Chủ nhật, 28/07/2024, 23:33[GMT+7]

Nuôi trồng hải sản ở Thái Thụy đối mặt với nhiều khó khăn

Thứ 3, 23/04/2013 | 08:09:14
1,635 lượt xem
Tranh thủ thời tiết nắng ấm sau tiết Thanh minh, nông dân Thái Thụy tích cực xuống giống nuôi thả vụ tôm cá xuân hè 2013. Tuy nhiên trước những khó khăn về chất lượng con giống, thiên tai dịch bệnh, đầu ra cho sản phẩm… đối với nuôi trồng hải sản thời gian qua, giờ đây các chủ ao đầm cũng chỉ biết thấp thỏm, lo âu và “cầu trời” cho mọi sự bình an để có một vụ nuôi thắng lợi.

Người dân Thái Thượng chuẩn bị nguồn tôm giống cho vụ nuôi thả.

Ngày nào hai vợ chồng anh Nguyễn Thụ Hoành (thôn Tân An, xã Thụy Tân) cũng có mặt trên mô hình chuyển đổi của mình, hết chăm sóc mấy sào màu lại theo dõi ao cá vừa xuống giống. Anh cho biết: “Năm 2012, gia đình dồn đổi ruộng nhận đấu thầu 1 ha đất cấy lúa kém hiệu quả đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi. Trong đó, tôi thuê máy xúc về múc đất đào ao, kè bờ thả 1.000 cá chép kết hợp nuôi ghép 2 vạn tôm sú. Tổng chi phí xây dựng, mua giống tôm cá đến nay hết khoảng 200 triệu đồng, gia đình chỉ có một ít còn lại vay mượn của anh em, bạn bè. Nếu mọi sự êm ả, 4 tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Đổ cả gia tài vào đây nên giờ hai vợ chồng rất băn khoăn, lo lắng vì năm đầu tiên đầu tư nuôi tôm cá với số lượng lớn như vậy mà chưa biết tìm đầu ra ở đâu, bán lẻ trong dân đến bao giờ cho hết, đó là chưa tính đến rủi ro do thiên tai bão lụt, dịch bệnh trong quá trình nuôi”. Giống như anh Hoành, anh Đặng Xuân Quân (thôn Các Đông, xã Thái Thượng) cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn để đầu tư cho sản xuất. Anh chia sẻ: “Năm nay, tôi cùng 3 anh em khác thuê 6.000m2 ao thả tôm thẻ chân trắng theo phương thức công nghiệp. Riêng chi phí cải tạo ao nuôi, mua dàn máy sục khí mất gần 130 triệu đồng, nếu cộng cả tiền tôm giống, điện, thuê người trông coi tổng cộng hết 200 triệu đồng. Đầu tư lớn như vậy nhưng chúng tôi chưa được vay một đồng vốn nào vì đầm đi thuê không lấy gì để thế chấp trong khi hàng ngày vẫn cần tiền mua thức ăn công nghiệp, thuốc kháng sinh nên đề nghị các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện cho những người nuôi trồng hải sản vay vốn ưu đãi để đầu tư cho sản xuất”.

 

Những trăn trở của anh Hoành, anh Quân cũng là khó khăn chung của các hộ nuôi trồng hải sản ở Thái Thụy hiện nay. Qua trao đổi, các chủ ao đầm nuôi tôm cá lâu năm cho biết, trung bình để đầu tư cải tạo ao đầm, mua con giống nuôi 1 ha tôm sú cần khoảng 80 triệu đồng, nuôi tôm thẻ chân trắng đầu tư trên 200 triệu đồng, nuôi cá vược hoặc cá song chi phí từ 150 đến 200 triệu đồng… nên không phải ai cũng có vốn để sản xuất. Minh chứng rõ nhất là trong số 1.437 ha nuôi trồng hải sản của huyện hiện nay chỉ có 14 ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo phương thức công nghiệp và 240 ha nuôi cá, còn lại hầu hết diện tích nuôi quảng canh tôm sú. Cơn bão số 8 xảy ra vào cuối tháng 10 năm ngoái đã khiến cho hầu hết diện tích nuôi trồng  hải sản của huyện bị ngập, trong đó 1.154 ha bị ngập hoàn toàn với tổng thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Nhiều ao đầm đầy ắp cá tôm chuẩn bị thu hoạch nhưng chỉ sau một đêm bão quét qua nông dân trắng tay. Vì vậy, đến vụ nuôi này hầu hết bà con không còn vốn hoặc thiếu vốn để sản xuất nên khó có thể đầu tư nuôi thả bài bản. Một số hộ dù đã thả tôm nhưng cải tạo ao đầm chưa bài bản, cho tôm ăn ít thức ăn nên lớn chậm, thu nhập sẽ không cao.

 

Ông Phạm Văn Đồi, cán bộ địa chính-phụ trách thủy sản xã Thái Thượng cho biết: “Cơn bão số 8 làm cho toàn bộ diện tích NTTS của xã ngập trắng băng, thiệt hại hơn 8 tỷ đồng. Năm nay, dù bà con gắng gượng để cải tạo ao đầm thả tôm cá nhưng đều đã kiệt vốn; thậm chí đã nửa năm bão quét qua mà nhiều chòi trông coi bị đổ vẫn chưa thể dựng lại được”. Không chỉ thiếu vốn mà chất lượng con giống nuôi trồng, đặc biệt là con giống tôm cũng là vấn đề nan giải đối với Thái Thụy. Mỗi vụ nuôi, toàn huyện thả từ 100 đến 110 triệu con tôm giống nhưng trên địa bàn chỉ duy nhất 1 trại sản xuất tôm giống bảo đảm chất lượng cung ứng được 10 triệu con, còn 90% giống phải nhập từ tỉnh ngoài về thuần. Trong số đó, chỉ có từ 40 đến 50% tôm giống đã qua kiểm dịch. Thiếu vốn cộng với tâm lý ham rẻ nên nhiều nông dân mua tôm giống trôi nổi, chưa qua kiểm dịch trên thị trường về thả. Chất lượng tôm giống kém, hệ thống thủy lợi còn nhiều bất cập, nguồn nước nuôi bị ô nhiễm sẽ dẫn đến tình trạng tôm chậm phát triển, phát sinh dịch bệnh.

 

Thực tế nuôi thả những năm qua cho thấy, năm nào tôm nuôi trên địa bàn huyện cũng bị nhiễm dịch bệnh, thậm chí có năm tôm chết hàng loạt, không có thu khiến nhiều chủ đầm lao đao, lâm vào cảnh nợ nần. Khi tôm cá bị nhiễm bệnh, nông dân mới được Nhà nước hỗ trợ hóa chất xử lý ao đầm để dập dịch mà chưa được hỗ trợ thiệt hại con nuôi như những đối tượng gia súc, gia cầm khác. Đầu ra cho sản phẩm cũng là vấn đề trăn trở đối với người nông dân Thái Thụy. Với diện tích nuôi thả lớn như vậy nhưng trên địa bàn huyện không có một đơn vị nào đứng ra thu mua sản phẩm tôm cá ổn định cho nông dân mà đều phụ thuộc vào tư thương nên người nuôi thường bị ép giá và không tránh được quy luật “được mùa thì rớt giá” mà “mất mùa thì được giá”. Còn nhớ năm 2012, bà con chưa kịp mừng vui với vụ tôm được mùa thì giá thu mua liên tục giảm và chỉ bằng 2/3 năm 2011 trong khi chi phí tiền giống, thức ăn đều tăng nên nhiều hộ thu không đủ chi.

 

Nuôi trồng hải sản đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế biển của Thái Thụy; nếu được đầu tư tốt, lĩnh vực này sẽ giúp nhiều nông dân xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu. Thực tế một số hộ nuôi tôm thẻ chân trắng, cá vược, cá song, nuôi cua ở Thụy Xuân, Thụy Trường, Thái Đô, Thái Thượng… những năm qua có vốn lớn, đầu tư bài bản thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng mỗi năm sau khi đã trừ chi phí. Năm nay, Thái Thụy phấn đấu nuôi 1.437 ha tôm cá nước lợ, sản lượng đạt 4.150 tấn. Thời điểm này, bà con đã thả khoảng 70% diện tích, phấn đấu đến ngày 25/4 sẽ hoàn thành việc xuống giống. Hiện tại, thời tiết đang rất thuận lợi cho tôm cá sinh trưởng và phát triển. Nhưng trước những khó khăn trên, người nuôi trồng hải sản của địa phương mong muốn Trung ương, tỉnh, huyện tìm giải pháp giúp họ tháo gỡ, đặc biệt là tạo điều kiện cho vay vốn, tăng cường kiểm soát nguồn tôm giống, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm… để sản xuất ổn định và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

 

 

  • Từ khóa