Chủ nhật, 28/07/2024, 23:37[GMT+7]

Vũ Vân Khẩn cấp phòng chống dịch tai xanh trên đàn lợn

Thứ 2, 15/04/2013 | 08:45:08
1,152 lượt xem
Dịch bệnh tai xanh được phát hiện tại 4 hộ thuộc 3 thôn của xã Vũ Vân (Vũ Thư) từ ngày 6/4/2013 với tổng số lợn ốm là 28 con trong tổng đàn 45 con. Số chết phải xử lý tiêu hủy là 12 con lợn sữa, số còn đang quản lý, điều trị là 16 con. Trong ngày 10/4, dịch tiếp tục phát sinh mới tại 1 hộ thôn Quang Trung với 2 con lợn thịt bị nhiễm bệnh. Ngay sau khi dịch bệnh xuất hiện tại địa phương, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã được kiện toàn.

Cán bộ Trạm Thú y huyện Vũ Thư tiêm vắc xin phòng bệnh tai xanh cho đàn lợn của các hộ chăn nuôi xã Vũ Vân.

Dịch bệnh tai xanh được phát hiện tại 4 hộ thuộc 3 thôn của xã Vũ Vân (Vũ Thư) từ ngày 6/4/2013 với tổng số lợn ốm là 28 con (4 lợn nái, 12 lợn thịt, 12 lợn sữa) trong tổng đàn 45 con (11 lợn nái, 12 lợn thịt, 22 lợn sữa). Số chết phải xử lý tiêu hủy là 12 con lợn sữa, số còn đang quản lý, điều trị là 16 con (4 lợn nái, 12 lợn thịt). Trong ngày 10/4, dịch tiếp tục phát sinh mới tại 1 hộ thôn Quang Trung với 2 con lợn thịt bị nhiễm bệnh.

Qua trao đổi, Chủ tịch UBND xã - Bùi Quang Minh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch tai xanh cho biết: Là địa phương có bến đò qua lại tiếp giáp với tỉnh Nam Định, xã Vũ Hòa (Kiến Xương) là những nơi đã xuất hiện dịch tai xanh, các hộ kinh doanh thường xuyên vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm qua địa bàn xã. Sau khi lợn của các hộ ở thôn Thái Sa, Cộng Đồng có triệu chứng sốt cao, bỏ ăn, da đỏ, các ngành chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với bệnh tai xanh.

Ngay sau khi dịch bệnh xuất hiện tại địa phương, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã được kiện toàn. Xã thành lập 2 chốt kiểm dịch kiểm soát việc vận chuyển gia súc ra vào vùng dịch. Mỗi chốt cử 2 công an viên túc trực 24/24h, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Ban chỉ đạo tiến hành thống kê, rà soát tổng đàn lợn 6 thôn, xử lý tiêu hủy kịp thời 12 con lợn chết, tập trung điều trị số lợn bị ốm. Tổ chức  ký cam kết với các chủ đò, các hộ buôn bán không vận chuyển gia súc qua địa bàn xã. Tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, phối hợp cùng Trạm Thú y huyện phun hóa chất khử trùng. Tăng thời lượng tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh xã nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về dịch tai xanh và các bệnh dịch khác để có các biện pháp phòng ngừa. Thông báo các quy định bắt buộc tiêu hủy lợn chết và lợn đã điều trị dài ngày không có khả năng hồi phục. Đến thời điểm này chưa có trường hợp nào vi phạm quy định về vận chuyển, giết mổ, thu mua, buôn bán lợn, thịt lợn bệnh phải xử lý.

Tính đến thời điểm 11/4, địa phương đã phun 120 kg hóa chất khử trùng, rắc 3 tấn vôi bột, tiêm 3 nghìn liều văcxin tai xanh. Chị Trần Thị Huê, cán bộ Trạm Thú y huyện Vũ Thư cho biết, từ khi phát hiện có dịch tai xanh ở xã Vũ Vân, Trạm đã cử cán bộ phối hợp với ngành chức năng tại địa phương chia thành 6 tổ, mỗi tổ 2-3 người, đến từng hộ gia đình hướng dẫn cách phòng tránh bệnh cho đàn gia súc; rắc vôi bột, phun hóa chất khử trùng; thống kê số lượng lợn cần phải tiêm phòng. Đàn lợn ốm của xã tiếp tục được giám sát, quản lý. Thực hiện giám sát chặt chẽ sau khi tiêm phòng để phát hiện kịp thời, điều trị lợn phát bệnh do ủ bệnh trước khi tiêm. Hiện nay, bệnh  chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tốc độ lây lan nhanh, trong vòng 3-5 ngày cả đàn có thể bị nhiễm bệnh. Vì vậy, cần phát hiện sớm, bao vây dập tắt các ổ dịch; không để dịch phát tán, lây lan sang các địa phương chưa có dịch. Được tỉnh hỗ trợ 100% vắc xin tai xanh và huyện hỗ trợ toàn bộ công tiêm phòng, trong 3 ngày (9 đến 11/4), xã Vũ Vân đã tiêm phòng vắc xin cho toàn bộ đàn lợn trong diện phải tiêm.

Trong điều kiện thời tiết mưa rét, độ ẩm cao kéo dài rất thuận lợi cho  dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn có nguy cơ bùng phát. Mong rằng các ngành chức năng của tỉnh, huyện cần tiếp tục hỗ trợ về chuyên môn, chỉ đạo các xã lân cận phối hợp tích cực trong việc phòng chống dịch không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng

  • Từ khóa