Thứ 3, 30/07/2024, 01:19[GMT+7]

Người đưa nghề mới về Tiền hải

Thứ 4, 01/09/2010 | 08:28:08
1,548 lượt xem
Khi phong trào nuôi trồng thuỷ hải sản ở Tiền Hải phát triển mạnh, cho hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2006 ông đã sản xuất cua giống, rồi giống tôm sú, giống cá bớp.

Ông Vũ Công Đình, giám đốc doanh nghiệp giống thuỷ sản Đông Minh (người ngồi) kiểm tra sự phát triển của ngao giống. Ảnh: Đức Lợi

Khi giống cua, tôm sú của ông  xuất xưởng đã hạ giá thành con giống cung cấp cho các hộ nuôi giảm 50%; nhận thấy ngao là mặt hàng chủ lực của huyện, giúp tạo việc làm cho người dân, nhưng nguồn cung cấp giống trong tỉnh không có dẫn đến thiếu chủ động, năm 2009 ông quyết định đầu tư, tìm tòi, nghiên cứu sản xuất ngao giống. Người mà chúng tôi nói đến là ông Vũ Công Đình, giám đốc doanh nghiệp giống thuỷ sản Đông Minh, Tiền Hải.

Ngao giống cung cấp cho thị trường Thái Bình chủ yếu là ngao khai thác tự nhiên được chuyển ra bằng máy bay từ các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng. Trong đó ngao nhân tạo duy nhất chỉ có ở Tiền Giang với số lượng hạn chế. Giá ngao giống rất đắt, năm 2009 ngao cấp 2 (số lượng 25- 30 vạn con/kg) là 9 triệu đồng/kg. Giá đắt như vậy, nhưng người nuôi vẫn không chủ động được con giống, số lượng khai thác từ tự nhiên có hạn, không loại trừ mua phải hàng “rởm” từ Trung Quốc chuyển về. Bắt tay vào việc, ông Đình biết rõ những khó khăn mà Trại giống (khi ấy chưa lên doanh nghiệp) của ông sẽ phải đương đầu.

Nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm, giữa các ngày ở miền Bắc lớn dễ làm tảo chết, mất đi nguồn thức ăn phù du cho ngao. Chế độ nhật triều (nước biển lên xuống ngày một lần) tăng thời gian phơi bãi hơn 8h/ngày, nắng nóng khiến nước bốc hơi, độ mặn cao dễ làm ngao “sốc mặn” mà chết. Do vị trí địa lý gần các cửa sông Hồng, sông Trà, sông Lân, nếu điều phối nước không cẩn thận, độ mặn tăng giảm đột ngột từ 20/1000 xuống 1-5/1000 cũng ảnh hưởng lớn đến ngao giống. Khó khăn nhất là tỷ lệ đậu của ngao giống rất thấp mà chưa tìm ra nguyên nhân. Chính những khó khăn này mà một đơn vị Nhà nước từng đầu tư sản xuất ngao giống đã thất bại và phải bỏ cuộc. Thấy rủi ro cao, nên các thành phần kinh tế tư nhân chỉ lựa chọn nuôi ngao thương phẩm, do vậy trại giống của ông trở thành trại giống đi tiên phong trong lĩnh vực này.

Để “tầm sư học đạo”, ông Đình lặn lội vào các tỉnh phía Nam, sang cả Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến và Triết Giang (Trung Quốc). Ở Triết Giang, tỉnh có thế mạnh  về ngao giống ông đã có lời mời chuyên gia với mức lương 20 triệu đồng/ tháng và chia một phần lợi nhuận nhưng cũng bị từ chối. Với lòng quyết tâm, ông tự học, tự tìm hiểu, tham khảo ý kiến các kỹ sư thuỷ sản trong nước... quyết thực hiện cho được ý định của mình.

Vụ đầu tiên ông mất ăn mất ngủ vì ngao, nâng niu chúng như “mẹ chăm con”. Từ lúc mang ngao bố mẹ về, bảy ngày sau cho trứng, sau 24 h chuyển thành hình chữ D (soi trên kính hiển vi), 8 ngày nữa ngao thò chân ăn xuống tầng thấp và sau một tuần đạt ngao cấp 1 ( hơn 1 triệu con/kg). Theo lý thuyết, đến giai đoạn cấp 1, ngao đậu 5- 7% là lý tưởng, vụ đầu trại giống của ông chỉ đạt 3%. Kết quả ban đầu là vậy, nhưng điều ông khổ tâm nhất là nhiều người, trong đó có cả cơ quan chuyên môn không tin điều đó là có thực, có ý kiến còn nghi ngờ ông mua ngao giống từ nơi khác về và “nhận xằng” của mình.

Có kinh nghiệm ban đầu, ông tiếp tục sản xuất ngao giống vụ thứ hai. Với 120 bể, ông phấn đấu đạt tỷ lệ ngao đậu 5%, khi đó cứ môt bể 4m3 sẽ cho 6-7 triệu ngao giống, đáp ứng 25% nhu cầu cho thị trường Tiền Hải.  Và rồi, chẳng phụ công ông, vụ thứ hai đã cho ông kết quả gần như mong muốn. Tính cả hai vụ, trong một năm trại cung cấp được 500 triệu con giống, góp phần đưa giá ngao giống xuống còn hơn 3 triệu đồng/kg.

Được hơn cả là các hộ ở Tiền Hải chủ động được con giống và Tiền Hải thêm một nghề mới: nghề sản xuất ngao giống. Tuy mới ở bước đầu nhưng Trại của ông Đình đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập ổn định 2 triệu đồng/người/tháng, trong đó các kỹ thuật viên hưởng mức từ 3- 5 triệu đồng. Với mục đích tạo công ăn việc làm nhiều hơn, ông Đình quyết định mở rộng quy mô sản xuất.

Ông thuê thêm 4ha bãi triều tại xã Nam Thịnh, kè toàn bộ diện tích, bơm cát để đạt cao triều 2,9m, không tính tiền thuê bãi số tiền đầu tư đã lên tới 4 tỷ đồng. Dự tính, nếu thành công sẽ tạo công việc thường xuyên cho70 lao động và sản phẩm xuất ra sẽ là ngao giống cấp 2 , đảm bảo cho 35% nhu cầu ngao giống của Tiền Hải .

Mong muốn là vậy, nhưng đơn vị ông chỉ là kinh tế tư nhân,  khả năng về khoa học- công nghệ đã khó, khả năng đáp ứng được nguồn vốn khá lớn mà thực tế đòi hỏi càng khó hơn. Ông đã trình huyện, các sở, ngành và tỉnh  đều nhận được sự  ủng hộ cao cho ý tưởng mở mang nghề mới này.

Để ghi nhận công sức đóng góp  của ông, năm 2009 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã tặng bằng khen “Có thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp phát triển của ngành thuỷ sản Việt Nam”. Cùng năm, Chủ tịch UBND tỉnh cũng tặng bằng khen “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh”.

Năm 2010, Tiền Hải dự kiến đạt 24.460 tấn ngao thương phẩm nhưng chỉ 6 tháng đầu năm đã đạt 20.000 tấn, theo giá tiêu thụ nội địa là 1 USD/kg, giá trị sản xuất là 20 triệu đôla Mỹ. Ngao lại là con dễ nuôi, ít dịch bệnh, nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên, điều quan trọng thị trường tiêu thụ rất tiềm năng, ngoài nội địa và Trung Quốc còn có thị trường EU nên cầu luôn lớn hơn cung.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của Tiền Hải nói riêng, tỉnh nói chung là vấn đề con giống. Để kết thúc, xin dẫn lời kỹ sư Vũ Văn Thanh, Phó phòng nông nghiệp huyện Tiền Hải, người có 27 năm gắn bó với ngành thuỷ sản: “Tôi đã theo dõi từ đầu mô hình sản xuất ngao giống của Trại giống thủy sản Đông Minh, đây là cơ sở đi đầu và đã thành công trong việc sản xuất ngao giống. Để phát triển, rất cần sớm có sự quan tâm, ủng hộ  của huyện và tỉnh.”

Phan Đức Lợi

  • Từ khóa