Thứ 3, 05/11/2024, 07:23[GMT+7]

Phấn đấu đến năm 2030 xây dựng được 3 – 5 thương hiệu gạo Thái Bình đạt thương hiệu quốc gia

Thứ 5, 29/12/2022 | 14:51:11
9,238 lượt xem
Sáng ngày 29/12, UBND tỉnh họp nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo đề án xây dựng và phát triển thương hiệu lúa gạo tỉnh Thái Bình giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Theo dự thảo đề án, đến năm 2025, diện tích đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh gần 74.000ha, cơ cấu giống chất lượng cao chiếm 50 - 60%, sản lượng thóc khoảng 900.000 tấn/năm; 5 – 10% diện tích áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), 500ha trở lên áp dụng quy trình nông nghiệp hữu cơ. Đến năm 2030, diện tích đất trồng lúa gần 70.000ha, cơ cấu giống chất lượng cao từ 70% trở lên, sản lượng thóc trên 800.000 tấn/năm; 100% diện tích vùng sản xuất lúa tập trung được ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến, VietGAP, 20% diện tích sản xuất áp dụng quy trình nông nghiệp hữu cơ. Đến năm 2025, tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu đạt trên 40.000 tấn, đến năm 2030 đạt khoảng 60.000 tấn. Thái Bình phấn đấu đến năm 2025 xây dựng 1 - 3 thương hiệu gạo đạt thương hiệu quốc gia; đến năm 2030, xây dựng 3 - 5 thương hiệu gạo Thái Bình đạt thương hiệu quốc gia.

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ đóng góp ý kiến vào dự thảo đề án. 

Tại cuộc họp, các đại biểu đã đóng góp ý kiến vào dự thảo đề án trong đó tập trung bàn các giải pháp thực hiện đề án, chú trọng các khâu tuyển chọn các giống lúa; quy trình canh tác; bố trí các vùng trồng cho các giống lúa phục vụ xây dựng thương hiệu; cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và người dân tham gia vào thực hiện đề án…

Kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, trước những khó khăn và cơ hội đối với sản xuất lúa gạo, để gia tăng giá trị hạt gạo với một tỉnh trọng điểm sản xuất lúa gạo vùng đồng bằng sông Hồng, Thái Bình cần phải định hướng, cơ cấu sản xuất lúa gạo phù hợp với xu hướng thị trường trong nước, xuất khẩu. Do đó, cần thiết phải xây dựng, triển khai đề án phát triển thương hiệu lúa gạo Thái Bình. 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp các ý kiến của đại biểu tại cuộc họp, chỉnh sửa, hoàn thiện đề án trong thời gian sớm nhất. Trong đó nghiên cứu, thống nhất tên gọi đề án; phối hợp với các huyện quy hoạch vùng tập trung để phát triển các giống đặc sản mang thương hiệu, thế mạnh của địa phương. Cần xác định rõ vai trò của doanh nghiệp là một trong những đối tác cùng với Nhà nước làm nên thương hiệu gạo Thái Bình. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với một số doanh nghiệp tiêu biểu trong sản xuất lúa gạo để định hướng hợp tác, phát triển; nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ tổ chức, người sản xuất tham gia thực hiện đề án.

Lưu Ngần – Thanh Thủy