Chủ nhật, 28/07/2024, 23:22[GMT+7]

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Sau cam kết là hành động

Thứ 4, 01/05/2013 | 07:49:37
849 lượt xem
Vừa qua, UBND tỉnh đã chủ trì tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Mặc dù đã trở thành hoạt động thường niên nhưng hội nghị vẫn thu hút sự chú ý của khá đông các doanh nghiệp.

Sản phẩm thức ăn gia súc của Công ty TNHH Quang Minh (Khu công nghiệp Phúc Khánh - Thành phố Thái Bình).

Cũng dễ hiểu bởi hiện nay tình hình sản xuất - kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang trong tình cảnh suy giảm, sản xuất cầm chừng, thậm chí là thua lỗ, phá sản. Vì vậy các doanh nghiệp mong nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ phía cơ quan chức năng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tránh chủ trương chung chung, hình thức.

 

Vấn đề nóng nhất, được nhiều doanh nghiệp kiến nghị và mong muốn hỗ trợ đó là lãi suất tín dụng ở mức cao, khó tiếp cận nguồn vốn và thủ tục cho vay còn phiền hà. Giải đáp vấn đề này, ông Đinh Ngọc Thạch - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thái Bình cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Thái Bình đã 6 lần thực hiện điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam từ mức 14,5%/ năm xuống còn 8%/ năm như hiện nay tạo cơ sở quan trọng giúp các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay nền kinh tế. Theo đó, mức lãi suất cho vay đã giảm từ 21%/ năm trung bình xuống còn 13 - 14%/ năm.

 

Hiện tại, khoảng 96% dư nợ cho vay bằng đồng Việt Nam đang áp dụng mức lãi suất từ 15%/ năm trở xuống. Riêng lãi suất cho vay mới phần lớn dao động ở mức 12 - 14%/ năm. Cá biệt, một số ngân hàng thương mại như Công Thương, Ngoại thương còn cho các doanh nghiệp vay xuất khẩu hàng hóa với mức 9%/ năm. Còn việc khó tiếp cận vốn vay, ông Đinh Ngọc Thạch cho biết, chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2013, tổng nguồn vốn huy động toàn ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 19.200 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2012. Trong khi đó, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế quý I năm 2013 lên tới 23.900 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều so với trung bình cả nước.

 

Ngoài ra, ông Đinh Ngọc Thạch cũng khẳng định: Thời gian tới Chi nhánh sẽ bám sát diễn biến tình hình lạm phát và sự chỉ đạo từ phía Ngân hàng Nhà nước Trung ương để tiếp tục có sự điều chỉnh mức lãi suất cho vay ở mức hợp lý bảo đảm tăng trưởng cho nền kinh tế và an toàn hệ thống. Hiện tại, các ngân hàng thương mại không hề thiếu vốn nhưng chỉ cho vay đối với các tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định bởi chính các ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên phải bảo đảm hiệu quả kinh doanh. Với những trường hợp đã có đủ điều kiện về thủ tục mà không được vay thì Ngân hàng Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm và chỉ đạo xử lý kịp thời.

 

Bên cạnh khó khăn về vốn, nhiều doanh nghiệp cho rằng tiền thuê đất theo giá mới hiện nay tăng lên rất nhiều, đồng thời mong muốn tiếp tục được miễn, giãn, giảm thuế để ổn định sản xuất. Giải đáp vấn đề này, bà Dương Thị Tài- Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, giá thuê đất chịu sự chi phối của 2 yếu tố là khung giá đất do UBND tỉnh ban hành và thuế suất do Chính phủ quy định. Hiện tại khung giá đất do UBND tỉnh ban hành để tính thuế chỉ bằng khoảng 20% giá thị trường, tức là đã ưu đãi tối đa cho doanh nghiệp nên không thể giảm hơn được nữa. Còn thuế suất, thời gian gần đây tăng lên khá cao, hiện Chính phủ đã có chủ trương điều chỉnh mức thuế suất cho phù hợp.

 

Còn về việc miễn, giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp, năm 2012 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13 để hỗ trợ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp và ngành Thuế đã phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp trong diện được hỗ trợ làm các hồ sơ, thủ tục để hưởng và đã hoàn thành ngay trong năm 2012. Sang năm 2013 này, Chính phủ tiếp tục có Nghị quyết số 02 về hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngành Thuế đã tổ chức đối thoại với doanh nghiệp ở hai cấp (chi cục và cục) để hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ làm thủ tục xin giảm và giãn nộp thuế.

 

Trước những băn khoăn của nhiều doanh nghiệp về việc điện áp thiếu ổn định và cắt điện làm ảnh hưởng đến sản xuất, ông Nguyễn Văn Tuynh - Giám đốc Công ty Điện lực Thái Bình khẳng định: Từ năm 2011 đến nay, nguồn cung cấp cho hệ thống điện toàn miền Bắc (trong đó có Thái Bình) tương đối ổn định, không hạn chế phân bổ sản lượng và không phải tiết giảm điện do thiếu nguồn. Dự báo những tháng cao điểm năm nay (từ tháng 5 - tháng 7) Thái Bình cũng không chịu ảnh hưởng lớn, nếu có cũng chỉ xảy ra vào giờ cao điểm nhưng diện hẹp và chủ yếu là sụt áp. Tuy vậy, ngành Điện vẫn mong muốn các khách hàng, nhất là doanh nghiệp luôn sử dụng điện tiết kiệm, hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm và bảo vệ an toàn hành lang lưới điện. Có như vậy mới hạn chế xảy ra sự cố làm ảnh hưởng đến việc cấp điện ổn định cho sản xuất và sinh hoạt.

 

Một vấn đề không mới nhưng vẫn nóng và được các doanh nghiệp tiếp tục đưa ra tại hội nghị lần này đó là thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư còn chậm và phiền hà. Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thẳng thắn thừa nhận và chia sẻ bức xúc với các doanh nghiệp. Sở dĩ thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư chậm là do một số lĩnh vực phức tạp cần có thời gian để thẩm định, mặt khác chất lượng một số hồ sơ chưa cao, năng lực và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ chưa tốt, sự phối hợp giữa các ngành chức năng còn hạn chế…Chính vì vậy, tới đây UBND tỉnh sẽ chuyển bộ phận một cửa tiếp nhận đầu tư từ Sở Kế hoạch - Đầu tư về UBND tỉnh để thống nhất quản lý và tạo thuận tiện trong việc chỉ đạo, điều hành…

 

Phát biểu trước các doanh nghiệp, đồng chí Phạm Văn Xuyên - Tỉnh uỷ viên, Phó

Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Tỉnh rất chia sẻ với những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt. Đặc biệt, ngoài khó khăn chung, các doanh nghiệp ở tỉnh ta còn gặp phải khó khăn riêng do ảnh hưởng của cơn bão số 8 năm 2012. Trong bối cảnh đó, rất nhiều doanh nghiệp vẫn năng động sáng tạo, chủ động vượt khó vươn lên không chỉ duy trì sản xuất ổn định mà còn góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

 

Thời gian qua, UBND tỉnh luôn quan tâm và chú trọng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Những ý kiến mang tầm vĩ mô, UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì tập hợp, phân loại để các ngành tham mưu cho tỉnh kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết. Với những kiến nghị cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu nội dung kiến nghị thuộc thẩm quyền của cấp nào, ngành nào thì cấp đó, ngành đó chủ động vào cuộc và xử lý kịp thời. Giao Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì tham mưu giúp tỉnh rà soát, bổ sung, chỉnh sửa các cơ chế, chính sách liên quan đến thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Bình sớm chủ trì tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn giúp các doanh nghiệp duy trì và đầu tư mở rộng sản xuất. Giao Sở Công Thương làm đầu mối giúp tỉnh trong việc phối hợp với các tập đoàn kinh tế đẩy nhanh tiến độ thi công một số dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án đưa khí vào bờ để cung cấp nhiên liệu ổn định lâu dài cho khu công nghiệp Tiền Hải…

Bài, ảnh: Vũ Mạnh

 

 

 

  • Từ khóa