Chủ nhật, 28/07/2024, 23:35[GMT+7]

Ngành Công thương Siết chặt quản lý kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng

Thứ 3, 07/05/2013 | 08:46:42
1,943 lượt xem
Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Đó là sản phẩm thiết yếu đối với sản xuất, đời sống sinh hoạt và an ninh quốc phòng. Đặc biệt, tỉnh ta đang thực hiện quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH nên nhu cầu về LPG cũng ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc quy hoạch cũng như quản lý kinh doanh LPG trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn nhiều hạn chế tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn với cả người kinh doanh và khách hàng sử dụng.

Cửa hàng xăng dầu Hoàng Diệu (Thành phố Thái Bình) diễn tập phòng chống cháy nổ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thế Định - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, qua thực tiễn khảo sát của ngành thì nguồn cung ứng sản phẩm LPG cho các đại lý, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn tỉnh ta có hai nguồn: Một phần nhỏ chiết nạp tại chỗ và phần lớn là chiết nạp từ tỉnh ngoài rồi đưa vào tiêu thụ. Nguồn cung từ các điểm chiết nạp trên địa bàn tỉnh gồm Việt - Xô Gas, Hưng Long Petro, GM Petro…

 

Hiện tại, tỉnh ta có khoảng 10 nhãn hiệu LPG khác nhau đang lưu thông trên thị trường như: Việt - Xô Gas, Đất Việt, Vinashin, Hà Nội Petro, Đài Hải Petro, Thăng Long Gas, Petrolimex, Shel Gas, Total Gas… Phần lớn sản phẩm LPG nói trên được kinh doanh dưới hình thức do doanh nghiệp chiết nạp tổ chức phân phối trực tiếp hoặc thông qua các chi nhánh, tổng đại lý, đại lý của nhà máy sản xuất. Sản phẩm LPG chủ yếu cung cấp ra thị trường dưới dạng bình tiêu chuẩn 12 - 13 - 45 kg.

 

Những năm qua, cùng với sự phát triển về kinh tế, xã hội, nhất là phát triển về công nghiệp và thương mại - dịch vụ kéo theo nhu cầu về sản phẩm LPG tăng đột biến. Nếu như năm 2006, sản lượng tiêu thụ LPG toàn tỉnh mới đạt 2.621 tấn thì đến năm 2010 đã lên tới 5.400 tấn (gấp 2,06 lần năm 2006). Năm 2011, sản lượng LPG tiêu thụ tiếp tục tăng lên gần 6.500 tấn (tương đương với khoảng 165 tỷ đồng) và nửa đầu năm 2012 đạt gần 4.000 tấn. Nhu cầu tiêu dùng LPG lớn nhất là tại Thành phố Thái Bình và huyện Thái Thụy (chiếm khoảng 40% tổng sản lượng); các huyện còn lại sản lượng gần tương đương nhau và chỉ bằng nửa so với Thái Thụy và Thành phố.

 

Chính sự gia tăng nhanh chóng về sản lượng đã thúc đẩy hình thành mạng lưới các điểm kinh doanh LPG ở hầu khắp các xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh hiện có trên 500 điểm kinh doanh LPG, trong đó chỉ có 34 cửa hàng chuyên doanh (chiếm 6,77%), còn lại là cửa hàng kinh doanh tổng hợp; trung bình bán kính phục vụ dưới 1 km/1 điểm (riêng Thành phố Thái Bình có tới 72 cửa hàng, bán kính phục vụ giảm còn 0,55 km/1 điểm). Ngoài các điểm kinh doanh trực tiếp nói trên, tỉnh ta hiện có 6 kho chứa LPG với sức chứa từ 4.800 - 60.000 bình/ 1 kho.

 

Ông Trần Thế Định cho biết thêm, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 600 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng. Do đặc thù là sản phẩm rất dễ gây cháy nổ, nguy cơ mất an toàn cao nên yêu cầu và điều kiện về nhân viên kinh doanh cũng như điểm kinh doanh khá nghiêm ngặt. Ngoài chứng chỉ chuyên môn, các điểm kinh doanh LPG còn phải đáp ứng các điều kiện về phòng chống cháy nổ, vệ sinh lao động, đo lường chất lượng, vệ sinh môi trường…Trong số khoảng 600 lao động hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh LPG có 422 người được cấp chứng chỉ huấn luyện nghiệp vụ, 320 người được cấp chứng chỉ huấn luyện an toàn kỹ thuật và 250 người được cấp chứng chỉ về bảo quản, đo lường chất lượng sản phẩm.

 

Như vậy, hiện có tới gần 30% số lao động chưa được cấp chứng chỉ huấn luyện nghiệp vụ kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, 28% số lao động chưa được cấp chứng chỉ huấn luyện an toàn kỹ thuật và 48% chưa qua lớp tập huấn về bảo quản và đo lường chất lượng sản phẩm. Mặc dù đòi hỏi về công tác phòng chống cháy nổ rất cao nhưng chi phí hàng năm cho hoạt động này lại khá thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, trung bình khoảng 25 triệu đồng/ cơ sở có nhà máy chiết nạp, 10 triệu đồng/ đại lý không có nhà máy chiết nạp và khoảng 0,5 triệu đồng/ cửa hàng bán lẻ sản phẩm. Mặt khác, hầu hết các cửa hàng đều không đáp ứng được yêu cầu về thiết kế theo quy định; đa số sử dụng nhà ở làm nơi kinh doanh nên thiếu cửa thoát hiểm khi xảy ra sự cố; hệ thống điện (đường dây, công tắc, đèn…) dùng chung với điện sinh hoạt nên không đáp ứng yêu cầu về chống cháy nổ. Bên cạnh đó, phần lớn các cửa hàng không có kho chứa riêng mà chỉ có khu vực xếp hàng ngay trong điểm kinh doanh, một số điểm chứa quá số lượng cho phép, nếu xảy ra sự cố sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng…

 

Dự báo nhu cầu tiêu thụ khí dầu mỏ hóa lỏng tại tỉnh ta sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, sản lượng đến năm 2015 khoảng 12.000 tấn và đến 2020 khoảng 19.000 tấn. Đáp ứng sự gia tăng về sản lượng đòi hỏi đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh hình thành khoảng 16 trạm chiết nạp và 26 kho chứa LPG. Để tăng cường vai trò quản lý nhà nước nhưng vẫn bảo đảm cho hoạt động kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng phát triển, tới đây ngành Công Thương sẽ tổ chức thực hiện và giám sát chặt chẽ quy hoạch mạng lưới kinh doanh LPG. Tham mưu giúp UBND tỉnh tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động kinh doanh LPG, nhất là đầu tư vào khâu chiết nạp và xây dựng kho chứa. Khuyến khích hình thành các cửa hàng chuyên doanh thay thế dần cho hình thức kinh doanh tổng hợp. Tiếp tục tổ chức các khóa huấn luyện về nghiệp vụ kinh doanh và an toàn kỹ thuật cho các chủ cửa hàng. Đồng thời tăng cường hoạt động thanh tra, kiên quyết xử lý những trường hợp không đáp ứng yêu cầu và điều kiện kinh doanh theo quy định…                              

   Bài, ảnh: Vũ Mạnh

 

 

  • Từ khóa