Thứ 3, 24/12/2024, 20:32[GMT+7]

Để chỉ số DDCI thành động lực của sự phát triển

Thứ 3, 18/10/2022 | 08:02:41
10,648 lượt xem
Bảng xếp hạng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thành phố (DDCI) được công bố, những sở, ngành, địa phương xếp tốp đầu thì phấn khởi, nhóm đứng cuối thì không vui. Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, chúng ta không nên vui - buồn vì thứ hạng cao - thấp. Thứ hạng đó sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu các sở, ngành, địa phương không tự chủ động cải cách mạnh mẽ hơn nữa và quyết tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh phục vụ sự phát triển của tỉnh.

Sản xuất tại Công ty TNHH Kỹ thuật hoạt hình First Union Việt Nam (cụm công nghiệp Thụy Sơn, huyện Thái Thụy).

Ý nghĩa của những con số

Bộ chỉ số DDCI có 10 chỉ số thành phần để đánh giá năng lực điều hành kinh tế của các sở, ngành, huyện, thành phố. Nhìn từ kết quả chấm điểm DDCI chúng ta thấy phía sau mỗi điểm số là thực tiễn phản ánh năng lực, đạo đức, thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện công vụ. Phần lớn các doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao một số sở, ngành, địa phương đã thực hiện tốt tiêu chí tính minh bạch và tiếp cận thông tin. Những đơn vị như Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai cập nhật thông tin, công khai thủ tục hành chính, phí và lệ phí đầy đủ, kịp thời trên trang thông tin điện tử đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và hữu ích đối với doanh nghiệp nên được doanh nghiệp chấm điểm tương ứng là 7,02, 6,86, 6,77 và dẫn đầu khối các sở, ngành.

Với chỉ số thành phần tính năng động và tiên phong, hầu hết các doanh nghiệp đều đánh giá các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt nên chấm điểm cao. Khối sở, ngành có điểm thấp nhất là 6,69 điểm, cao nhất là 7,16 điểm, còn ở khối huyện, thành phố điểm thấp nhất là 6,59 điểm và cao nhất là 7,31 điểm. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, các sở, ngành, địa phương cơ bản chủ động, thường xuyên nắm bắt khó khăn, kịp thời tham mưu và kiến nghị với UBND tỉnh nhiều đề xuất, giải pháp tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển ổn định.

Sau công bố bảng xếp hạng DDCI năm 2022, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh không giấu nổi sự lo lắng về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh khi thấy cộng đồng doanh nghiệp đánh giá, chấm điểm thấp đối với các chỉ số thành phần như chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, chi phí không chính thức. Không lo sao được vì đây là các chỉ số phản ánh thái độ phục vụ, đạo đức công vụ và tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của tỉnh. Nếu như chỉ số thành phần chi phí không chính thức có 11 sở, ngành và 3 huyện không đạt tới điểm 6 thì ở chỉ số thành phần cạnh tranh bình đẳng có tới 14 sở, ngành chưa đạt tới điểm 5. 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh (đơn vị tư vấn triển khai khảo sát Bộ chỉ số DDCI của tỉnh): Các doanh nghiệp đánh giá không cao các chỉ số thành phần này vì cho rằng trong giải quyết thủ tục hành chính, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn thuận lợi hơn so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, hiện tượng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức vẫn còn xảy ra khi doanh nghiệp giao dịch hành chính tại một số sở, ngành, địa phương ít nhiều gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhìn vào bức tranh DDCI năm 2022 của tỉnh, có lẽ cộng đồng doanh nghiệp phấn khởi nhất chính là các chỉ số thành phần như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, vai trò người đứng đầu và ứng dụng công nghệ thông tin có phổ điểm cao từ 6,80 đến 7,57 điểm. 

Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Tôi không ngạc nhiên với kết quả DDCI năm nay. Riêng chỉ số thành phần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và vai trò người đứng đầu được cộng đồng doanh nghiệp chấm điểm cao nhất bởi trong một vài năm gần đây, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các sở, ngành, địa phương đã triển khai kịp thời tới người dân, doanh nghiệp. Chỉ nói riêng trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, sát cánh cùng doanh nghiệp phòng, chống với việc hướng dẫn các biện pháp, ưu tiên phân bổ vắc-xin và hỗ trợ nhân lực tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người lao động của các doanh nghiệp. Đặc biệt, người đứng đầu từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh tới các sở, ngành, huyện, thành phố đã tích cực tổ chức đối thoại, lắng nghe và giải quyết hiệu quả những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp... Những hành động thiết thực đó đã đáp ứng nguyện vọng và làm cho doanh nghiệp hài lòng.

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh ngày càng được cải thiện, thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cần sự chuyển hóa

UBND tỉnh triển khai thực hiện Bộ chỉ số DDCI không phải để tôn vinh hay phê bình các sở, ngành, địa phương mà để nhận diện điểm mạnh, điểm yếu của cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện công vụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phục vụ sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Điểm số mà doanh nghiệp đánh giá là thước đo cho các sở, ngành, địa phương thấy rõ những hạn chế, bất cập của đơn vị mình, từ đó có giải pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, góp phần đưa Thái Bình vươn lên trở thành tỉnh phát triển trong khu vực như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra.

Trên cơ sở phân tích từng trị số trong chỉ số thành phần chấm điểm DDCI năm 2022, đơn vị tư vấn đã chỉ ra rằng, môi trường kinh doanh của tỉnh đang thể hiện xu hướng cải thiện, có tiến bộ nhưng cũng còn những rào cản không nhỏ; khoảng cách giữa chủ trương và thực thi được rút ngắn. Các sở, ngành liên quan nhiều đến doanh nghiệp và quản lý về nguồn lực công cần phải được thay đổi mạnh mẽ hơn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người kinh doanh tạo động lực tăng trưởng mới; việc bảo đảm đối xử công bằng, tính bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp cũng cần phải cải thiện hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Phương Bắc cho biết thêm: Là đơn vị nghiên cứu và triển khai bộ chỉ số DDCI ở nhiều địa phương trong cả nước, chúng tôi thấy Thái Bình rất cầu thị và cũng rất quyết tâm trong thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Dựa vào những điểm hạn chế mà DDCI năm 2022 đã chỉ ra, chúng tôi có 6 khuyến nghị cho tỉnh, nhất là đối với các sở, ngành, huyện, thành phố tham khảo, từ đó có giải pháp khắc phục những chỉ số thành phần bị mất điểm trong mắt doanh nghiệp. Trước hết, các sở, ngành, địa phương cần nâng cao tính năng động và tiên phong gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần sớm xây dựng quy trình, sơ đồ hóa về trình tự, thủ tục đầu tư trong và ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và áp dụng các mô hình hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Muốn nâng cao tính minh bạch, một trong những giải pháp thiết thực là các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố phải nhanh chóng chuyển đổi số, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Cùng với nâng cao hiệu quả đối thoại doanh nghiệp, minh bạch hóa thanh tra, kiểm tra, các sở, ngành, địa phương cần nâng cao năng lực cán bộ và cải thiện văn hóa ứng xử của cán bộ theo hướng thân thiện, phục vụ người dân, doanh nghiệp, có biện pháp xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm.

DDCI là tiếng nói tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp, là quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của tỉnh. Kết quả bảng xếp hạng DDCI đã chỉ ra những gì tồn tại, các cơ quan quản lý nhà nước nên thay đổi, chấn chỉnh để khắc phục những yếu tố gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp cũng như kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vấn đề còn lại và cộng đồng doanh nghiệp mong chờ đó là sự tiếp thu nghiêm túc, cầu thị và quyết tâm cải cách của các sở, ngành, huyện, thành phố; không để xảy ra tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Có như vậy, DDCI mới trở thành động lực cho sự thay đổi môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, hiện thực hóa Thái Bình là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, là nơi doanh nghiệp đồng hành với tỉnh cùng phát triển.

Khắc Duẩn