Chủ nhật, 28/07/2024, 21:19[GMT+7]

Hưng Hà Không có lợn bệnh tai xanh như thông tin của dư luận

Thứ 3, 14/05/2013 | 08:05:33
978 lượt xem
Đến nay có thể khẳng định những thông tin về dịch bệnh tai xanh lợn ở Hưng Hà là không có căn cứ, không chính xác. Vì vậy, các hộ chăn nuôi có thể yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất, duy trì đàn lợn hiện có; người dân yên tâm sử dụng các sản phẩm từ lợn. Tuy nhiên, để bảo đảm chăn nuôi phát triển bền vững, các hộ chăn nuôi, buôn bán, giết mổ cần nâng cao ý thức về chấp hành Pháp lệnh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm

Một trang trại ở Duyên Hải (Hưng Hà) thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Trong những ngày đầu tháng 4, khi một số địa phương có lợn bệnh tai xanh, phần lớn người dân đều lo lắng khi mua thịt lợn về ăn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người chăn nuôi đứng ngồi không yên vì giá lợn hơi ngày càng giảm mạnh. Hưng Hà là một trong những huyện phải gánh chịu lời đồn thổi của dư luận là có bệnh tai xanh ở lợn nhưng không công bố dịch, các thợ mổ vẫn thu mua lợn bệnh về giết bán… Trước những thông tin trên, chúng tôi đã về Hưng Hà để làm rõ vấn đề mà dư luận quan tâm.

Dừng chân ở quán nước tại đầu bến phà Tịnh Xuyên, thuộc địa phận xã Hồng Minh (Hưng Hà) có rất nhiều người dân là khách vãng lai, là người địa phương hoặc các xã lân cận, tranh thủ lúc chờ phà mọi người nói đủ thứ chuyện. Chỉ cần đề cập về việc gì đó, dường như ai cũng hiểu biết rất rõ để thêm thắt vào cho câu chuyện thêm đa dạng, ly kỳ.

Không biết lợn bệnh tai xanh bị chết ở Hưng Hà còn không nhỉ? Chỉ là câu hỏi thăm dò, gợi chuyện đã có nhiều ý kiến bàn tán, bình luận, kể về xã ĐL, HM, DH… có lợn tai xanh chết, thợ mổ một ngày mua mấy con lợn về giết vứt nội tạng ra sông, cắt móng, đầu rồi mang ra chợ bán bình thường; có địa phương thì vứt lợn bệnh chết ngổn ngang đầy bãi rác… Với những câu chuyện đồn thổi như thế này, nếu ai nghe được chắc chả dám ăn thịt lợn trong thời gian này nữa. Dẫu biết rằng ý thức không sử dụng sản phẩm lợn bệnh là rất đúng nhưng người nghe phải biết phân biệt đâu là thông tin thật, đâu là giả để tránh hoang mang cho người khác và thiệt hại về kinh tế không đáng có cho những người chăn nuôi.

Ông Vũ Văn Hạnh, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Toàn huyện hiện có 13.108 con trâu, bò; đàn lợn (không kể lợn sữa) có 160.820 con; đàn gia cầm có 1.754 nghìn con. Từ đầu năm đến nay, Hưng Hà thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm khá tốt nên lĩnh vực chăn nuôi vẫn phát triển, chưa xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm nào. Tuy nhiên, rải rác ở một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có lợn ốm, như bệnh tụ huyết trùng, phó thương hàn… nhưng tuyệt nhiên không có lợn bệnh tai xanh.

Ông Nguyễn Đức Thông, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Hưng Hà cho biết: Từ đầu năm đến nay, bệnh thông thường ở đàn gia súc, gia cầm có xảy ra nhỏ lẻ ở một số hộ, như bệnh tụ huyết trùng, phó thương hàn, dịch tả, tất cả các bệnh này đều đã được xử lý; riêng đối với các bệnh lở mồm long móng, tai xanh, cúm H5N1 chưa xảy ra.

Thực tế cho thấy, công tác tiêm vắc xin và các biện pháp phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được Hưng Hà triển khai, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt. Ngay ở giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức phun hóa chất, rắc vôi bột để tiêu độc khử trùng ở những nơi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao, như ổ dịch cũ, chợ, bãi rác, nơi buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm. Hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại, môi trường xung quanh và dụng cụ, phương tiện vận chuyển vật nuôi. Đồng thời hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm. Tiếp đó, kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc vụ xuân hè được huyện triển khai đồng bộ đến các xã, thị trấn về thời gian, đối tượng tiêm, cung ứng vắc xin, hướng dẫn kỹ thuật tiêm…

Đặc biệt là tiêm vắc xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò; lở mồm long móng và dịch tả cho đàn lợn nái. Hưng Hà đã tiêm được 58.155 liều vắc xin dịch tả lợn, tụ dấu tiêm được 18.983 liều, phó thương hàn tiêm được 38.872 liều; bình quân các địa phương tiêm 3 bệnh đỏ cho đàn lợn đạt gần 86% so với số lợn thuộc diện phải tiêm, vượt kế hoạch gần 6%. Mặc dù trên địa bàn chưa xuất hiện dịch bệnh tai xanh nhưng với tinh thần chủ động phòng chống dịch bệnh, Hưng Hà đã chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Theo đó, các địa phương đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong ban chỉ đạo; tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, báo cáo và xử lý kịp thời các bệnh thông thường trong phạm vi hẹp; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ, buôn bán… lợn bệnh, không rõ nguồn gốc.

Ông Nguyễn Kim Nhận, Chủ tịch UBND xã Duyên Hải cho biết: Đàn lợn trong toàn xã hiện có trên 11 nghìn con, với 72 gia trại và 25 trang trại, là một trong những địa phương có đàn lợn và số trang trại, gia trại lớn nhất huyện; thời gian qua, các hộ chăn nuôi thực hiện khá nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh nên chưa xuất hiện trường hợp lợn ốm chết nào. Hay đối với xã Độc Lập, là một trong những địa phương được đồn thổi có lợn bệnh tai xanh bị chết và vẫn giết mổ, buôn bán lợn bệnh bình thường, nhưng không có cơ quan chức năng nào vào cuộc. Ông Nguyễn Thái Dương, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thực tế đầu tháng 4, tại vùng chăn nuôi tập trung có một vài con lợn bị chết, những con lợn này bị tụ huyết trùng và thương hàn, không phải bệnh tai xanh; số lợn chết đã được tiêu hủy theo quy định; tổng đàn lợn trong xã có hơn 3 nghìn con hiện vẫn khỏe mạnh, phát triển bình thường, không có lợn ốm.

Như vậy, đến nay có thể khẳng định những thông tin về dịch bệnh tai xanh lợn ở Hưng Hà là không có căn cứ, không chính xác. Vì vậy, các hộ chăn nuôi có thể yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất, duy trì đàn lợn hiện có; người dân yên tâm sử dụng các sản phẩm từ lợn. Tuy nhiên, để bảo đảm chăn nuôi phát triển bền vững, các hộ chăn nuôi, buôn bán, giết mổ cần nâng cao ý thức về chấp hành Pháp lệnh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Bài, ảnh: Nguyên Bình

  • Từ khóa