Thứ 3, 24/12/2024, 00:45[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm đơn hàng

Thứ 7, 11/02/2023 | 13:31:32
12,123 lượt xem
Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, do ảnh hưởng của kinh tế thế giới nên các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng. Trước tình hình đó, các DN trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ đã có các giải pháp kịp thời, nhờ đó sau tết nhiều đơn hàng đã được ký kết để duy trì việc làm ổn định cho người lao động (NLĐ).

Công ty Cổ phần Dệt may Sao Mai, xã An Tràng (Quỳnh Phụ) phát động các phong trào thi đua sản xuất ngay từ đầu năm.

Nỗ lực vượt khó

Thời gian qua, mặc dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát song hầu hết các ngành nghề vẫn bị ảnh hưởng, trong đó ngành dệt may và da giày ảnh hưởng nặng nề nhất. Lượng sản phẩm các DN sản xuất ra sụt giảm, các đơn hàng ký kết với khách hàng vì thế cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Không để NLĐ phải nghỉ việc, cắt giảm giờ làm, nhiều DN trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ đã có các giải pháp phù hợp.

Tại Công ty Cổ phần Dệt may Sao Mai, xã An Tràng, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu đi Nhật Bản và châu Âu nhưng khi một số đơn hàng không ký kết được DN bắt buộc phải có sự chuyển dịch. Ông Phạm Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chia sẻ: Kinh tế thế giới suy thoái nên các nước châu Âu, Mỹ giảm đơn hàng, nhất là cuối năm 2022 đơn hàng giảm nhiều, có đối tác giảm 50 - 60% đơn hàng so với mọi năm. Rất nhiều DN nhỏ và vừa hết đơn hàng đã phải cho công nhân nghỉ làm luân phiên hoặc về sớm. Với Công ty chúng tôi, để có đơn hàng, ngoài việc đáp ứng yêu cầu của khách hàng giảm từ 20 - 25% đơn giá ký, DN phải chuyển dịch mặt hàng sản xuất. Nếu như những năm trước sản phẩm của DN chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ, tuy nhiên khi sức mua giảm DN đã chuyển sang làm hàng đồng phục, bảo hộ lao động, bảo hộ y tế xuất khẩu đi Nhật Bản. Hiện tại, dù vẫn bảo đảm việc làm cho NLĐ được 8 tiếng/ngày và chưa có nhiều đơn hàng để tăng ca nhưng DN đã ký kết đơn hàng đến hết quý I/2023 và đang đàm phán để ký đến hết tháng 6 năm nay; phấn đấu duy trì thu nhập bình quân trên 7 triệu đồng/người/tháng cho NLĐ.

Tại Công ty Cổ phần May Hà Thành, xã Quỳnh Nguyên, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 là thời điểm DN gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng. Tuy nhiên, nhờ giữ uy tín với đối tác nên DN vẫn duy trì được đơn hàng để tạo việc làm ổn định cho NLĐ. 

Ông Trần Đăng Sứ, Giám đốc Công ty cho biết: 6 tháng cuối năm 2022 là thời điểm đơn hàng giảm nhiều nhất và kéo dài sang cả những tháng đầu năm 2023. Trước tình hình đó, DN phải cắt giảm một số chi phí, tăng năng suất lao động để bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ giữ được uy tín với khách hàng nên các đơn hàng được ký đều đặn trong năm 2022 và nhận được kế hoạch đơn hàng ký đến hết năm 2023. Đến nay NLĐ chưa phải nghỉ việc ngày nào và vẫn tăng ca 1 tiếng/ngày với thu nhập từ 8,5 - 9 triệu đồng/người/tháng.

Không đặt vấn đề lợi nhuận lên hàng đầu

Công ty Cổ phần Dệt may Sao Mai có trên 300 lao động. Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như tình hình kinh tế thế giới, tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và việc làm của NLĐ, doanh thu của DN vì thế sụt giảm đáng kể. Trong khi nhiều DN phải cho công nhân nghỉ việc, cắt giảm giờ làm song tại Công ty ngay cả khi doanh thu sụt giảm DN vẫn nỗ lực tìm mọi giải pháp bảo đảm đời sống cho NLĐ. 

Ông Phạm Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cho biết: Thời gian qua, mặc dù DN gặp rất nhiều khó khăn nhưng không vì thế mà các chế độ, chính sách của NLĐ bị cắt giảm. Về phía Công ty không đặt nặng vấn đề lợi nhuận mà tìm mọi cách từ việc cắt giảm chi tiêu, giảm đơn giá với khách hàng để duy trì đơn hàng với mong muốn NLĐ có việc làm và thu nhập ổn định, qua đó yên tâm gắn bó với DN. 

Chị Bùi Thị Tho, công nhân Công ty tâm sự: Chúng tôi rất cảm ơn lãnh đạo DN trong lúc khó khăn không vì lợi nhuận của DN mà cắt giảm các chế độ, vẫn kiên trì tìm kiếm đơn hàng cho NLĐ. Nhiều bạn bè của tôi thời gian này phải nghỉ việc luân phiên, giảm giờ làm, may mắn tôi và các công nhân ở đây vẫn có việc làm với thu nhập ổn định; các chế độ lương, thưởng vẫn được hưởng đầy đủ. Hy vọng trong năm 2023 Công ty tìm được nhiều đơn hàng để chúng tôi có công việc ổn định.

Dự báo những tháng đầu năm 2023 tiếp tục khó khăn đối với các DN trong việc tìm kiếm đơn hàng. Riêng tại Công ty Cổ phần May Hà Thành, dự báo đơn hàng trong năm nay có thể giảm từ 20 - 30%; với Công ty Cổ phần Dệt may Sao Mai, việc ký đơn hàng cũng chỉ tính đến phương án ký từ 2 - 3 tháng để duy trì việc làm cho NLĐ. Quyết tâm vượt khó, các DN trên địa bàn huyện đã phát động các phong trào thi đua sản xuất đầu năm với quyết tâm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo uy tín với khách hàng để ký kết được nhiều đơn hàng, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho NLĐ. 

Ông Nguyễn Quang Tiệp, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp  huyện Quỳnh Phụ cho biết: Mặc dù chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới đến hoạt động sản xuất, kinh doanh song thời gian qua các DN trong huyện luôn chủ động tạo nguồn sản xuất. Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo huyện Quỳnh Phụ và Hội Doanh nghiệp huyện, chúng tôi tin tưởng năm 2023 các DN trong huyện tiếp tục ký kết được nhiều đơn hàng, đạt doanh thu cao, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện.


Nguyễn Cường