Chủ nhật, 28/07/2024, 23:38[GMT+7]

Công tác tuyên truyền hỗ trợ pháp luật thuế Góp phần tích cực vào kết quả thu ngân sách Nhà nước

Thứ 5, 18/04/2013 | 08:08:19
1,043 lượt xem
Từ một địa bàn thuần nông có rất nhiều khó khăn về nguồn thu, những năm gần đây, số thu cho ngân sách Nhà nước (NSNN) của tỉnh ta đã liên tục ghi nhận những thành tích mới.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Thuế huyện Quỳnh Phụ. Ảnh: Ngọc Linh

Năm 2008 đứng vào “Câu lạc bộ 1000 tỷ đông”; năm 2009 vào “Câu lạc bộ 2000 tỷ đồng”; năm 2011 đạt tổng thu 2124,3 tỷ đồng, bằng 125,5% dự toán năm; năm 2012 là năm cực kỳ khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa được chặn đứng, do hậu quả của cơn siêu bão số 8 gây nên, nhưng số động viên từ thuế và phí của toàn tỉnh vẫn đạt 2325,7 tỷ đồng, bằng 125,4% dự toán của Bộ Tài chính giao thu.

 

Theo phân tích của ngành thuế Thái Bình có hai nguyên nhân cơ bản để ngành có được bước đột phá về công tác huy động nguồn lực. Nguyên nhân đầu tiên là nền tảng kinh tế của tỉnh mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn là một trong số địa phương của cả nước phát triển ổn định. Kể từ  năm 2001, khi quốc lộ số 10 hoàn thành, cầu Tân Đệ và nhiều cây cầu hiện đại bắc qua sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa được xây dựng đã giúp tỉnh ta thoát khỏi cảnh “ốc đảo” hàng hóa lưu thông với cả nước. Cũng từ năm 2001 đến nay, qua hai kỳ vận động dồn điền đổi thửa (2004 và 2010) để đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao thu nhập cho nông dân, tạo đà cho cuộc vận động nông dân nhượng ruộng đất để xây dựng các khu, cụm, điểm công nghiệp. Đến nay toàn tỉnh đã quy hoạch, xây dựng được 6 khu CN, hàng chục cụm, điểm CN, thu hút hàng trăm dự án vào đầu tư, giải quyết việc làm cho 170 ngàn lao động. Lĩnh vực TM – DV cũng mở mang từ tỉnh đến huyện và về tận ngõ ngách các vùng nông thôn, hẻo lánh... đã góp phần không nhỏ đưa kinh tế tỉnh nhà liên tục tăng trưởng. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để các địa phương tỉnh ta nuôi dưỡng, quản lý và khai thác nguồn thu NSNN.

 

Nguyên nhân thứ hai không kém phần quan trọng là ngành thuế Thái Bình đã đẩy mạnh “cải cách hành chính; cải cách hệ thống thuế” giai đoạn 2001 – 2010 và 2011 – 2020. Trong đó có mắt xích quan trọng là công tác tuyên truyền hỗ trợ pháp luật thuế. Ngay từ năm đầu tiên (2001) bước vào tiến trình “cải cách hiện đại hóa ngành thuế”; ngành thuế Thái  Bình là một trong số đơn vị thuộc hệ thống thuế cả nước đã đi đầu thành lập hệ thống tuyên truyền – hỗ trợ pháp luật thuế đối với người nộp thuế. Từ đó đến nay từ công tác tổ chức đến việc nâng cao nghiệp vụ cho hệ thống tuyên truyền hỗ trợ ngày càng hoàn thiện, mang tính chất chuyên nghiệp cao. Năm 2012 là năm khó khăn của nền kinh tế và của ngành thuế, nhằm góp phần động viên các nguồn thu vào ngân sách Nhà nước, hệ thống tuyên truyền – hỗ trợ pháp luật thuế của Cục thuế Thái Bình đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan thông tin, tuyên truyền để chuyển tải nội dung cơ bản về “chiến lược cải cách hệ thống thuế, giai đoạn 2011 – 2020”, tuyên truyền kịp thời các chính sách mới sửa đổi, bổ sung về thuế, các chính sách thuế của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, huyện, Thành ủy đã tổ chức thành công 11 hội nghị báo cáo viên (từ tỉnh xuống cơ sở) cho 1.000 báo cáo viên, tuyên truyền viên. Từ kết quả phối hợp này đã lan tỏa đến các cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Đồng thời phối hợp với công tác tuyên truyền miệng, hệ thống tuyên truyền – hỗ trợ pháp luật thuế của Cục thuế tỉnh, còn kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn  với bộ phận tuyên truyền phổ biến pháp luật của Sở Tư pháp, đưa nội dung “chiến lược cải cách hành chính và cải cách hệ thống thuế”, “các chính sách mới về thuế” vào chương trình, kế hoạch tuyên truyền phổ biến pháp luật của toàn ngành tư pháp.

 

Với các cơ quan thông tin đại chúng, ngành thuế Thái Bình xác định đó là một mũi nhọn trong công tác tuyên truyền về pháp luật thuế. Năm qua trên hệ thống phát thanh – truyền hình từ tỉnh xuống huyện và thành phố đã phát 384 lượt chính sách về thuế, phí, lệ phí (tăng 153 lượt so với năm 2011). Các đài phát thanh Tiền Hải, Đông Hưng, Hưng Hà; các đài cơ sở như thị trấn Vũ Thư, Quỳnh Phụ, Kiến Xương, Thành phố có số lượt và thời lượng tuyên truyền thuế môn bài, thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được nhiều nhất. Báo Thái Bình cũng góp phần tuyên truyền được nhiều tin, bài, ảnh về thuế. Trong đó, đã giúp ngành thông báo công khai danh sách 101 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, không làm thủ tục đóng mã số thuế và chây ì tiền thuế. Kể từ năm đầu (2001) bước vào lộ trình “cải cách hành chính” ngành thuế đã coi trọng công tác “đối thoại trực tiếp” với người nộp thuế. Từ đó đến nay,  ngành vẫn duy trì đều đặn, không ngừng nâng cao chất lượng.

 

Năm 2012, toàn ngành đã tổ chức thành công 40 cuộc (8 cuộc cấp Cục, 32 cuộc cấp Chi cục). Trong đó, đối thoại hàng quý và trong “tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế tháng 12-2012” đã thu hút 3.200 lượt người tham gia, có 235 ý kiến trao đổi trực tiếp về chế độ thu nộp các sắc thuế quan trọng, mật thiết, trực tiếp đến người nộp thuế như: thu nhập cá nhân, môn bài, GTGT, các hướng dẫn mới về các thủ tục miễn, giảm, gia hạn nộp thuế do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế và thiên tai vừa xảy ra (10-2012).

 

Thông qua các kỳ đối thoại và các hội nghị chuyên đề, ngành thuế đã phát hành 7.000 tờ rơi, 500 cuốn sách hướng dẫn về chính sách và thủ tục về thuế; cung cấp phần mềm hỗ trợ kê khai thuế. Theo định kỳ, sau tổng kết công tác hàng năm, ngành thuế đều tổ chức hội nghị tuyên dương, khen thưởng đối với cá nhân, tập thể gương mẫu chấp hành luật thuế. Năm 2012, do được tuyên truyền, nâng cao nhận thức, số lượng tập thể, cá nhân gương mẫu vẫn tăng. Toàn tỉnh có 62 doanh nghiệp, doanh nhân được nhận giấy khen của Cục thuế; 5 tập thể được nhận bằng khen của UBND tỉnh 5 tập thể, 1 cá nhân được nhận bằng khen của Bộ Tài chính; 10 tổ chức, 1 hộ kinh doanh và 2 cá nhân được nhận giấy khen của Tổng cục thuế... Những điển hình được khen thưởng là cầu nối để người nộp thuế với cán bộ công chức ngành thuế trở thành người bạn đồng hành vì mục tiêu  NSNN. Trang Web của ngành thuế cũng góp phần cho công tác tuyên  truyền đa dạng, sinh động, năm 2012 đã nhận và phát 175 tin, bài, ảnh với nhiều nội dung hỏi, đáp về chính sách thuế, các thông báo, các văn bản hướng dẫn chuyên ngành, trả lời 79 lượt văn bản cho người nộp thuế có vướng mắc.

 

Song song với công tác tuyên truyền, ngành thuế Thái Bình rất quan tâm đến công tác hỗ trợ pháp luật thuộc lĩnh vực ngành. Năm 2012, qua bộ phận “một cửa”, ngành đã tiếp nhận 132 bộ hồ sơ đăngký, 65.780 hồ sơ khai thuế, quyết toán thuế, báo cáo tài chính; 807 hồ sơ xin hoàn thuế, 466 hồ sơ xin miễn giảm, gia hạn nộp thuế; 106 hồ sơ khác và 5.145 báo cáo sử dụng hóa đơn; tiếp và trả lời tại văn phòng ngành thuế 2.850 người, trả lời qua điện thoại 2.560 cuộc, trả lời bằng văn bản 95 lượt, hướng dẫn qua Email cho 70 doanh nghiệp... Với một khối lượng lớn công việc, song do quan tâm chọn lọc, bồi dưỡng, sắp xếp nhân sự đủ năng lực, đủ tầm, cộng với việc đầu tư chiều sâu về cơ sở vật chất hiện đại nên ngành thuế đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của người nộp thuế và của công dân có nhu cầu tìm hiểu pháp luật thuế, không để xảy ra “ùn tắc” công việc ảnh hưởng tới tiến độ thu NSNN.

 

Năm 2013, ngành thuế Thái Bình cùng ngành thuế cả nước bước vào thực hiện chủ trương mới: “Minh bạch - chuyên nghiệp - liêm chính - đổi mới” và phấn đấu để được công nhận chất lượng quản lý theo ISO 9001-2008; phấn đấu tăng thu NSNN qua thuế và phí từ 5-10% so với năm 2012. Để góp phần cùng với ngành giành được những mục tiêu trên, hệ thống tuyên truyền - hỗ trợ của Cục Thuế tỉnh tiếp tục đề cao công tác phối hợp với các cơ quan thông tin tuyên truyền, phối hợp tốt hơn nữa với cơ quan phổ biến, hướng dẫn thực thi pháp luật, để kịp thời đưa các bộ luật, chính sách về thuế tới toàn Đảng, toàn dân; biểu dương kịp thời người tốt, việc tốt về chấp hành luật thuế, lắng nghe - thấu hiểu tâm tư và cùng nhau tháo gỡ khó khăn của người nộp thuế...

 

Với cán bộ, công chức đảm nhiệm nhiệm vụ tuyên truyền - hỗ trợ,  ngành quan tâm, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ về công tác thuế và các kỹ năng tuyên truyền hỗ trợ, nâng cao một bước về chất lượng “điểm giao dịch một cửa” đáp ứng yêu cầu “cải cách hệ thống thuế” và yêu cầu của nhân dân.

 

Từ đầu năm 2013 đến nay, hệ thống tuyên truyền, hỗ trợ pháp luật thuế được lãnh đạo ngành quan tâm chỉ đạo và vận hành trơn tru. Nhờ vậy, đã góp phần cùng 600 cán bộ, công chức ngành thuế lần lượt vượt qua khó khăn, giành kết quả mới: tổng thu NSNN quý I đạt hơn 727,65 tỷ đồng, bằng 33% dự toán của Bộ Tài chính giao và bằng 32,7% dự toán của HĐND giao thu cả năm, bằng 227,2% so với quý I-2012, báo hiệu khả năng hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán năm 2013 mà Bộ Tài chính giao cho tỉnh ta thực hiện.

Hoàng Duy

(Thành phố Thái Bình)

 

 

  • Từ khóa