Thứ 4, 25/12/2024, 09:10[GMT+7]

Tập trung phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa

Thứ 5, 08/09/2022 | 08:50:30
8,339 lượt xem
Thời gian qua, các đối tượng sâu bệnh như sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hai chấm, rầy các loại, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, bệnh khô vằn... đã xuất hiện, gây hại trên một số diện tích lúa mùa. Vì thế, bà con nông dân đang tập trung kiểm tra, phát hiện và phòng, trừ nhằm bảo đảm năng suất cuối vụ.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân khi phun thuốc phải đi xuôi theo chiều gió, đi chậm phun kỹ các tầng lá lúa.

Những ngày qua, tranh thủ buổi chiều thời tiết mát mẻ, chị Trần Thị Vân, thị trấn Kiến Xương (Kiến Xương) lại thăm đồng để kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của lúa, đặc biệt kiểm tra các đối tượng sâu bệnh có thể xảy ra để phun trừ kịp thời. Chị Vân chia sẻ: Vụ mùa này, gia đình tôi cấy 1 mẫu lúa, cơ bản đang nuôi đòng già, chuẩn bị trỗ bông trong mấy ngày tới. Qua theo dõi, một số diện tích đã chớm nhiễm bệnh khô vằn nên tôi đã mua thuốc về phun ngay. Bệnh khô vằn thường gây hại nặng giai đoạn trỗ và chín sáp, ngoài việc làm giảm năng suất lúa còn khiến cây lúa yếu, khả năng chống đỡ kém, nếu gặp trời mưa, gió lớn thì rất dễ đổ. Ngoài ra, tôi cũng phun thuốc phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.

Hiện tại, hơn 11.000ha lúa mùa của huyện Đông Hưng đang trong giai đoạn ôm đòng đến trỗ bông, dự kiến lúa trỗ tập trung từ ngày 5 - 15/9. Trên các trà lúa cũng bắt đầu xuất hiện rải rác các đối tượng gây bệnh hại như: sâu đục thân, sâu cuốn lá, rầy, bệnh bạc lá... Để bảo vệ an toàn cho lúa mùa, từ ngày 3 - 7/9, UBND huyện chỉ đạo các xã, các HTX DVNN phát động chiến dịch phun thuốc phòng, trừ sâu đục thân hai chấm và sâu cuốn lá nhỏ cho diện tích lúa trỗ bông trước ngày 10/9; phòng, trừ rầy (diện tích có tỷ lệ 800 con/m2 trở lên), bệnh bạc lá (tỷ lệ nhiễm bệnh trên 5% diện tích trở lên) đối với diện tích lúa trỗ bông sau ngày 10/9. Tính đến hết ngày 4/9, toàn huyện đã phun được 6.500/8.200ha phải phun trừ. 

Bà Vũ Thị Nhuệ, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đông Hưng cho biết: Những ngày qua, Trạm đã phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, nắm bắt mức độ gây hại, xác định rõ mật độ của sâu bệnh để hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, trừ kịp thời. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo nông dân không chủ quan, tích cực theo dõi sự phát triển của cây lúa trong giai đoạn quan trọng này. Hai ngày đầu chiến dịch trùng với kỳ nghỉ lễ, thời tiết tạnh ráo nên thuận lợi cho bà con nông dân phun thuốc bảo đảm đúng khuyến cáo của ngành chuyên môn.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra diễn biến sâu bệnh hại.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thời điểm này, trà lúa mùa sớm đang ở giai đoạn trỗ bông, trà lúa mùa đại trà đang ở giai đoạn làm đòng đến trỗ bông. Dự kiến, lúa trỗ bông tập trung từ ngày 5 - 20/9, muộn hơn so với cùng kỳ nhiều năm từ 5 - 7 ngày. Qua điều tra trên đồng ruộng, sâu cuốn lá nhỏ có mật độ và mức độ gây hại bất thường so với cùng kỳ nhiều năm, không tạo thành các lứa cụ thể, không hình thành các cao điểm rõ rệt, mật độ phân bố không đồng đều giữa các huyện trong tỉnh. Cao điểm 2, sâu non nở rộ từ ngày 4 - 8/9, mật độ trung bình từ 40 - 60 con/m2, nơi cao 100 - 150 con/m2, cục bộ 200 - 300 con/m2, gây hại chủ yếu trên diện tích lúa mùa đại trà trỗ bông trước ngày 15/9, các huyện phía Bắc tỉnh có mật độ sâu cao hơn các huyện phía Nam tỉnh. Từ ngày 4 - 8/9, có 5 huyện: Hưng Hà, Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Kiến Xương phát động chiến dịch phòng, trừ sâu bệnh, tổng diện tích cần phun 35.700ha.

Đây là giai đoạn có ý nghĩa quyết định đến năng suất cuối vụ; để hạn chế thiệt hại do các đối tượng dịch bệnh gây ra, bảo vệ an toàn sản xuất, theo ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các địa phương cần tập trung điều tiết, duy trì nước nông trên ruộng tạo điều kiện thuận lợi cho lúa làm đòng, trỗ bông; không sử dụng đạm đơn và phân qua lá để bón hoặc phun với mục đích nuôi đòng, nuôi hạt làm gia tăng mức độ gây hại của sâu bệnh, đặc biệt là bệnh bạc lá và đạo ôn cổ bông cuối vụ. Ngoài đối tượng sâu cuốn lá nhỏ, đối với diện tích lúa trỗ sau ngày 15/9 ở các huyện phía Bắc tỉnh và sau ngày 20/9 ở các huyện phía Nam tỉnh cần theo dõi, phòng, trừ sâu đục thân hai chấm khi lúa thấp tho trỗ và mật độ đến ngưỡng phòng, trừ.

Những ngày tới, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp là điều kiện để sâu bệnh phát sinh, phát triển gây hại. Ngành chuyên môn đưa ra khuyến cáo, các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh bạc lá...; tăng cường điều tra, phát hiện, xác định diện tích cần phòng, trừ, chú trọng ở các vùng thấp trũng, bệnh thường phát sinh, gây hại nhiều để phun trừ kịp thời, hiệu quả.


Ngân Huyền