Chủ nhật, 28/07/2024, 23:36[GMT+7]

Mặn mà hạt muối Tam Ðồng

Thứ 6, 03/05/2013 | 07:51:31
2,644 lượt xem
Nghề làm muối ở thôn Tam Đồng, xã Thụy Hải (Thái Thụy) đã có hàng trăm năm nay. Diêm dân nơi đây dựa vào biển mà sống. Biển xanh hào phóng ban cho họ hạt muối để sinh cơ. Nhưng cũng chính biển lấy đi tất cả mỗi khi trái gió trở trời. Nghề làm muối ở Thụy Hải được người dân nơi đây ví như “đánh bạc” với trời là muốn nói lên nỗi niềm đó.

Diêm dân Tam Đồng (Thụy Hải, Thái Thụy) vẫn giữ nghề truyền thống.

Ăn lộc nhờ nắng

Về Tam Đồng một ngày cuối tháng tư, cái nắng bắt đầu dền hơn. Đây cũng là lúc diêm dân vào vụ muối. Cả thôn có hơn 100 nóc nhà thì chỉ già nửa số hộ còn bám lấy nghề làm muối truyền thống. Bởi cái vất vả của nghề mà làm không đủ ăn. Mỗi nhà cũng chỉ làm 2-3 sào ruộng muối. Nỗi cơ cực, nhọc nhằn để nước biển kết tinh thành những hạt muối trắng được đánh đổi bằng những giọt mồ hôi, nước mắt của người dân nơi đây. Ở Tam Đồng, sự mặn mà của biển như thấm vào từng thớ thịt, làn da ngăm ngăm thách thức nắng gió, cả giọng nói của người diêm dân cũng trầm lặng, riêng biệt. Quanh năm suốt tháng người dân Thụy Hải dựa vào biển để sống, để lớp con cháu sinh ra đã biết chắt nước biển làm muối mặn.

Nghề làm muối mấy năm trở lại đây luôn bất ổn bởi giá muối tụt dốc thê thảm. Trong thâm tâm diêm dân, họ rất muốn có thêm một nghề nào đó để làm kiếm thêm thu nhập trang trải trong cuộc sống. Nhưng mảnh đất này muối bám vào từng lớp đất, không phù hợp với cây lúa và hoa màu. Bà Bùi Thị Lánh, quá nửa đời bám trụ với nghề tâm sự: “Nhà tôi chỉ có tôi với con gái là làm muối thôi, chồng nó đi làm xây, các con thì đi làm ở xưởng may. Bám lấy nghề muối bởi ngoài làm muối ra chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác. Làm cái nghề này cực lắm, nắng thì chầy mặt ngoài đồng, mưa gió là không làm được”. Làm cái nghề phụ thuộc vào thiên nhiên là chủ yếu, những năm mưa nắng thất thường, nhiều hộ gia đình diêm dân phải chạy ăn từng bữa. Nhiều gia đình bỏ luôn nghề, bán xứ đi lên thành phố làm đủ nghề kiếm sống. Có thời điểm muối trong nước “thua” muối nhập ngoại, diêm dân bao phen lao đao. Có thời gian, mỗi hộ gia đình tích trữ hàng tấn muối chỉ mong lúc giá cả nhích lên để bán kiếm thêm một chút lãi nhưng lãi đâu không thấy, chỉ thấy thương nhân ép giá. Đến lúc chỉ còn 600 - 700 đồng/kg cũng phải ngậm ngùi bán đi lấy tiền đong gạo.

Đầu vụ, nhưng cánh đồng muối thưa thớt, đâu đó vài bóng người già với phụ nữ lom khom cào muối. Nhiều ô ruộng bỏ không, cây cỏ mọc um tùm. Cánh đồng vắng vẻ không chứng tỏ nơi đây đã từng là nơi một thời sản xuất muối lớn nhất Thái Bình. Gặp một diêm dân luống tuổi áo đẫm mồ hôi đang hì hụi gom muối, ông cho biết, gia đình làm muối hơn 30 năm nay. Ngoài làm muối thì ông còn tranh thủ đi biển đánh cá. Mấy năm nay tuổi yếu, ông bỏ nghề ra khơi ở nhà quanh quẩn bên ruộng muối, làm quần quật cả ngày mà cũng không đủ ăn. Ngày nọ bù ngày kia, cũng chỉ đủ đong gạo, mua rau. Các con ông bỏ nghề cả lượt, dắt díu nhau lên Hà Nội làm phu hồ, lâu lâu mới về nhà đưa cho ông chút tiền đóng học cho các cháu. Ông tâm sự: “Bám lấy nghề làm muối  chẳng mong có ngày đổi đời. Chỉ đủ dành dụm những ngày mưa gió là tốt rồi. Giờ lớp trẻ chịu khó học hành nên bố mẹ chúng phải đổi cái nghề khác để kiếm tiền nuôi con, chứ cứ làm muối thì các cháu phải bỏ học sớm, thế thì thiệt thòi cho chúng nó”.

Về thôn Tam Đồng mùa này vắng bóng lớp thanh niên trai trẻ, vì sự khắc nghiệt của cuộc sống mà họ phải tha phương tìm việc, người theo tàu ra khơi đánh bắt cá, người lên thành phố mưu sinh. Chỉ có người già ở nhà vừa nuôi cháu, vừa làm muối kiếm thêm thu nhập.

Bỏ muối thì ra đường ăn xin…

Không thể làm giàu và no đủ nhờ hạt muối nhưng bà Phạm Thị Nghĩa thôn Tam Đồng, người hơn 50 năm gắn với nghề làm muối tâm sự với chúng tôi: “Chúng tôi không bao giờ bỏ được nghề làm muối, không có muối thì chúng tôi ra đường ăn xin chứ không biết làm nghề gì nữa”. Mảnh đất nhiễm mặn không thích hợp với nghề trồng lúa, trồng rau. Năm 2006, hợp tác xã Tam Đồng đầu tư cải tiến hệ thống lọc muối hiện đại. Sau một năm đi vào hoạt động, sản lượng muối của cả thôn Tam Đồng đạt hơn 3.000 tấn/năm. Tuy nhiên, chi phí đầu vào tốn kém, so với giá muối hiện nay thì có thời điểm HTX muối sạch Tam Đồng phải bù lỗ. Nhiều năm lao đao với đầu ra của muối, người dân Tam Đồng dường như đã quá mệt mỏi. Giá cả bấp bênh. Năm mưa thuận gió hòa, được mùa thì rớt giá, mất mùa thì giá muối tăng vọt. Quy luật nghiệt ngã đó đã bám lấy người diêm dân như sam.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, trưởng thôn Tam Đồng tâm sự: “Theo báo cáo của xã về nghề truyền thống thì năm 2012 cả thôn có 70 hộ làm muối, nhưng do nghề muối kham khổ quá nên người dân bỏ nghề nhiều lắm. Bây giờ cả thôn chỉ còn 50 hộ làm. Chủ yếu người già và phụ nữ thôi. Dù đổi mới công nghệ, thay toàn bộ chạt lọc nhưng cũng không thể níu kéo họ ở lại với nghề. Đặc thù là thôn không có đất nông nghiệp nên không có thêm nghề phụ”.

Muối Tam Đồng xưa nay nổi tiếng bởi hạt trắng như vôi, độ mặn tương đối hoàn hảo, muối bán được lòng khách mua. Người ta có câu: Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi. Từ trước tới nay, cứ độ sang xuân là người Tam Đồng lại gồng gánh muối đi các ngả bán với hi vọng cả năm mặn mà tình nghĩa nhưng đó là câu chuyện của quá khứ. Bây giờ cuộc sống hiện đại, người ta dùng muối iot, mấy ai dùng muối thô này. Tuy nhiên đối với thị trường muối ở nước ta luôn đảm bảo cung cầu không đắt, nhưng muối chẳng bao giờ ế.

Theo ông Hùng, giá muối bấp bênh, muối trong nước không được trợ giá nên không thể cạnh tranh với muối nhập. Nguồn muối ở địa phương còn bán nhỏ lẻ cho các thương lái cho nên người dân không nắm bắt được giá cả. Đồng thời chi phí cải tạo ruộng muối đắt đỏ. Trừ chi phí và nhân công, diêm dân không có lãi. Đó là khó khăn của diêm dân không dễ gì tháo gỡ nhanh. “Hiện nay người làm muối còn sản xuất manh mún lắm, mỗi gia đình một ngày làm vài chục cân đến một, hai tạ nên thương lái phải gom hàng từ nhiều hộ. Để nghề muối mở rộng, kéo diêm dân về với nghề làm muối thì Nhà nước cần có nhiều biện pháp hỗ trợ người dân. Nhất là đưa công nghệ hiện đại thay phương thức sản xuất truyền thống”. Ông Hùng cho biết thêm.

Cuộc sống ở Tam Đồng chưa có gì thay đổi, chia tay mảnh đất của muối, vị mặn nồng vẫn còn đâu đó trong tôi. Hy vọng nghề làm muối ở Tam Đồng, Thụy Hải sẽ sống mãi bởi đó là sự sống của một trong “những đứa con của biển”.       

Bài, ảnh: Tất Đạt

  (Văn Lang - Hưng Hà)

  • Từ khóa