Thứ 6, 22/11/2024, 10:03[GMT+7]

Hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử Kỳ 1: Khi nông sản, thực phẩm lên sàn

Thứ 3, 02/08/2022 | 08:49:44
15,201 lượt xem
Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nắm bắt cơ hội đó, Thái Bình đã và đang đẩy mạnh hỗ trợ nông dân, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tổ hợp tác, HTX… đưa các sản phẩm, nhất là nông sản lên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Qua đó giúp nâng cao giá trị sản xuất, mở thêm kênh tiêu thụ bền vững cho nông sản, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Sản phẩm của Công ty Cổ phần Thương mại thủy sản Diêm Điền đạt tiêu chuẩn OCOP.

Lâu nay, câu chuyện “được mùa mất giá” vẫn là bài toán nan giải trong sản xuất nông nghiệp và câu chuyện “giải cứu” nông sản vẫn thường xảy ra, trong đó đối tượng chịu tác động, thiệt thòi nhất vẫn là người nông dân. Cùng với đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao cũng khiến việc tiêu thụ nông sản của người nông dân càng gặp khó khăn hơn. Cùng với các kênh bán hàng truyền thống, nhiều nông dân đã tận dụng lợi thế mạng xã hội là các trang zalo, facebook, youtube và đưa sản phẩm lên sàn TMĐT để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm, mở thêm kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa hiệu quả.

Mô hình nuôi cá lồng của nông dân Nguyễn Văn Bản, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ).

Mở rộng cơ hội bán hàng

Anh Nguyễn Văn Bản, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) nuôi 12 lồng cá diêu hồng, trung bình mỗi năm xuất bán 50 - 60 tấn cá ra thị trường. Tuy nhiên, chỉ bán cho thương lái thì giá cả không ổn định và hay bị ép giá nên thời gian gần đây anh Bản đã chia sẻ hình ảnh, bán hàng trên tài khoản zalo, facebook của mình, nhờ đó anh đã kết nối được với nhiều khách hàng ở tỉnh ngoài đăng ký mua cá với số lượng lớn. 

Theo anh Bản, bán hàng trực tuyến là kênh tiêu thụ lớn, kết nối với đông khách hàng, có nhiều tiềm năng để phát triển, không chỉ giúp gia đình anh mà cả các hội viên nuôi cá lồng khác ở địa phương mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra ngoài tỉnh. Thời gian tới, anh sẽ tổ chức sản xuất theo quy trình khép kín bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và nhờ hội nông dân hỗ trợ tạo tài khoản bán sản phẩm trên sàn TMĐT để việc bán hàng được thuận lợi hơn.

Từ khi được hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn TMĐT thì việc sản xuất, kinh doanh của HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên (Tiền Hải) phát triển hơn. Sản phẩm của xã viên sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, thu nhập cũng tăng lên. Năm 2021, HTX đã tiêu thụ được 150 vạn trứng vịt biển và 7 vạn con vịt biển Đông Xuyên; dự kiến năm 2022 sản lượng tiêu thụ tăng lên 200 vạn trứng vịt và 10 vạn con vịt biển. 

Ông Ngô Văn Duẩn, Giám đốc HTX cho biết: Trước kia khi bán sản phẩm trực tiếp, bộ phận kinh doanh của HTX rất vất vả, phải mang các sản phẩm đi giới thiệu khắp nơi tốn nhiều thời gian, chi phí tiếp thị, quảng cáo sản phẩm. Nhưng từ khi được hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn TMĐT kết hợp bán hàng trên mạng xã hội đã góp phần quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu các sản phẩm cho HTX. Nhiều khách hàng lớn tìm đến đặt hàng, làm đại lý phân phối sản phẩm. Ngoài thịt vịt và trứng biển Đông Xuyên đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP được hỗ trợ đưa lên sàn TMĐT, hiện nay các thành viên của HTX cũng sản xuất nhiều sản phẩm như cá chạch sụn, ốc nhồi, các loại hải sản... Để đáp ứng điều kiện sản phẩm đưa lên sàn TMĐT, HTX hướng dẫn xã viên quy trình chăm sóc, chế biến, bảo quản sản phẩm đúng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Sản phẩm trứng vịt biển của HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên (Tiền Hải).

Nhu cầu tất yếu trong sản xuất nông nghiệp

Đến nay có khoảng 400 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất, kinh doanh... trên địa bàn tỉnh đưa nông sản và các sản phẩm lên sàn TMĐT. Trong đó, tỉnh đã hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP tham gia sàn postmart.vn và voso.vn. So với phương thức bán hàng truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn TMĐT không những mở thêm cơ hội tiếp cận khách hàng mới, giúp nông dân, HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh... giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trong và ngoài nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá. 

Theo bà Hà Thị Thủy, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại thủy sản Diêm Điền: Vừa qua, sản phẩm nước mắm cá cơm của doanh nghiệp đã đạt sản phẩm OCOP và sẽ được hỗ trợ đưa lên sàn TMĐT. Đây thực sự là cơ hội lớn để doanh nghiệp đa dạng kênh quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi mong muốn các ngành chức năng hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, tập huấn hướng dẫn quy trình để đưa sản phẩm lên sàn TMĐT thuận lợi, qua đó giới thiệu thêm một đặc sản của quê hương Thái Bình đến với khách hàng trong và ngoài nước.

Hỗ trợ đưa nông sản lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến các gia đình, hộ nông dân về TMĐT, những lợi ích khi đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT. Tổ chức các hội nghị tập huấn, hướng dẫn kỹ năng quảng bá sản phẩm, giới thiệu và bán hàng qua mạng xã hội, nền tảng livestream, sàn TMĐT.  Đẩy mạnh hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm thông qua các hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại và hỗ trợ cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh như: thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giá giống và phân bón... Qua đó giúp bà con có thể chủ động hơn nữa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đa dạng kênh bán hàng, mở thêm đầu ra mới bền vững cho các mặt hàng nông sản.

Theo ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đưa nông sản lên sàn TMĐT góp phần tạo thêm kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững cho nông sản địa phương; tạo một không gian kinh doanh mở, định vị đúng giá trị thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, mang lại nhiều cơ hội để nông sản chất lượng cao của tỉnh đến tay người tiêu dùng trong nước và vươn tới quốc tế. Sàn TMĐT cũng giúp tiết kiệm chi phí, bảo đảm an toàn vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, thông qua sàn TMĐT và nền tảng số cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết mùa vụ... tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nông dân trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

(còn nữa)
Nguyễn Hình - Tiến Đạt