Thứ 4, 27/11/2024, 03:39[GMT+7]

Chuyển dịch cơ cấu giống vật nuôi

Chủ nhật, 05/03/2023 | 22:50:37
14,504 lượt xem
Thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đặc biệt là Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 6/2/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, công tác quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2023, ngành nông nghiệp tiếp tục thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào ngành chăn nuôi, giết mổ theo chuỗi khép kín, tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo liên kết chuỗi giá trị; tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu giống vật nuôi theo hướng phát triển các giống vật nuôi được công bố tiêu chuẩn áp dụng, con giống cao sản chất lượng cao. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống vật nuôi trên địa bàn nhằm bảo đảm chất lượng nguồn giống cho người sản xuất.

Cơ cấu giống vật nuôi có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ lệ vật nuôi cao sản hướng thịt, trứng.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tập trung đưa những giống mới chất lượng cao vào sản xuất, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi. Sau nhiều năm nuôi vịt thịt, vịt đẻ với số lượng hàng nghìn con/lứa, ông Phạm Hữu Phong, xã Thuần Thành (Thái Thụy) rút ra một số kinh nghiệm để chăn nuôi vịt đạt hiệu quả cao như: phải nắm được đặc tính của từng loại con giống, nắm vững quy trình chăm sóc nuôi dưỡng; tuân thủ lịch tiêm phòng, sử dụng thức ăn đạt chất lượng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển và thường xuyên vệ sinh chuồng trại, khu vực chăn nuôi riêng biệt. 

Ông Phong chia sẻ: Năm 2021, tôi được Chi cục Chăn nuôi và Thú y hỗ trợ 1.500 con vịt giống cao sản SHST53 nuôi thử nghiệm. Nhờ thực hiện hình thức chăn nuôi tập trung, kiểm soát và quản lý tốt dịch bệnh, kỹ thuật làm chuồng trại tốt, tiêm phòng dịch tả, viêm gan, cúm H5N1... ở từng giai đoạn phát triển của vịt luôn bảo đảm nghiêm ngặt nên tỷ lệ hao hụt vịt không đáng kể, đàn vịt khỏe mạnh, tăng trọng nhanh. Sau 42 ngày nuôi, qua hạch toán, cứ 1kg vịt tiêu tốn 2,5kg thức ăn; chi phí vào 1kg vịt chưa tính công khoảng 35.000 đồng, với giá bán 42.000 - 45.000 đồng/kg, mỗi con vịt người chăn nuôi thu lãi gần 20.000 đồng (chưa tính công chăm sóc). Đặc điểm của vịt cao sản SHST53 là có tỷ lệ thịt cao, tăng trọng nhanh, tiêu tốn ít thức ăn, thời gian nuôi ngắn hơn các giống vịt địa phương nhưng vẫn cho sản phẩm thịt chất lượng tốt, vịt đồng đều, dễ bán. Từ thành công đó, tôi quyết định chuyển dần quy mô đàn vịt sang giống mới này để tăng hiệu quả chăn nuôi.

Ông Lê Văn Chiến, hộ chăn nuôi lợn thôn Lại Xá, xã Minh Lãng (Vũ Thư) cho biết: Hơn 10 năm qua, gia đình tôi không nuôi lợn giống địa phương nữa mà chuyển sang nuôi lợn lai có trọng lượng từ 1,2 - 1,4 tạ/con khi xuất chuồng. Không chỉ cho tỷ lệ nạc cao hơn, các giống lợn lai có sức đề kháng tốt hơn, tăng trọng nhanh hơn so với giống lợn truyền thống, được thị trường ưa chuộng hơn. Với quy mô nuôi 30 con lợn nái, 500 con lợn thịt/năm, gia đình đã tự sản xuất lợn giống quy trình khép kín bảo đảm an toàn sinh học, tiết kiệm được chi phí đầu tư, bảo đảm chất lượng con giống đầu vào, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời, lắp đặt hệ thống camera giám sát, đầu tư máng ăn, cung cấp nước uống tự động và xử lý chất thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, những năm qua, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu giống vật nuôi theo hướng tăng nhanh tỷ lệ các giống vật nuôi cao sản hướng thịt, trứng, giúp giảm thời gian nuôi, tăng khối lượng xuất chuồng và số lứa/năm. Đàn lợn ngoại toàn tỉnh hiện nay chiếm trên 80% tổng đàn với khoảng 900 con lợn đực giống Yorkshire, Duroc, Landrace có chất lượng đạt theo tiêu chuẩn quy định. Khối lượng lợn thịt xuất chuồng tăng, đạt trung bình khoảng 100kg/con, riêng lợn ngoại đạt trung bình 120 - 130kg/con. Toàn tỉnh có 3 cơ sở sản xuất con giống lợn với quy mô khoảng gần 10.000 con lợn giống/năm; 18 cơ sở sản xuất con giống gia cầm và 59 cơ sở ấp trứng gia cầm với quy mô sản xuất khoảng 4 triệu con giống/năm, chủ yếu là giống gà Ri lai, vịt Super lai, vịt bầu cánh trắng... Đàn bò của tỉnh đã và đang cải tạo theo hướng lai nhóm zebu, chiếm tỷ lệ trên 90% tổng đàn bò. Tầm vóc, thể chất, năng suất được nâng cao hơn nhiều so với trước đây.

Để cải tạo chất lượng con giống, tỉnh đã triển khai chương trình hỗ trợ phối giống nhân tạo cho đàn bò, hỗ trợ giống vật nuôi theo các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi. 

Bà Nguyễn Thị Bến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Hàng năm, Chi cục phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi sử dụng con giống lai để sản xuất cải thiện năng suất, nâng cao thu nhập; chuyển đổi từ quy mô sản xuất nhỏ, lẻ sang quy mô chăn nuôi theo trang trại, gia trại, sản xuất quy trình khép kín... Chăn nuôi theo hình thức trang trại, ứng dụng công nghệ cao được nhân rộng. Phương thức chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, thú y (quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, quy trình VietGAHP...) được tuyên truyền, chuyển giao, ứng dụng rộng rãi, đem lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, một số chủ doanh nghiệp, trang trại, nông hộ chăn nuôi đã ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng khoa học lần thứ tư trong quản lý công tác chăn nuôi, phát triển thị trường tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm. Toàn tỉnh hiện có 1 hiệp hội, 6 HTX, 11 tổ hợp tác chăn nuôi; có 22 doanh nghiệp chăn nuôi đầu tư nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn.

Lợn ngoại được các trang trại, hộ chăn nuôi đưa vào nuôi giúp tăng khối lượng xuất chuồng, giảm thời gian nuôi. 

Ngân Huyền