Thứ 4, 25/12/2024, 09:32[GMT+7]

Duy trì và phát triển nghề xe đay truyền thống

Thứ 6, 07/10/2022 | 08:03:24
10,467 lượt xem
Trải bao biến cố, thăng trầm của thời gian nhưng nhờ niềm đam mê và tình yêu với nghề sơ chế đay, cói cha ông để lại, người dân xã Duyên Hải (Hưng Hà) quyết tâm giữ nghề, vừa tạo việc làm cho bản thân vừa phát triển kinh tế, xây dựng quê hương.

Dạo một vòng quanh xã Duyên Hải, không khó để bắt gặp hình ảnh các bà, các chị cặm cụi bên khung dệt thủ công để kết, nối sợi đay, cói thành cuộn xuất bán. Nhiều người có thâm niên vài chục năm trong nghề nên sản phẩm làm ra luôn bảo đảm chất lượng, được bạn hàng đánh giá cao. 

Bà Đỗ Thị Hiên, thôn Khả Tiến cho biết: Gia đình tôi làm nghề xe đay từ năm 1993, các công đoạn để sản xuất một cuộn đay xuất bán khá đơn giản, nhẹ nhàng, vì vậy người già, người trẻ đều có thể làm được. Tôi năm nay 63 tuổi, không thể xin vào làm tại các công ty, xí nghiệp nhưng nhờ có nghề nên tôi vẫn có thể kiếm được hơn 100.000 đồng/ngày.

Ngày nào cũng vậy, các gia đình ở đây chỉ tiếp xúc với đay, cói nhưng với họ mỗi ngày là một niềm vui khi tự tay mình hoàn thành các sản phẩm; đặc biệt hơn họ là những người phục dựng, giữ gìn linh hồn của làng nghề chỉ với ý nghĩ giản dị “nhờ nó mới có công việc ổn định, góp phần nâng cao cuộc sống”. 

Bà Lê Thị Sính, thôn Khả Tân bộc bạch: Gia đình tôi hiện có 4 người cùng làm nghề. Một ngày một người sản xuất được 5kg đay chưa qua xử lý, kinh tế nhờ vậy cũng khấm khá hơn. Chúng tôi cũng cố gắng duy trì và phát triển nghề truyền thống, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Toàn xã Duyên Hải hiện có gần 500 lao động với thu nhập ổn định từ 2,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Theo thời gian, các mặt hàng sản xuất ngày càng phong phú đã đáp ứng nhu cầu của thị trường với nhiều loại nguyên liệu khác nhau. 

Ông Bùi Huy Toan, thôn Bùi Minh là người đã thu mua nguyên liệu ở các nơi để mang về cho bà con trong xã làm và là đầu mối xuất bán sản phẩm cho bà con. Hiện nay, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu tại thị trường Đài Loan, Trung Quốc... mang lại hiệu quả kinh tế cao, quảng bá sản phẩm truyền thống của quê hương, từng bước xây dựng thương hiệu riêng. Mỗi tháng cơ sở của ông sản xuất, cung cấp trên 7 tấn cuộn đay ra thị trường với thu nhập hàng tỷ đồng. Trong bối cảnh hiện nay, giữ được nghề truyền thống đã khó, việc mở rộng và phát triển còn khó khăn hơn. Do đó, để có thể duy trì và phát triển nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường, ông Toan đã đa dạng hóa các sản phẩm từ đay kết hợp với cói và các nguyên liệu khác như bèo bồng, bẹ ngô...

Công đoạn xé đay.

Để tạo ra một cuộn đay người dân phải trải qua các công đoạn: phơi nắng, xé sợi thành những sợi mảnh như tơ, sau đó dùng con quay để quấn sợi thành từng cuộn. Hiện cơ sở của ông Toan có 12 lao động phụ trách các đầu mối để cấp phát nguyên liệu, kiểm tra chất lượng cho bà con trước khi xuất bán. Ông chia sẻ: Gắn bó với nghề xe đay đã gần 30 năm, vì thế chúng tôi quyết tâm phải giữ nghề. Dù có thời điểm tưởng chừng như không cầm cự được vì khan hiếm nguyên liệu đầu vào nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm thị trường để ổn định sản xuất, đến nay nghề xe đay ở Duyên Hải đang được hồi sinh. Hiện sản phẩm của chúng tôi được nhiều công ty nước ngoài lựa chọn bởi đây là chất liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường. Tôi chỉ có trăn trở là làm thế nào để tiếp tục duy trì nghề và mở rộng ra các địa phương lân cận.

Ông Nguyễn Kim Nhận, Bí thư Đảng ủy xã Duyên Hải cho biết: Chúng tôi tiếp tục khai thác tiềm năng, nguồn nhân lực của địa phương để sản phẩm sản xuất ra đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, tăng cường liên kết để thực hiện vai trò cung ứng vật tư, tiếp thị và tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; huy động mọi nguồn lực về vốn, đất đai, khoa học kỹ thuật để phát triển làng nghề.

Nghề xe đay mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình ở xã Duyên Hải.

Có thể nói, bên cạnh tạo việc làm, nâng cao mức sống cho người dân, nghề xe đay truyền thống đã đóng góp quan trọng vào công tác giảm nghèo, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Dù phát triển ổn định và đang là nghề chính của nhiều người dân trong xã, tuy nhiên, để mở rộng thị trường và tạo việc làm cho nhiều lao động trong huyện, các cấp, các ngành cần quy hoạch vùng trồng nguyên liệu tại chỗ để giúp người dân yên tâm duy trì nghề và nhân rộng mô hình.


Thanh Thủy