Thứ 6, 27/12/2024, 12:37[GMT+7]

Để vụ lúa xuân tiếp đà thắng lợi

Thứ 3, 09/04/2013 | 18:35:07
1,752 lượt xem
Để vụ lúa xuân tiếp đà thắng lợi, hơn lúc nào hết các địa phương cần chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác phòng trừ sâu bệnh; đồng thời bà con nông dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên bám sát đồng ruộng để xử lý sâu bệnh kịp thời, tránh thiệt hại không đáng có xảy ra.

Nông dân xã Đông Hoàng (Đông Hưng) chăm bón lúa xuân. Ảnh: Thành Tâm

Vụ xuân 2013 bước đầu đã giành thắng lợi về thời vụ, cơ cấu giống và sinh trưởng, phát triển sau cấy. Hiện lúa xuân phát triển tốt, đang trong giai đoạn đẻ nhánh tối đa, chuẩn bị bước vào phân hóa đòng. Tuy nhiên, đây là giai đoạn mẫn cảm nhất với sâu bệnh, đặc biệt là bệnh đạo ôn, nếu không phòng trừ tốt thì nguy cơ giảm năng suất, mất mùa là rất cao. Vì vậy, để vụ lúa xuân tiếp đà thắng lợi, hơn lúc nào hết các địa phương cần chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác phòng trừ sâu bệnh; đồng thời bà con nông dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên bám sát đồng ruộng để xử lý sâu bệnh kịp thời, tránh thiệt hại không đáng có xảy ra.

 

Vụ lúa xuân 2013, toàn tỉnh gieo cấy được 80.619 ha. Trong đó, gieo thẳng 23.175,6 ha, tăng 3.175,6 ha so với kế hoạch; giống lúa ngắn ngày 78.319 ha, lúa dài ngày (kể cả nếp dài ngày) là 2.300 ha, giảm 13% so với vụ xuân 2012. Ông Trần Xuân Định, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Mặc dù bước vào vụ lúa xuân, hầu hết diện tích đất hai lúa không có ải, làm đất chậm song với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của tỉnh, ngành Nông nghiệp và các huyện, thành phố nên thời vụ gieo cấy tập trung, nhanh, gọn nhất từ trước tới nay (từ 13/2 đến 23/2). Vụ xuân bước đầu đã giành thắng lợi về thời vụ, cơ cấu giống và sinh trưởng, phát triển sau cấy. Hiện lúa xuân phát triển tốt, đang trong giai đoạn đẻ nhánh tối đa, chuẩn bị bước vào phân hóa đòng. Tuy nhiên, đây là giai đoạn mẫn cảm nhất với sâu bệnh, đặc biệt là bệnh đạo ôn, nếu không phòng trừ tốt thì nguy cơ giảm năng suất, mất mùa là rất cao. Vì vậy, để vụ lúa xuân tiếp đà thắng lợi, hơn lúc nào hết các địa phương cần chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác phòng trừ sâu bệnh; đồng thời bà con nông dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên bám sát đồng ruộng để xử lý sâu bệnh kịp thời, tránh thiệt hại không đáng có xảy ra.

 

Mặc dù đầu vụ ẩm độ cao, nhiều ngày ẩm độ bão hòa, số giờ nắng thấp, không hanh, hầu hết diện tích gieo cấy không có ải, nhưng xét tổng quát thì đây là vụ có nhiều thuận lợi từ khi gieo mạ đến gieo cấy. Trước hết, các địa phương và ngành Nông nghiệp đã triển khai công tác thủy lợi nội đồng khá tốt; tỷ lệ sông, mương được nạo vét cao hơn những năm trước. Vì vậy, khi làm đất, gieo cấy, nguồn nước đầy đủ, điều tiết nước tốt, hợp lý; các vùng đất kìm hãm đều được thau chua rửa mặn 1-2 lần, giúp hạn chế tác hại của đất không được ải. Nền nhiệt tăng cao từ nửa cuối tháng 1 trở đi tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo cấy; lúa sau gieo cấy phục hồi khá nhanh. Mặc dù năm nay diện tích mạ dài ngày không bị ảnh hưởng nhiều của thời tiết, nhưng nhận thức của người nông dân đã thay đổi rõ rệt, hầu hết là gieo cấy giống ngắn ngày, giống dài ngày chỉ chiếm 2,85% tổng diện tích lúa xuân 2013. Ngoài ra, tỉnh và các huyện, thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho sản xuất vụ xuân như thuốc diệt chuột, thuốc trừ cỏ cho diện tích lúa gieo thẳng, máy cấy và một số máy phục vụ sản xuất nông nghiệp khác… nên đã tác động tích cực, khuyến khích các hộ nông dân sản xuất theo chủ trương của tỉnh đề ra. Với những thuận lợi trên, lúa xuân sau gieo cấy nảy mầm đều, bén rễ hồi xanh nhanh, sinh trưởng, phát triển tốt. Nhìn chung đến nay diện tích lúa bị kìm hãm giảm hơn so với cùng kỳ nhiều năm, dự kiến lúa sẽ trỗ bông sớm hơn vụ xuân trước từ 5-7 ngày; riêng giống lúa Nhật trỗ bông từ ngày 10/4.

 

Bên cạnh những thuận lợi và những kết quả bước đầu đạt được, bất lợi ở vụ xuân năm nay là bệnh đạo ôn xuất hiện sớm trên diện rộng, đang là mối lo ngại của các cấp, các ngành và bà con nông dân. Bệnh đạo ôn đã xuất hiện từ đầu tháng 2 trên một số diện tích mạ xuân sớm, trong đó mạ Xi23, BC15 gieo dược bị thiệt hại rất nặng, nhiều diện tích mạ phải hủy bỏ, tập trung chủ yếu ở Thành phố Thái Bình và Đông Hưng. Bà Nguyễn Thị Nga, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết: Trong tháng 2, độ ẩm không khí luôn ở mức cao, có tới 9 ngày độ ẩm trên 90%, do đó bệnh đạo ôn đã gây hại nặng trên mạ xuân gieo dược che phủ nilon; tháng 3 có 12 ngày mưa phùn, ẩm độ không khí toàn tháng cao trên 89% tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng, phát triển nhanh, song đây lại là điều kiện lý tưởng để nguồn bệnh đạo ôn từ mạ phát sinh và gây hại trên lúa ở nhiều địa phương. Đặc biệt cuối tháng 3, đầu tháng 4 đã xuất hiện tiếp đợt không khí lạnh, mưa nhỏ kéo dài nên đã đẩy nhanh tốc độ lây lan của bệnh đạo ôn, rầy nâu và sâu cuốn lá nhỏ trên đồng ruộng.

 

Thực tế cho thấy, trong tháng 3 toàn tỉnh có tới 12.000 ha lúa xuân bị nhiễm bệnh đạo ôn; các địa phương đã thực hiện phòng trừ quyết liệt nên mức độ gây hại không nặng như cùng kỳ nhiều năm. Tuy nhiên, không phải vì thế mà bệnh đã được khống chế, mà đây mới là giai đoạn đầu của bệnh bùng phát trên diện rộng, trong thời gian tới mới là cao điểm của bệnh đạo ôn, nếu không phòng trừ kịp thời thì lúa lùn lụi ở quy mô lớn là điều khó tránh khỏi. Theo đánh giá của Chi cục BVTV, đến đầu tháng 4 mức độ nhiễm bệnh đạo ôn trên lúa trong toàn tỉnh khoảng 20.000 ha, diện tích nhiễm nặng cần phải phòng trừ quyết liệt là 13.000 ha. Bệnh đạo ôn đang gây hại nặng tập trung chủ yếu vào các giống lúa Xi23, BC15, Q5, lúa Nhật… ở hầu hết các địa phương trong tỉnh.

 

Ông Trần Xuân Định cho biết: Trước diễn biến của bệnh đạo ôn gây hại lúa xuân, ngành Nông nghiệp đã tổ chức cuộc họp khẩn thông báo diễn biến tình hình sâu bệnh đến các huyện, thành phố đồng thời triển khai nhiệm vụ cho các đơn vị trong ngành, các trạm BVTV để chỉ đạo, quyết liệt hơn nữa công tác phòng chống sâu bệnh. Theo đó, các đơn vị trực thuộc đã phân công cụ thể cho toàn thể cán bộ tăng cường xuống cơ sở để điều tra, phát hiện sâu bệnh, tổ chức tập huấn các biện pháp phòng trừ, chăm sóc lúa xuân cho các địa phương. Hiện các HTX DVNN đã phát động nông dân tự kiểm tra đồng ruộng của mình để phát hiện sớm sâu bệnh, tổ chức phun phòng trừ. Các HTX đã tiến hành phân trà, phân các giống nhiễm bệnh để khoanh vùng tập trung xử lý nhằm hạn chế phun thuốc tràn lan gây ô nhiễm môi trường và lãng phí không cần thiết. Hiện nay, việc phòng trừ bệnh đạo ôn trên những diện tích lúa bị nhiễm đang được các địa phương tổ chức thực hiện khá quyết liệt, dự kiến kết thúc đợt phòng trừ này là trung tuần tháng 4.

 

Ngoài bệnh đạo ôn đang xuất hiện trên diện rộng, một số loại sâu, rầy đang có chiều hướng gia tăng mật độ, nhất là huyện Tiền Hải mật độ sâu non đã ở ngưỡng vài chục đến vài trăm con/m2. Trước mắt, Chi cục BVTV đang tập trung điều tra phát hiện để dự báo cao điểm gây hại của sâu lứa 2, đồng thời huyện Tiền Hải tổ chức phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ cho những diện tích có mật độ sâu đến ngưỡng phải phun trừ.

            Nguyên Bình

 

 

  • Từ khóa