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Ảnh: Thành Tâm

Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh có điều kiện sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu Quốc gia về xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.

 

Sau 10 năm hoạt động, từ việc nhận bàn giao và triển khai ba chương trình, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đang thực hiện sáu chương trình tín dụng với quy mô ngày càng được mở rộng cả về khối lượng và đối tượng phục vụ, bao gồm: cho vay hộ nghèo; cho vay học sinh, sinh viên; cho vay giải quyết việc làm; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài và cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở. Đến ngày 31/12/2012, tổng nguồn vốn hoạt động của Chi nhánh đạt 2.154,2 tỷ đồng, bằng 7,21 lần so với năm 2003, trong đó nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương 2.093,8 tỷ đồng; nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất 53,5 tỷ đồng và nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư từ ngân sách tỉnh, huyện 6,9 tỷ đồng. Tổng doanh số cho vay đạt 4.063,8 tỷ đồng với trên 700 nghìn lượt hộ gia đình được vay vốn, tổng doanh số thu nợ 2.134,5 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt 2.152,9 tỷ đồng, trong đó cho vay hộ nghèo 571,6 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên 1.162,1 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm 77,7 tỷ đồng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 308,4 tỷ đồng; cho vay đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài 1,5 tỷ đồng và cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở 31,3 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,2% tổng dư nợ.

 

Nhờ thực hiện tốt Nghị định số 78, toàn tỉnh đã có 35.413 hộ thoát ngưỡng nghèo, trên 70.000 lao động có việc làm mới, hơn 81.000 học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập, 41.443 hộ được sử dụng nước sạch, 52.217 hộ xây dựng được công trình vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn và 3.956 hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà ở bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão.

 

 Không chỉ mở rộng về khối lượng và đối tượng phục vụ, Thái Bình còn kiên trì đổi mới quy trình, thủ tục và phương thức tín dụng ủy thác từng phần qua các tổ chức chính trị xã hội, từ đó giúp đồng vốn đến với người nghèo một cách nhanh chóng, đồng thời tạo điều kiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình tín dụng với các chương trình khác như: khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, các chương trình văn hóa xã hội, chuyển giao khoa học kỹ thuật... Đến ngày 31/12/2012, toàn tỉnh có 131.733 hộ vay vốn thông qua 3.827 Tổ tiết kiệm và vay vốn nhận ủy thác từ các tổ chức chính trị xã hội với tổng dư nợ 2.141,7 tỷ đồng. Trong đó, Hội Nông dân 784,1 tỷ đồng; Hội Phụ nữ 878,5 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh 318,2 tỷ đồng và Đoàn thanh niên 160,8 tỷ đồng. Qua kiểm tra, các hộ được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Điển hình như: ông Dương Văn Tuấn – Chủ cơ sở sản xuất kinh doanh khung xe đạp thời trang (Quỳnh Minh, Quỳnh Phụ) vay 300 triệu đồng vốn giải quyết việc làm đầu tư mở rộng sản xuất thu hút hàng trăm lao động là đoàn viên, thanh niên và bộ đội xuất ngũ; ông Nguyễn Xuân Quyết (thôn Phương Trạch, Phương Công, Tiền Hải), năm 2003 vay 4 triệu đồng từ nguồn vốn hộ nghèo để chăn nuôi kết hợp với tráng bánh đa, thu hút 6 lao động tham gia sản xuất; ông Đỗ Xuân Phường (Minh Lãng, Vũ Thư) vay 100 triệu đồng vốn giải quyết việc làm xây dựng nhà xưởng thêu ren, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở địa phương...

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Nghị định số 78 ở Thái Bình vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Trình độ của một bộ phận cán bộ tổ chức hội cấp xã, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc; Ban chỉ đạo giảm nghèo một số xã, phường chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của kênh tín dụng chính sách đối với hoạt động xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, những năm đầu thực hiện, do việc điều tra, thống kê, phân loại hộ nghèo chưa kịp thời dẫn đến khó khăn đối với chính quyền cấp xã và Chi nhánh trong việc nhận dạng đối tượng thụ hưởng và quyết định đầu tư; nhu cầu về vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách lớn trong khi nguồn vốn có hạn cho nên việc bình xét cho vay còn dàn trải dẫn đến bình quân dư nợ/hộ thấp, chưa phản ánh đúng nhu cầu vay vốn của hộ vay...

 

Mục tiêu từ nay đến năm 2020, Thái Bình phấn đấu bảo đảm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tới 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện; nguồn vốn và dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm 10%; tỷ lệ nợ quá hạn chiếm dưới 1% so với tổng dư nợ; thực hiện tốt công tác phối hợp, lồng ghép với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Trước hết, năm 2013, Thái Bình phấn đấu tổng nguồn vốn đạt 2.400 - 2.500 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,3% tổng dư nợ; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 6%, bảo đảm có ít nhất 50 - 55% dân số được sử dụng nước sạch, giải quyết việc làm cho 32 nghìn lao động/năm.

 

Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cần tập trung mọi lực lượng tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động về mọi mặt, trong đó đặc biệt chú trọng các giải pháp trọng tâm, chiến lược lâu dài về hoàn thiện mô hình quản lý liên kết giữa NHCSXH, các tổ chức chính trị xã hội, các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Bên cạnh đó, Chi nhánh phải bám sát các định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các mô hình, dự án mang tính xã hội, làng nghề truyền thống, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng cán bộ thông qua kế hoạch đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, kiến thức pháp luật và kỹ năng quản lý điều hành. Ngoài ra, Chi nhánh coi trọng hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, phối hợp với các cấp, các ngành làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước để mọi người dân hiểu đúng, làm đúng các quy định về chính sách tín dụng ưu đãi để nguồn vốn của Nhà nước được sử dụng đúng mục đích, bảo đảm an toàn và mang lại hiệu quả cao.

Cao Thị Hải

   Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh,

Trưởng ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh.

 

  • Từ khóa