Thứ 6, 22/11/2024, 00:51[GMT+7]

Thái Bình: GRDP năm 2022 ước tăng 9,2-9,5% so với năm 2021

Thứ 2, 28/11/2022 | 11:03:37
14,825 lượt xem
Ngày 28/11, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe và cho ý kiến về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu năm 2023 và một số nội dung quan trọng khác.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Video: 281122-UBND_T%E1%BB%88NH_KTXT_NAM_2022.mp4?_t=1669643576

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự họp có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị, huyện, thành phố.

Năm 2022, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức liên quan đến tình hình thế giới; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; giá cả nguyên, nhiên vật liệu tăng cao tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản ổn định và đạt được một số kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) dự kiến tăng khoảng 9,2% đến 9,5% so với năm 2021; tổng giá trị sản xuất ước đạt 189.690 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2021; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 14,2%; khu vực dịch vụ tăng 8,3%.

Cơ cấu kinh tế của tỉnh dịch chuyển theo hướng tích cực, trong đó: nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 21,4%; công nghiệp và xây dựng chiếm 42,7%; dịch vụ chiếm 29,5% và thuế sản phẩm chiếm 6,4%.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn duy trì ổn định. Sản xuất công nghiệp và xây dựng tiếp tục tăng trưởng khá, giá trị sản xuất ước đạt trên 127.700 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2021; trong đó: giá trị ngành công nghiệp ước xấp xỉ 95.000 tỷ đồng, tăng 16,6%; giá trị ngành xây dựng ước đạt trên 32.800 tỷ đồng, tăng 7,9%.

Xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, đến nay Thái Bình có 24 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hoạt động thương mại - dịch vụ từng bước phục hồi và tăng trưởng; giá cả hàng hóa dịch vụ cơ bản ổn định; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 59.600 tỷ đồng, tăng 19,6%. Hoạt động xuất nhập khẩu tăng cao so với kế hoạch; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.427 triệu USD, tăng 13,5%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2.095 triệu USD, tăng 20,1% so với năm 2021. Hoạt động ngân hàng duy trì ổn định, tín dụng tăng trưởng khá, nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp.

Thái Bình đang từng bước hoàn thiện báo cáo Quy hoạch tỉnh trình Hội đồng thẩm định quốc gia; đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng thu hút đầu tư, xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế và các khu công nghiệp; tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn công tác, xúc tiến đầu tư tại nhiều nước, qua đó thúc đẩy tư vào tỉnh. Đến ngày 18/11/2022, đã chấp thuận/điều chỉnh chủ trương đầu tư, cấp/điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 98 dự án với tổng số vốn đăng ký mới và tăng thêm 18.416,7 tỷ đồng (tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 187,82 triệu USD; ký bản ghi nhớ hợp tác (MOU) đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế với tổng số vốn trên 800 triệu USD. Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tốt; thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 1.050 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 9.627 tỷ đồng (tăng 38,7% về số lượng và tăng 34% về vốn). Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 54.257 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm 2021.

Công tác quản lý nhà nước về đầu tư công được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, tập trung chỉ đạo tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt trong thu hút đầu tư theo hướng thực chất, hiệu quả; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt mức khá và luôn thuộc tốp đầu cả nước.

Công tác thu ngân sách được quan tâm chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 ước thực hiện trên 27.900 tỷ đồng, đạt 155% dự toán, tăng 26,7% so với 2021; trong đó thu nội địa trên 12.400 tỷ đồng, đạt 147,5% dự toán, tăng 18,4%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 3.000 tỷ đồng, đạt 187,5% dự toán, tăng 58,7%. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện trên 23.000 tỷ đồng, đạt 152% dự toán, tăng 27% so với năm 2021.

Công tác giải phóng mặt bằng được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đặc biệt là các dự án trọng điểm trên địa bàn. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được duy trì với các hình thức phù hợp và đáp ứng nhu cầu nhân dân; công tác phòng chống dịch Covid-19 được tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả với tinh thần trách nhiệm, đề cao cảnh giác, không chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của trung ương và của tỉnh.

Công tác cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo quyết liệt; công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được thực hiện nền nếp; công tác quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định.


Đại biểu dự cuộc họp. 

Đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. 

Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022, kế hoạch năm 2023;

Lãnh đạo Sở Tài chính báo cáo đánh giá tình hình thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước năm 2022 và phân bổ dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; tờ trình về việc ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước của Sở Tài chính; tờ trình về việc xác định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách tỉnh Thái Bình năm 2023 và các năm tiếp theo của giai đoạn 2023-2025;

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về dự thảo Nghị quyết về Quy định cơ chế thưởng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh; tờ trình đề nghị ban hành Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo tờ trình ban hành Nghị quyết quy định một số mức hỗ trợ thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Thái Bình; tờ trình ban hành Nghị quyết quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm học 2022-2023.

Trên cơ sở các báo cáo tại cuộc họp, các đại biểu đã chia thành 3 tổ thảo luận về những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu, kế hoạch năm 2022 đã đề ra; mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu năm 2023; các phương pháp, đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư. Trong đó, các đại biểu cơ bản thống nhất với các báo cáo trình bày tại hội nghị, đồng thời cho ý kiến vào một số nội dung liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội của của tỉnh như: kết quả tăng trưởng GRDP, vấn đề về thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng nông thôn mới, công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế…

Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao năm 2022. Đồng chí khẳng định năm 2022 mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ; trong đó nhiều chỉ tiêu quan trọng tỉnh đã đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. 

Cùng với việc đánh giá cao những kết quả đã đạt được, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như: Tăng trưởng cao nhưng chưa đạt kỳ vọng; tỷ lệ đô thị hóa còn chậm; các lĩnh vực dịch vụ, thương mại phát triển chưa đạt yêu cầu; một số nhiệm vụ đề ra nhưng triển khai còn chậm; ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ quản lý cấp phòng tại một số sở, ngành, địa phương, đơn vị chưa cao, chậm chuyển biến; tâm lý e dè, ngại trách nhiệm, giữ an toàn, không dám đột phá trong tham mưu giải quyết các công việc.

Nhấn mạnh năm 2023 là năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, vượt qua các khó khăn thách thức hoàn thành nhiệm vụ 2022, cũng như tạo tiền đề cho các năm tiếp theo, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục chủ động theo dõi, dự báo sát tình hình thực tiễn, quyết liệt hành động, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; khẩn trương khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành năm 2023. Liên quan đến việc lựa chọn chủ đề năm 2023, đồng chí yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tập trung nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh sớm có phương án thống nhất, từ đó định hướng hành động, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ năm 2023.

Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp cần nghiên cứu triển khai, nhân rộng, áp dụng đại trà một số mô hình nông nghiệp hay, hiệu quả; xây dựng thương hiệu lúa gạo Thái Bình; tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa đồng ruộng; đẩy mạnh tích tụ đất đai, xây dựng nông thôn mới nâng cao; điều chỉnh cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Về lĩnh vực công nghiệp, cần đẩy mạnh phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư, nhất là các dự án FDI, các doanh nghiệp tập đoàn lớn, công nghệ cao, mang lại giá trị lớn.

Cần đẩy mạnh phát triển các dự án thương mại, dịch vụ ở các địa phương, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp; tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển đô thị, phát triển nhà ở thương mại mới cũng như đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án đã được phê duyệt; nâng cao chất lượng quản lý xây dựng; khẩn trương hoàn thành các bước để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình.

Tập trung cao độ cho công tác thu ngân sách năm 2023 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, tập trung nguồn lực xử lý nợ xây dựng cơ bản; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, các công trình trọng điểm của tỉnh; thực hành tiết kiệm trong chi thường xuyên;

Tiếp tục duy trì, thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, lao động, việc làm, an sinh xã hội; tích cực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường chỉnh trang đô thị, các hoạt động văn hóa, văn nghệ tạo không khí phấn khởi cho nhân dân vui xuân, đón tết.

Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp nhằm kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện tốt các nhiệm vụ về xây dựng chính quyền, quản lý tổ chức bộ máy biên chế; thực hiện tốt công tác thanh tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế; tiếp tục duy trì công tác quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp nhằm kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với các báo cáo, đề án, tờ trình trình tại cuộc họp; đồng thời chỉ rõ một số nội dung các sở, ngành chủ trì tham mưu cần bổ sung, chỉnh sửa nhằm bảo đảm đúng với các quy định của pháp luật và nguồn lực của địa phương, tạo động lực phát triển cho tỉnh.

Tin: Nguyễn Thơi - Trần Tuấn

Ảnh: Thành Tâm