Chủ nhật, 28/07/2024, 21:22[GMT+7]

Đê biển Thái Thụy Vững chãi hơn trước mùa bão lũ

Thứ 6, 17/05/2013 | 09:05:14
1,091 lượt xem
Những ngày này, trên tuyến đê biển số 7 và số 8 của huyện Thái Thụy, các nhà thầu đang huy động tối đa nhân lực, vật tư, phương tiện thi công liên tục 3 ca để hoàn thành các gói thầu nâng cấp, khắc phục các đoạn đê biển xung yếu trước ngày 30/6 theo đúng cam kết với tỉnh.

Cống Bạch Đằng trên tuyến đê biển số 7 (địa phận xã Thái Thượng) đang thi công kênh dẫn phía đồng.

Như vậy, sau nhiều năm đê biển của Thái Thụy phải oằn mình đối phó với bão lũ, nước biển dâng thì năm nay đã vững chãi hơn, góp phần quan trọng giảm bớt thiệt hại khi thiên tai xảy ra.

Một ngày đầu tháng 5, chúng tôi có mặt trên công trình nâng cấp đê biển số 7, đoạn từ K37+600 đến K39+200 dài 1,4 km do liên danh nhà thầu là Công ty CP Đầu tư xây dựng Hà Thành (UDIC) và Công ty Hoàng Minh đảm nhiệm thi công. Cả công nhân, kỹ sư dồn mọi nỗ lực, tất bật chạy đua với thời gian hoàn thành những công việc cuối cùng của gói thầu. Ông Nguyễn Nam Dân, cán bộ Ban quản lý dự án đê biển khẳng định: “So với tất cả các gói thầu nâng cấp đê biển của Thái Bình đang làm hiện nay, đây là gói thầu khi thực hiện gặp nhiều khó khăn nhất vì có đoạn thuộc tuyến đê xung yếu nên phải đắp đê mới chắc chắn rồi mới cứng hóa mái và mặt đê, cùng với đó là xây mới cống Bạch Đằng.

Vì vậy, cán bộ của Ban quản lý dự án luôn thường trực ở công trường  theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình thi công, bảo đảm chất lượng công trình”. Ông Vũ Ngọc Bằng, Chỉ huy trưởng thi công công trình của liên danh nhà thầu cho biết: “Để hoàn thành gói thầu đúng tiến độ, ngay từ đầu tháng 1/2013, đơn vị đã huy động đủ nguồn đất tập kết gần công trình, xử lý độ ẩm trước khi đưa vào đắp. Trung bình mỗi ngày có từ 12 đến 18 máy xúc hoạt động; 6 đến 8 tổ nhân công luân phiên thi công 3 ca liên tục.

Đến nay, đã lát mái xong phía biển, đang đổ bê tông mặt đê. Riêng việc đắp đê mới đã hoàn thành khoảng 75% trong tổng số  64.670 m3 đất cần đào đắp. Cống Bạch Đằng đến giờ đã đổ xong thân, đan cống, đang thi công kênh dẫn phía đồng. Nếu thời tiết thuận lợi, có hạng mục sẽ xong trước 30/5, dự kiến đến 30/6, chúng tôi sẽ hoàn thành toàn bộ gói thầu”.

Cách cống Bạch Đằng không xa, trên công trường củng cố, nâng cấp tuyến đê biển số 7, đoạn từ K34+500 đến K35+500 dài 1 km do hai nhà thầu là Công ty TNHH MTV Duyên Hải và Công ty CP Đầu tư xây dựng phát triển và Xuất nhập khẩu Việt Nam đang tích cực lu lèn, đổ bê tông mặt đê, trồng cỏ mái đê phía đồng. Kỹ sư Trần Văn Tâm, Phó Giám đốc chi nhánh Bạch Đằng của Công ty Duyên Hải cho biết: “Đây là đoạn đê thuộc Chương trình củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển đã triển khai thi công từ năm 2009 nhưng do vướng mắc về giải phóng mặt bằng nên chậm tiến độ. Khi tiếp nhận lại của nhà thầu trước, đơn vị cũng có nhiều băn khoăn, lo lắng nhưng nhờ sự hỗ trợ tích cực của Ban quản lý dự án, chính quyền địa phương và nhân dân ủng hộ, đến nay đã thực hiện 90% khối lượng công việc, dự kiến đến 30/5 sẽ hoàn thành toàn bộ công trình. Khó khăn lớn nhất của đơn vị hiện nay là mới được ứng vốn 4 tỷ đồng trong 12 tỷ đồng tổng gói thầu nên đề nghị chủ đầu tư hỗ trợ tháo gỡ”.

Cùng với đê biển số 7, trên tuyến đê biển số 8, đoạn từ K0 đến K2+948 dài 2,948 km cũng đang được thi công theo Chương trình củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển, đến nay đã hoàn thành toàn bộ phần kè lát mái phía biển và đổ bê tông mặt đê, đang hoàn thiện mái phía đồng. Đối với tuyến đê cửa sông - hữu Diêm Hộ (trước kia khi chưa phân cấp lại đê tương ứng với K40+100 đến K45+100 đê biển 7) dài 5 km thuộc địa phận các xã Thái Thượng, Thái Nguyên và Thái Thủy là đoạn đê thấp nhỏ so với tiêu chuẩn thiết kế. Đặc biệt, cơn bão số 8/2012 làm nước biển dâng cao tràn qua một số đoạn gây nguy hiểm cho đời sống dân sinh. Hiện nay, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh cũng đang khẩn trương đôn đốc nhà thầu đắp tôn cao chống tràn đến cao trình mặt 4,2 m và rải đá cấp phối rộng 3 m, đoạn từ K0+330 đến K4+250 dài 4,4 km.

Năm 2012, Trung ương và tỉnh đã đầu tư cho Thái Thụy trên 191 tỷ đồng để nâng cấp 16,789 km đê biển với tổng khối lượng đất đào đắp 241.604 m3, 59.132 m3 bê tông, 9.848 m3 đá hộc, 961 tấn cốt thép và một số hạng mục công trình phòng chống lụt bão khác như xây mới, tu sửa kè, cống, xử lý hố xói lở, thụt lún. Ông Phạm Hữu Thoại, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết: “Cơn bão số 8 năm 2012 đổ bộ vào địa bàn đã gây thiệt hại cho huyện khoảng 800 tỷ đồng, ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh. Nếu không có hệ thống kè, các tuyến đê biển được củng cố nâng cấp những năm qua, thiệt hại có thể còn lớn hơn.

Vì vậy, xác định rõ tầm quan trọng và tính cấp bách khắc phục nâng cấp các đoạn đê biển xung yếu trực diện với biển năm 2013 và một số gói thầu chuyển tiếp từ năm trước, huyện đã phối hợp tích cực với chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc góp phần  hoàn thành các công trình đúng tiến độ”.

Như vậy, nếu tính cả các hạng mục thi công từ đầu năm đến giờ, đến 30/6 hầu hết các tuyến đê biển xung yếu trên địa bàn cơ bản được củng cố và nâng cấp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác phòng chống lụt bão của huyện năm 2013. Người dân các xã ven biển ở Thái Thụy cũng phần nào yên tâm, chủ động hơn nếu bão lũ xảy ra. Chị Nguyễn Thị Liên, một người dân sinh sống sát chân đê biển số 7 (thôn Bạch Đằng, xã Thái Thượng) cho biết: “Nhà tôi sống ở gần chân đê, sát cống Bạch Đằng cũ, năm nào bão lũ đến cũng thấy huyện, xã lấy đất dự trữ hoành triệt cống, bão đi qua lại tháo đất tiêu nước cho khu dân cư rất vất vả.

Cơn bão số 8 năm ngoái đổ bộ vào, nửa đêm nước dâng mấp mé mặt đê, còn khoảng nửa mét nữa là tràn vào khu dân cư, nhà tôi phải sơ tán đi nơi khác. Năm nay, cống Bạch Đằng được xây mới, đê được cứng hóa không chỉ giúp cho việc đi lại thuận tiện mà dân quê biển chúng tôi an toàn hơn nếu bão to, lũ lớn xảy ra”.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa