Thứ 3, 24/12/2024, 21:01[GMT+7]

Kiến Xương: Kinh tế bứt phá

Chủ nhật, 30/10/2022 | 16:09:17
16,910 lượt xem
9 tháng đầu năm, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 và diễn biến thời tiết phức tạp song huyện Kiến Xương vẫn thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, khắc phục thiên tai, duy trì phát triển kinh tế ổn định.

Mô hình trồng dưa lưới của ông Vũ Văn Tĩnh, thôn 1, xã Vũ Hòa (Kiến Xương) đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngay từ đầu năm, Huyện ủy, UBND huyện và các xã, thị trấn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trọng tâm là thực hiện tốt chiến dịch tiêm vắc-xin phòng dịch. Đồng thời, huyện đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế và đạt được những kết quả tích cực. 9 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt trên 9.600 tỷ đồng, tăng 9,63% so với cùng kỳ. Trong đó nổi bật là lĩnh vực công nghiệp với giá trị sản xuất đạt 3.265 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ. 

Ông Phạm Văn Quảng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Những tháng đầu năm, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, có nhà máy có thời điểm phải đóng cửa hoàn toàn do công nhân nghỉ, song bước sang quý II với phương châm tranh thủ, tận dụng mọi cơ hội để bù đắp lại cho những thiệt hại do dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã linh hoạt bám chắc tình hình thị trường, chủ động kéo các đơn hàng từ trong miền Nam về sản xuất. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp ở ngành may đều ổn định trở lại, tăng tốc sản xuất, làm thêm giờ để kịp thời đáp ứng các đơn hàng. Đến nay, tất cả các nhà máy đều có đơn hàng ổn định đến hết năm 2022 và chuẩn bị ký kết các đơn hàng mới.

Ông Nguyễn Ngọc Bách, Giám đốc nhà máy may thuộc Công ty Cổ phần May xuất khẩu Việt Thái (cụm công nghiệp Thanh Tân) cho biết: Những tháng đầu năm, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trầm trọng từ dịch Covid-19, nhất là nguồn lao động phải nghỉ làm dẫn đến nhiều đơn hàng bị chậm tiến độ. Có thời điểm, người lao động nghỉ tới 50% quân số để bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch. Để bù đắp lại, Công ty đã đầu tư thêm máy móc, cải tiến công nghệ để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Kết quả, 9 tháng đầu năm Công ty tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, tạo việc làm ổn định cho 2.000 lao động với thu nhập 8,2 triệu đồng/người/tháng; phấn đấu năm 2022 sẽ xuất khẩu khoảng 4 triệu sản phẩm sang thị trường Mỹ và châu Âu, doanh thu đạt gần 800 tỷ đồng.

Hệ thống máy cắt hiện đại của nhà máy Tân Đệ 5 (cụm công nghiệp Vũ Ninh, Kiến Xương).

Bên cạnh đó, Kiến Xương còn đặc biệt chú trọng đến việc thu hút các nhà đầu tư, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tích cực hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đến nay, 7/7 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đều có nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng. Đây là tiền đề quan trọng để Kiến Xương tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp về địa bàn trong thời gian tới.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngay từ đầu năm, Kiến Xương cũng gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm kéo dài làm cho nhiều diện tích lúa mới cấy bị chết. Tuy nhiên, các địa phương đã nhanh chóng khắc phục, tiến hành gieo cấy bổ sung kịp thời bảo đảm đủ diện tích đề ra. Đến nay, cả 2 vụ lúa trong năm giành thắng lợi cả về diện tích, năng suất và sản lượng, góp phần đưa giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt ước đạt gần 973 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Cùng với đó, huyện yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện tích tụ ruộng đất, đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xây dựng cánh đồng lớn, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, tích cực liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm cho người dân...

Đến nay, toàn huyện đã hình thành được 3 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng thành công mô hình lúa rươi; có gần 10ha ở 3 xã thực hiện nuôi thủy sản trên ao bán nổi; 253 tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất từ 2ha trở lên với tổng diện tích đạt trên 1.100ha, vùng sản xuất tập trung có liên kết bao tiêu sản phẩm đạt trên 1.300ha. 

Một trong những mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Vũ Văn Tĩnh, thôn 1, xã Vũ Hòa cho biết: Những năm trước đây, cũng ở mảnh đất hơn 4 mẫu này đã được trồng nhiều loại cây trồng nhưng đều không đem lại hiệu quả. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, từ đầu năm 2022 tôi đã học tập kinh nghiệm mô hình trồng dưa lưới về áp dụng, mạnh dạn đầu tư trên 500 triệu đồng vào 630m2 nhà giàn. Tính bình quân một năm tôi thu 3 lứa dưa lưới, mỗi lứa đạt khoảng 2,7 tấn với giá bán bình quân 35.000 đồng/kg, thu về 280 triệu đồng.

Cùng với các giải pháp trên, Kiến Xương xác định mạng lưới giao thông là huyết mạch của phát triển kinh tế nên đã triển khai nhiều dự án đầu tư, nâng cấp cải tạo và mở rộng nhiều tuyến đường giao thông quan trọng, tạo sự đồng bộ, kết nối vùng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.


  Thu Thủy