Thứ 6, 22/11/2024, 10:31[GMT+7]

Đông Hưng: Phát triển chương trình OCOP từ sản phẩm thế mạnh

Thứ 4, 01/02/2023 | 08:33:19
11,971 lượt xem
Huyện Đông Hưng đã và đang triển khai nhiều giải pháp thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh nhằm khơi dậy tiềm năng của các sản phẩm thế mạnh, thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời đưa các sản phẩm truyền thống tiếp cận thị trường, tạo hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh.

Qua những đôi bàn tay khéo léo của người dân xã Minh Tân, những cây phát lộc được hóa thân thành lẵng cây, chậu tháp.

Nghề trồng và làm tháp phát lộc ở thôn Đình Phùng, xã Minh Tân đã có hơn 15 năm với trên 90% hộ dân tham gia. Qua những đôi bàn tay khéo léo, những cây phát lộc được “hóa thân” thành lẵng cây, chậu tháp... đủ hình dáng phục vụ khách hàng, đặc biệt vào dịp tết. Sản phẩm từ cây phát lộc được công nhận OCOP 4 sao là nguồn động viên lớn đối với người dân, cơ sở sản xuất. Đây còn là “tấm vé thông hành” để phát lộc mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường. 

Ông Nguyễn Đăng Thuyết, người dân xã Minh Tân cho biết: Từ cây phát lộc chúng tôi uốn tỉa tạo ra nhiều sản phẩm với hình dáng theo nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Nhờ linh hoạt trong thay đổi mẫu mã nên việc tiêu thụ thuận lợi. Đặc biệt, sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP, sản phẩm được đông đảo khách hàng trong cả nước biết đến.

Xác định chương trình OCOP là cơ hội để quảng bá, nâng cao giá trị các sản phẩm thế mạnh trên địa bàn, ngay sau khi tỉnh triển khai chương trình, huyện Đông Hưng đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia chương trình. Đồng thời, huyện đã cân đối nguồn kinh phí hỗ trợ các chủ thể đầu tư đổi mới mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc; tổ chức xúc tiến thương mại; xây dựng website quảng bá sản phẩm...

Ông Trần Văn Đức, chủ cơ sở sản xuất bánh cáy Thiên Đức, xã Nguyên Xá cho biết: Được cơ quan chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ, cơ sở đã tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đầu tư máy móc chế biến, đóng gói hiện đại với đầy đủ bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc... Việc tham gia vào chương trình OCOP sẽ là nền tảng để cơ sở đầu tư sâu vào chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, tiếp cận với những thị trường khó tính. Đặc biệt, trong hội nghị kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu tỉnh Thái Bình được tổ chức tháng 9 năm 2022, sản phẩm bánh cáy Thiên Đức được ký kết biên bản ghi nhớ và hợp đồng mua bán hàng hóa với Tập đoàn Central Retail Việt Nam là cơ hội vàng để bánh cáy vươn xa, góp phần nâng tầm sản phẩm lợi thế của địa phương.

Từ những giá trị đem lại của sản phẩm OCOP, năm 2022, huyện Đông Hưng đã lựa chọn 7 sản phẩm đặc trưng, thế mạnh, có điều kiện phát triển, gồm: gạo làng Giắng, bánh cáy, kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo lứt, bột sắn dây, tinh bột nghệ để xây dựng, phát triển thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh. 

Ông Phạm Hùng Vương, Phó Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Đông Hưng cho biết: Hàng năm, chúng tôi xây dựng kế hoạch và triển khai các chương trình kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương tới các tỉnh bạn. Nhiều chương trình đã đạt kết quả cao, các doanh nghiệp, chủ thể đều ký hợp đồng lớn với các đối tác. Ngoài ra, chúng tôi cũng hỗ trợ đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, thông qua các chương trình khuyến công hỗ trợ chủ thể đầu tư máy móc, cải tiến mẫu mã, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm.

Đối với nhóm sản phẩm tiềm năng, thời gian tới, huyện Đông Hưng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình OCOP; phân công các phòng chuyên môn phối hợp, hỗ trợ chủ thể về thủ tục, hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng OCOP. Đặc biệt, đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực quản lý, triển khai thực hiện cho cán bộ phụ trách OCOP huyện, xã và tăng khả năng chủ động tiếp cận chương trình của các chủ thể.

Được công nhận sản phẩm OCOP mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm bánh cáy Thiên Đức.

Ngân Huyền