Thứ 6, 29/03/2024, 08:23[GMT+7]

Khát vọng xanh trên cánh đồng

Thứ 7, 21/01/2023 | 08:27:12
11,058 lượt xem
Giữa thanh âm mùa xuân phơi phới, những chồi non, lộc biếc đang vươn mình trong hơi gió và tiếng reo vui nhộn nhịp đón tia nắng mới. Trên những cánh đồng thẳng cánh cò bay, tư duy làm nông nghiệp xanh như làn gió mới đang len lỏi, cho những mùa nối mùa tỏa hương thơm, trái ngọt, góp phần nâng cao thu nhập, đưa nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường.

Nông nghiệp xanh là nền nông nghiệp sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nông nghiệp xanh hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, ổn định kinh tế và giúp cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp... bảo đảm nông nghiệp bền vững trên cả trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế xanh.

Ngược phố về quê ngày cuối năm, thong dong qua những làng quê ven bờ sông Hóa, vẫn mảnh đất ấy, vẫn những con người ấy nhưng hôm nay đã thật sự đổi khác. Xã Hồng Quỳnh (Thái Thụy) nằm gần cửa sông Hóa đổ ra biển có nguồn nước lợ, thích hợp cho loài rươi sinh sống, phát triển. Là xã thuần nông nên rươi được xác định là con đặc sản cho thu nhập cao, tuy nhiên việc nuôi rươi mới chỉ dừng lại ở việc khoanh vùng tự nhiên nơi có con rươi sinh sống. Người dân còn ít kinh nghiệm và chưa nắm được quy trình về kỹ thuật quản lý môi trường và tác động kỹ thuật cải tạo vùng khoanh nuôi nên năng suất con rươi vẫn còn thấp, hiệu quả kinh tế vùng canh tác chưa cao. Để nâng cao hiệu quả nghề nuôi rươi, đồng thời khai thác hết tiềm năng, thế mạnh từ đất đai, ngành nông nghiệp phối hợp với UBND huyện Thái Thụy đã xây dựng và triển khai thí điểm mô hình sản xuất lúa chất lượng cao kết hợp nuôi rươi tại các xã Thụy Ninh, Thụy Việt, Hồng Quỳnh với tổng diện tích 133ha. 

Ông Bùi Hữu Chi, Giám đốc HTX SXKD rươi Hồng Quỳnh cho biết: Con rươi được người dân gọi là “lộc trời” bởi năng suất phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Để nâng cao sản lượng rươi, người dân đã nói không với phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, tuy nhiên gieo cấy lúa theo kiểu tận dụng, chưa từng nghĩ tới việc xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị từ chính loại gạo sạch này. Được sự hỗ trợ của các cấp, ngành, chúng tôi đã thành lập HTX sản xuất, kinh doanh lúa gạo hữu cơ, sản phẩm con rươi với 11 thành viên trực tiếp sản xuất, 150 thành viên là các hộ có diện tích nuôi rươi. Ngoài được hỗ trợ giống rươi, phân bón hữu cơ và trang bị cơ sở vật chất; chúng tôi còn được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi; hỗ trợ xây dựng bao bì nhãn mác, tem, mã QR truy xuất nguồn gốc; xây dựng trang thông tin điện tử để quảng bá và giới thiệu sản phẩm lúa gạo và con rươi của địa phương... Không chỉ giúp ổn định sản lượng rươi thu hoạch, mô hình còn tạo sản phẩm gạo hoàn toàn hữu cơ với giá bán cao, từng bước giúp địa phương xây dựng thương hiệu nông sản theo hướng bền vững.

Theo tính toán ban đầu, mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi tại Thái Thụy cho hiệu quả kinh tế cao hơn 1,5 - 1,7 lần so với sản xuất truyền thống. Do chỉ gieo cấy 1 vụ/năm, sản xuất “thuần” hữu cơ nên sản phẩm gạo sạch từ vùng nuôi rươi được người tiêu dùng đánh giá cao, cung không đủ cầu. 

Ông Lê Nguyên Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết: Với mong muốn xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương, từ thành công bước đầu của mô hình, thời gian tới huyện Thái Thụy xây dựng kế hoạch mở rộng mô hình lúa - rươi tại xã Thụy Việt với diện tích khoảng 100ha.

Từ sự đổi mới tư duy, mạnh dạn xóa bỏ những tập quán sản xuất xưa cũ, khát vọng làm ăn lớn đã được nông dân áp dụng trên những cánh đồng lớn. Năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 30% diện tích cấy lúa được bỏ bờ ngăn, trong đó gần 10.000ha tích tụ ruộng đất xóa bỏ bờ ngăn, hình thành các cánh đồng lớn đồng bộ cơ giới hóa từ khâu sản xuất đến thu hoạch. Không còn cảnh sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm. Máy móc đã gánh đỡ những công việc nặng nhọc, giúp người dân tiết kiệm chi phí sản xuất, tiết kiệm thời gian. Cánh đồng lớn cũng “xe duyên” cho 3 nhà: doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học trong sản xuất nông nghiệp, tiếp sức để các địa phương, HTX xây dựng thương hiệu gạo.

30% diện tích gieo cấy lúa được xóa bỏ bờ ngăn giúp hình thành cánh đồng lớn tạo thuận lợi áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất.

Năm 2022 tiếp tục cho thấy sự chuyển biến rõ về nhận thức, thay đổi tập quán canh tác lâu đời của người nông dân. Ngành nông nghiệp và các địa phương, doanh nghiệp, HTX đã nâng cao về nhận thức cho nông dân trong việc chuyển đổi phương thức gieo cấy, quản lý dịch hại IPM, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp IPHM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”, giảm lượng phân bón vô cơ, đi đôi với nhiều tiến bộ kỹ thuật như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, kỹ thuật tưới nông lộ phơi, quy trình canh tác giảm phát thải khí nhà kính... Những giải pháp, quy trình kỹ thuật đồng bộ này đã và đang mang lại nhiều lợi ích trong thực tiễn, giúp giảm chi phí sản xuất và giảm gây ô nhiễm môi trường. Dựa trên tiềm năng, lợi thế riêng có, Thái Bình đã và đang xây dựng nền nông nghiệp đa tầng, đa giá trị thông qua tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Mỗi sản phẩm bên cạnh chất lượng ngon còn chứa đựng giá trị văn hóa, có thể thu hút khách tham quan, trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực thông qua hình thức du lịch trải nghiệm. Từ đó, tạo ra giá trị mới cho sản xuất nông nghiệp, cho nông dân, hướng tới xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp bền vững hơn.

Khép lại năm Nhâm Dần với bao khó khăn, thách thức song cũng chứa đựng không ít trái ngọt từ những nỗ lực, quyết tâm của ngành nông nghiệp. Xuân Quý Mão đang tới, định hướng đã rõ, cùng với nền tảng đã tạo dựng, tin rằng những nông dân Thái Bình không ngại khó, ngại khổ, gắng sức, bền lòng cùng với các cấp ủy đảng, chính quyền sẽ cùng nhau dệt nên những mùa vàng ấm no.

Lưu Ngần