Thứ 3, 23/07/2024, 20:31[GMT+7]

Tiền Hải Cần một liệu pháp “hồi sức” cho người chăn nuôi

Thứ 2, 06/05/2013 | 09:36:20
1,147 lượt xem
Tiền Hải là huyện mà chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn, song từ đầu năm 2012 đến nay, người chăn nuôi ở Tiền Hải liên tiếp chịu những “cú đấm” của giá thức ăn phi mã, giá sản phẩm sụt giảm, dịch bệnh tấn công... Cùng với đó, cuối năm 2012 cú “trời giáng” của siêu bão số 8 khiến người chăn nuôi ở Tiền Hải đứng trước nguy cơ bị “nốc ao”.

Những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đứng trước nguy cơ không còn chỗ đứng do dịch bệnh đe dọa, giá thức ăn tăng và giá thành sản phẩm thấp.

Lớn - nhỏ đều lao đao

Năm 2012, dịch bệnh liên tiếp xảy ra tại Tiền Hải: ngày 14/2 xuất hiện dịch lở mồm long móng; tháng 9/2012 phát hiện cúm gia cầm; tháng 10/2012, tiếp tục xảy ra dịch tai xanh. Ðặc biệt, ngày 28/10 siêu bão số 8 đổ bộ trực tiếp vào Tiền Hải làm chết 10.000 con gia súc, 87.000 con gia cầm; 10 tấn thức ăn gia súc, gia cầm bị hỏng; 16 trang trại quy mô lớn bị thiệt hại.

Từ giữa năm 2012, chăn nuôi của Tiền Hải đã gặp khó do giá thức ăn liên tục tăng, theo số liệu của cơ quan chức năng, 6 tháng cuối năm 2012 tăng 3 đợt (mức tăng tổng cộng 800 đồng/kg với thức ăn đậm đặc và trên 300 đồng/kg với thức ăn hỗn hợp) và từ đầu năm 2013 đến nay tiếp tục tăng 2 lần. Trong chăn nuôi lợn, chi phí thức ăn chiếm gần 70% cơ cấu giá thành, với giá thức ăn hiện tại 12.500 đồng/kg thì giá thành sản xuất bị đẩy lên mức 40.000 - 42.000 đồng/kg lợn hơi. Giá lợn hơi trên thị trường hiện chỉ là 32.000 - 34.000 đồng/kg, do vậy người chăn nuôi đang chịu lỗ từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Một nghịch lý tồn tại, trong khi người chăn nuôi đang khốn đốn thì giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn cao, điều đó cho thấy thiếu sự điều tiết, quản lý của Nhà nước trong điều chỉnh lợi nhuận ở khâu phân phối.

Bên cạnh đó, giá các loại thuốc thú y, công lao động đồng loạt tăng, thông tin về dịch bệnh tại huyện Kiến Xương và Vũ Thư  khiến nhiều trang trại bắt buộc phải giảm đàn, gia trại “treo” chuồng, chăn nuôi nhỏ lẻ gần như không còn. Ðầu tháng 5, chúng tôi đã có cuộc khảo sát tại 3 khu (Ðông, Namon> và Tây) của huyện Tiền Hải. Ông Ðỗ Tiến Chút, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Ðông Long cho biết, phần đông các hộ nuôi nhỏ và gia trại bỏ nuôi nên tổng đầu lợn toàn xã chỉ bằng 40% so với cùng kỳ năm 2012.

Mục tiêu của xã năm 2013 phát triển 2 trang trại, trước tình hình này sẽ khó khả thi. Tại thôn Quan Cao (xã Vân Trường), trưởng thôn Ðỗ Ðức Hiệp cho biết, trước kia thôn có 20 gia trại quy mô 30 - 100 con, 80% số hộ chăn nuôi lợn nái cho sinh sản 2 lứa/năm, nay chỉ còn 5 gia trại, 20% số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Còn ở xã Nam Trung, Chủ nhiệm HTX - Trương Thế Chỉ cho biết: tổng đàn gia súc, gia cầm không giảm, nhưng nếu bán tại thời điểm này, người chăn nuôi sẽ lỗ nặng, đặc biệt là lợn sữa xuất khẩu. Người chăn nuôi của Nam Trung chỉ biết “cầm cự” chờ giá lên, nhưng cơ hội đó xem ra rất mong manh. Ðến thời điểm này, chỉ các trang trại “liên doanh” tạm coi là an toàn, “ngậm ngùi” với niềm vui lấy công làm lãi, (mức 1 kg gà, 1 kg lợn hơi thành phẩm hưởng từ 3.500 - 4.200 đồng). Song xét ở góc độ để chủ động chăn nuôi lại khó ổn, người lao động Việt Namon> chưa thực sự      làm chủ, bản chất là “làm thuê” cho nước ngoài.

Cần một “đơn thuốc hồi sức” đồng bộ

“Bầm dập” sau nhiều “cú đánh” liên tiếp, cùng với sự giúp đỡ của huyện, giờ đây người chăn nuôi đang gắng gượng “gồng mình” để “trụ đài”. Nhưng hầu hết đều vấp phải 2 khó khăn, một là cơ sở hạ tầng (điện, đường, nước, xử lý môi trường…) chưa đảm bảo, hai là tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cực khó. Tìm hiểu nguyên nhân thì do yêu cầu cách xa khu dân cư nên phần lớn các khu chăn nuôi lấy đất thuộc các cánh đồng kém hiệu quả, khoản đầu tư cho các hạng mục trên quá lớn, nguồn kinh phí của xã, của huyện chưa đáp ứng được.

Người chăn nuôi thì ngay cả tiền đầu tư trực tiếp đã phải “cào cấu” vay mượn, nói gì đến làm đường, lắp điện đủ tiêu chuẩn. Mặc dù Chính phủ đã có chính sách cho vay vốn nhưng hầu hết các chủ trang trại khó tiếp cận nguồn vốn. Anh Phạm Hiên, chủ một trang trại nuôi gà ở Vũ Lăng, bộc bạch: với diện tích 3,2 ha, đã đầu tư 17 tỷ đồng, thiếu vốn nên trang trại mới chỉ dừng ở quy mô 25.000 con/lứa, đạt hơn 50% công suất. Cũng theo anh Hiên, “rào cản” chính là vấn đề thủ tục. Khi cho vay, ngân hàng xác định giá trị tài sản thế chấp, do vậy tất cả các khâu từ san lấp mặt bằng đến xây dựng… đều phải thể hiện bằng “hóa đơn đỏ” (hóa đơn thuế giá trị gia tăng).

Ða phần các trang trại không đáp ứng được, do rất nhiều khâu họ tự làm, như tự mình và huy động anh em san lấp mặt bằng, đào ao lấy đất đóng gạch để xây dựng. Thợ xây là người làng, nhiều khi còn chịu cả công xây dựng, rồi “lấy ngắn nuôi dài”, được đồng lãi nào lại đầu tư tiếp. Một chủ trang trại lợn cho biết, cơ sở của anh trị giá 6 tỷ đồng, nếu vay khoảng 4 tỷ đồng (70% giá trị tài sản thế chấp), phải chi phí khoảng 400 triệu đồng để “hợp lý hóa” - có hóa đơn đỏ, khâu hoàn thuế khó khăn nên đành... chịu.    

Cùng với trồng trọt, thủy sản,  những năm qua Tiền Hải quan tâm đẩy mạnh, phát triển chăn nuôi và đạt tăng trưởng khá. Huyện đã hình thành 3 khu chăn nuôi tập trung (Tây Tiến 30 ha, Nam Cường 30 ha, Vũ Lăng 59 ha). Toàn huyện có hơn 2.000 trang trại và gia trại đạt tiêu chí theo quy định, trong đó 17 trang trại quy mô lớn, điển hình như: trang trại của bà Trần Thị Thuấn Hoa (Ðông Lâm)  trên 1.200 con lợn nái sinh sản và lợn thương phẩm; ông Ðặng Thế Huyễn (Vũ Lăng) quy mô 1 lứa 300 lợn nái và 4.400 lợn thương phẩm; ông Phạm Văn Oai (xã Nam Cường) nuôi 4.200 - 4.500 con/lứa.

Với quy mô, số lượng như thế, Tiền Hải được coi là huyện đứng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh. Phương hướng chăn nuôi của Tiền Hải đề ra là thực hiện quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung theo Ðề án phát triển chăn nuôi của tỉnh, có quy mô lớn, công nghệ cao ở xã Vũ Lăng (mô hình điểm của tỉnh) và 18 xã đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung với diện tích 367 ha... Ðể đạt được mục tiêu trên, cùng với nỗ lực của Tiền Hải rất cần sự  vào cuộc tháo gỡ khó khăn của các cấp, các ngành. Trước mắt, cần giúp người chăn nuôi tiếp cận nguồn vốn để phục hồi sản xuất; có giải pháp bình ổn, kiểm soát chặt giá thức ăn và đầu ra sản phẩm chăn nuôi (chẳng hạn công bố công thức pha trộn thức ăn loại đơn giản để người chăn nuôi có thể tự chế biến; khi giá thực phẩm xuống thấp dưới giá thành sản xuất, Nhà nước có thể hỗ trợ để các doanh nghiệp  thu mua số lượng lớn với giá ổn định...).

 Về lâu dài, để kiểm soát giá thức ăn cần phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng các cơ sở sản xuất...  Tăng cường quản lý con giống, tập huấn quy trình chăn nuôi an toàn cho người chăn nuôi để phòng trừ dịch bệnh; hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng chuỗi thực phẩm gia súc, gia cầm an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tỉnh và huyện có kế hoạch hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt khu chăn nuôi của tỉnh tại xã Vũ Lăng; ưu đãi tiền thuê đất; khoanh, giảm thuế để giảm chi phí đầu vào...

Bài, ảnh:  Phan Anh

  • Từ khóa