Chủ nhật, 28/07/2024, 23:27[GMT+7]

Thành phố Thái Bình Phát huy vai trò đầu tàu về công nghiệp

Thứ 3, 09/04/2013 | 08:12:31
1,335 lượt xem
Thành phố Thái Bình không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa mà còn là nơi phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp sôi động bậc nhất tỉnh. Với vai trò đầu tàu về công nghiệp và thương mại, Thành phố đã tạo dựng cho mình diện mạo đô thị trẻ văn minh, hiện đại, năng động, đồng thời tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung cho cả tỉnh, góp phần đáng kể đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH.

Xưởng sản xuất của Công ty cổ phần Dệt sợi Damsan (Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh - Thành phố Thái Bình).

Thành phố Thái Bình có lợi thế lớn về hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng về giao thông, điện, nước sạch, thông tin liên lạc. Cùng với đó là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa. Hiện tại, trên địa bàn Thành phố có 4 khu công nghiệp (KCN) tập trung với tổng diện tích đất quy hoạch là 565ha. Không chỉ sẵn sàng về mặt bằng, các KCN tại Thành phố còn được quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khá đồng bộ. Điển hình như KCN Phúc Khánh đã đầu tư xây dựng hạ tầng trên 215 tỷ đồng, KCN Nguyễn Đức Cảnh đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khoảng 193 tỷ đồng, KCN Sông Trà mặc dù mới công bố quy hoạch chi tiết nhưng nhà đầu tư là Công ty cổ phần TBS đã cam kết đầu tư cho hạ tầng 550 tỷ đồng, hiện đã thực hiện gần 300 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, thời gian qua Thành phố còn chủ động quy hoạch 2 cụm công nghiệp tập trung là Phong Phú và Trần Lãm với tổng diện tích đất hơn 87ha nhằm đáp ứng nhu cầu về mặt bằng cho các nhà sản xuất. Hiện tại, cả 2 cụm CN nói trên đều đang tích cực được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng về giao thông, sắp tới sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống thu gom xử lý nước thải và triển khai xây dựng hạ tầng giai đoạn II.

Cùng với hạ tầng công nghiệp, Thành phố cũng là nơi có hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ sôi động và hiện đại. Trong đó có 3 khu dịch vụ thương mại đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch gồm: Khu dịch vụ thương mại phía Bắc đường Kỳ Đồng rộng gần 5.000m2 giao cho 4 doanh nghiệp đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật; khu dịch vụ thương mại phía Nam đường Kỳ Đồng rộng gần 8.000m2 đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và khu dịch vụ thương mại phường Hoàng Diệu rộng 34.566m2 hiện có 10 doanh nghiệp được chấp thuận đầu tư với diện tích đất đăng ký gần 17.000m2. Khu vực trung tâm đã hình thành 3 trung tâm thương mại và 6 siêu thị đang hoạt động và 3 dự án đang triển khai xây dựng. Ngoài ra còn có 15 chợ các loại, trong đó 9 chợ được Nhà nước đầu tư xây dựng và 6 chợ xây dựng theo hình thức xã hội hóa.

Nhờ có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, kết hợp với cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư thông thoáng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến lĩnh vực đầu tư nên Thành phố thu hút ngày càng đông các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến hợp tác đầu tư. Năm 2012, Thành phố có 290 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 16% so với năm 2011, đưa tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn Thành phố lên 1.773 doanh nghiệp (chiếm gần 50% số doanh nghiệp toàn tỉnh) với tổng số vốn đăng ký đạt gần 6.000 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực sản xuất có 253 doanh nghiệp, lĩnh vực thương mại - dịch vụ có 1.520 doanh nghiệp. Hiện tại, các doanh nghiệp đang giải quyết việc làm cho khoảng 46.000 lao động.

Năm 2012, mặc dù chịu tác động kép của suy thoái kinh tế toàn cầu và cơn bão số 8 nhưng giá trị sản xuất (GTSX) công nghiệp- xây dựng của Thành phố vẫn đạt hơn 4.800 tỷ đồng, tăng 13,76% so với năm 2011 và chiếm 32,6% tổng GTSX công nghiệp - xây dựng toàn tỉnh; giá trị sản xuất ngành TM - DV đạt 2.137 tỷ đồng, tăng 13,42% và chiếm 33,2% tổng GTSX TM - DV toàn tỉnh. Đặc biệt, các doanh nghiệp còn đóng góp cho ngân sách Nhà nước trên 584 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng thu ngân sách trên địa bàn Thành phố năm 2012.

Để tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu về công nghiệp và hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại II, thời gian tới Thành phố chủ trương làm tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính; chỉ đạo quyết liệt việc giải phóng mặt bằng, không để dự án chờ mặt bằng; huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế, chú trọng hạ tầng giao thông, hạ tầng cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại. Tạo mọi điều kiện về thủ tục để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thu hút các nhà đầu tư và tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ở cả trong và ngoài nước. Đồng thời thường xuyên tổ chức các cuộc gặp mặt, đối thoại để nắm bắt kịp thời và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Năm 2013 này, Thành phố phấn đấu thành lập mới từ 200 - 300 doanh nghiệp; tổng GTSX công nghiệp - xây dựng đạt 5.669 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2012; GTSX TM - DV đạt 2.485 tỷ đồng, tăng 16,3%, đưa kim ngạch xuất khẩu cả năm lên gần 600 triệu USD.

Bài, ảnh: Vũ Mạnh

  • Từ khóa