Chủ nhật, 28/07/2024, 23:33[GMT+7]

Điện lực Đông Hưng Giải pháp giảm tổn thất điện năng

Thứ 3, 02/04/2013 | 10:07:01
2,682 lượt xem
Xác định giảm tổn thất điện năng (TTÐN) là một trong những “mặt trận” quan trọng trong quá trình sản xuất kinh doanh, những năm qua, Điện lực Đông Hưng đã nỗ lực phấn đấu, triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm TTÐN. Tuy nhiên, năm 2012, tỷ lệ TTÐN của Điện lực Đông Hưng vẫn ở mức 12,47%, vượt 0,07% so với kế hoạch Công ty giao.

Sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT), Điện lực Đông Hưng đã chủ động phối hợp cùng chính quyền và tổ dịch vụ bán lẻ điện năng của các địa phương triển khai nhiều biện pháp tổ chức quản lý, vận hành và kinh doanh điện, bảo đảm duy trì cấp điện kịp thời, ổn định. Tập trung đầu tư, cải tạo nâng cấp lưới điện 0,4 kV của các xã, khắc phục các điểm quá cũ nát, như: Thay xà sứ, dây dẫn và bổ sung tiếp địa lặp lại, thay công tơ, hòm công tơ không bảo đảm an toàn, giải phóng hành lang an toàn, sửa chữa cải tạo một phần đường dây hạ áp quá cũ nát, mất an toàn của 30 xã, thị trấn (tiếp nhận từ 2008-2010).

Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, Công ty Điện lực Thái Bình đã đầu tư xây dựng thêm đường dây trung áp, trạm biến áp cho các xã của huyện Đông Hưng để giảm bán kính cấp điện và chống quá tải lưới điện trung, hạ áp nông thôn,  gồm các dự án: Năng lượng nông thôn 2 cải tạo bổ sung đợt 3, đường dây 400V ở 10 xã; nâng hạ cấp, luân chuyển 16 máy biến áp; lắp đặt tụ bù và các thiết bị đóng cắt tụ; lắp đặt thiết bị nâng cao độ tin cậy của trạm trung gian 35/10 kV Thăng Long; xây dựng mới 18 trạm biến áp; 100% số xã tiếp nhận đã được thay thế công tơ mới. Tổng mức đầu tư nâng cấp, cải tạo và sửa chữa từ sau khi ngành điện tiếp nhận là trên 80 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Điện lực Đông Hưng thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình trạng mang tải của đường dây, trạm để kịp thời phát hiện tình trạng đầy tải, quá tải và có biện pháp cân, đảo pha, chống quá tải đường dây, trạm biến áp, thực hiện vệ sinh sứ cách điện, chống sét… theo đúng quy định, tránh hiện tượng dòng rò. Thường xuyên tiến hành rà soát, khoanh vùng các trạm công cộng có tổn thất cao, tìm nguyên nhân để có phương án xử lý, phát quang hành lang an toàn lưới điện, nhất là điện hạ áp nông thôn..., góp phần giảm tổn thất điện năng từ trên 20% trước tiếp nhận xuống còn 12,47%.

Tuy nhiên, đây vẫn là mức tổn thất cao. Theo Phó Giám đốc Điện lực Đông Hưng - Phạm Xuân Thọ, nguyên nhân do sau tiếp nhận LĐHANT quá cũ nát, nhiều nhánh rẽ dây dẫn nhỏ, dây trần, dây lưỡng kim quá nhiều, sứ cách điện nứt vỡ, nhất là sau bão số 8 năm 2012, nhiều đường dây bị đứt, cột đổ. Đường dây đi qua nhà, vườn của dân nhưng không được bảo đảm hành lang an toàn do người dân không cho chặt cây. Tình trạng câu móc, trộm cắp điện vẫn diễn ra thường xuyên. Trong năm 2012, Điện lực Đông Hưng đã phát hiện 38 vụ trộm cắp điện, truy thu gần 170 triệu đồng. Các xã vi phạm nhiều, như: Đông Lĩnh, Đông Tân… tỷ lệ TTĐN ở các xã này luôn cao trên 14%. Phụ tải điện sinh hoạt mùa hè tăng cao, trong khi lưới điện chưa đáp ứng.

Để giảm tỷ lệ TTĐN xuống còn 11,1% theo kế hoạch Công ty Điện lực Thái Bình giao năm 2013, Điện lực Đông Hưng đã thành lập tiểu ban giảm TTĐN do đồng chí giám đốc làm trưởng tiểu ban, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, gắn kết quả thực hiện giảm TTÐN với tiền lương, thưởng, danh hiệu thi đua. Chủ động lập kế hoạch, triển khai công tác kiểm tra sử dụng điện, phúc tra chỉ số công tơ, nhất là trong các ngày lễ, tết, đổ ải. Đối với những đường dây, trạm biến áp công cộng có tỷ lệ tổn thất cao hơn kế hoạch hoặc tháng sau cao hơn tháng trước phải kiểm tra để làm rõ nguyên nhân. Theo dõi các thông số vận hành lưới điện và tăng trưởng phụ tải để có kế hoạch vận hành, cải tạo lưới điện, hoán chuyển máy biến áp đầy, non tải một cách hợp lý, không để quá tải đường dây, quá tải máy biến áp trên lưới điện, không để các máy biến áp phụ tải vận hành tải lệch pha. Theo dõi thường xuyên các nút trên lưới điện, tính toán vị trí và dung lượng lắp đặt tụ bù tối ưu để hoán chuyển, vận hành hợp lý các bộ tụ trên lưới. Kiểm tra bảo dưỡng hành lang lưới điện, tiếp địa, mối tiếp xúc, cách điện của đường dây, thiết bị, phát quang hành lang, thay sứ nứt vỡ...

Trong quản lý kinh doanh,  áp dụng phương pháp đo xa, giám sát thiết bị đo đếm từ xa cho các phụ tải lớn nhằm tăng cường theo dõi, phát hiện sai sót, sự cố trong đo đếm. Củng cố, nâng cao chất lượng đọc sổ ghi chỉ số công tơ nhằm mục đích phát hiện kịp thời công tơ kẹt cháy, hư hỏng ngay trong quá trình ghi chỉ số để xử lý kịp thời. Tăng cường công tác kiểm tra những khách hàng có sản lượng lớn, các cơ sở tư nhân, hợp tác xã điện năng, công ty cổ phần điện năng, các khách hàng đã vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm lấy cắp điện.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa