Thứ 3, 30/07/2024, 01:26[GMT+7]

Quỳnh Phụ Gắn giải quyết việc làm với nâng cao chất lượng nguồn lao động

Thứ 2, 06/09/2010 | 15:33:08
1,755 lượt xem
Để đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, thời gian qua huyện Quỳnh Phụ luôn quan tâm đến công tác giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lực lượng lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Nghề dệt chiếu cói truyền thống xã An Lễ - Quỳnh Phụ, đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Ảnh:NGỌC TRÂM

Tính đến thời điểm cuối năm 2009, toàn huyện Quỳnh Phụ có gần 125.000 lao động trong độ tuổi. Gắn giải quyết việc làm với công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn lao động. Coi đây là một trong bốn chương trình KT- XH trọng tâm giúp tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững. Trung bình mỗi năm có thêm khoảng hơn 1.000 lao động đến tuổi và cần được tạo việc làm.

Để giải quyết việc làm ổn định cho số lao động nói trên,  Quỳnh Phụ đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính thứ 3 trong năm; khuyến khích các hộ phát triển mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại; quy hoạch các cụm- điểm công nghiệp tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng phát triển sản xuất, thu hút thêm lao động; tìm giải pháp khôi phục nghề truyền thống kết hợp với tìm kiếm du nhập thêm các nghề thủ công mới, tạo việc làm tại chỗ, thực hiện phương châm “ly nông bất ly hương”; tạo điều kiện để các hộ được vay vốn tín dụng đầu tư mở rộng sản xuất...

Nhờ vậy đại đa số lao động trong độ tuổi ở Quỳnh Phụ đều có việc làm. Số lao động đến tuổi không có việc làm năm 2008 chỉ chiếm 0,16% tổng số lao động toàn huyện (198 người), sang năm 2009 số này giảm còn 0,12% (150 người). Trong số gần 125.000 lao động trong độ tuổi, có 91.298 lao động đang làm việc tại địa phương (chiếm 73,25%), gần 32.000 lao động thường xuyên đi làm ăn xa (chiếm 25,63%), còn lại 1.246 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (chiếm 1%). Với hơn 91.000 lao động đang làm việc tại địa phương, có trên 45.000 lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 49,37%), gần 29.000 người tham gia sản xuất CN- TTCN (chiếm 31,61%), còn lại 17.365 lao động làm việc trong lĩnh vực TM- DV (chiếm 19,02%).

Cùng với việc quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động, Quỳnh Phụ còn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn lao động. Hiện tại trên địa bàn huyện đang có 3 trung tâm tham gia đào tạo nghề gồm: Trung tâm dạy nghề huyện, Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và Trung tâm dạy nghề tư thục (trực thuộc Công ty may xuất khẩu Thăng Long).

Ngoài ra, còn có Trường trung cấp nông nghiệp tỉnh và một số cơ sở sản xuất tự đào tạo nghề cho người lao động. Trung bình hàng năm các cơ sở nói trên nhận đào tạo và cấp chứng chỉ cho khoảng 1.700- 2.000 học viên. Trong 2 năm 2008 và 2009, các cơ sở này đã đào tạo và cấp chứng chỉ cho gần 3.700 học viên. Các ngành nghề, lĩnh vực đào tạo chủ yếu là: tập huấn chuyển giao KH- KT cho người lao động; các ngành được đào tạo từ sơ cấp trở lên có may công nghiệp, điện dân dụng, chăn nuôi thú y, bảo vệ thực vật, tin học...

Bên cạnh những kết quả tích cực nói trên thì công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề ở Quỳnh Phụ thời gian qua cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Tốc độ chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang các lĩnh vực khác còn chậm; nhiều lao động tham gia sản xuất CN- TTCN và TM- DV chưa thật ổn định; năng suất lao động nhìn chung vẫn rất thấp, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ chứng chỉ trở lên mới đạt 25,85%, riêng lĩnh vực CN- TTCN số lao động qua đào tạo có chứng chỉ trở lên mới chiếm 22,72%. Hầu hết các cơ sở đào tạo nghề đều mới thành lập, ngành nghề đào tạo chưa đa dạng. Nguồn kinh phí từ ngân sách chi cho việc đào tạo nghề còn ít và chưa sát với yêu cầu thực tiễn...

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, Quỳnh Phụ phấn đấu hàng năm tạo việc làm mới cho khoảng 5.000- 5.500 lao động, nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động khu vực nông thôn lên 85%; đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 54% tổng số lao động trong độ tuổi, trong đó số được đào tạo nghề chiếm 42,5%. Để hoàn thành mục tiêu trên, thời gian tới huyện chủ trương chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn ban chỉ đạo, ban hành nghị quyết chuyên đề và xây dựng chương trình hành động thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định 1956 của Chính phủ.

Từng xã tiến hành khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và phối hợp với các trung tâm dạy nghề ở cả trong và ngoài huyện đưa lao động đi học nghề. Khai thác mọi nguồn lực để đầu tư nâng cấp, mở rộng, nâng cao năng lực đào tạo của các cơ sở dạy nghề hiện có; kết hợp hình thức đào tạo tại chỗ với liên kết đào tạo. Khuyến khích và có cơ chế cụ thể để thu hút các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở dạy nghề cho người lao động.

Ngoài ra, cấp uỷ đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, các chủ trương, chính sách, cơ chế của Nhà nước về đào tạo nghề, đồng thời tích cực vận động hội viên tham gia học nghề phù hợp với nhu cầu thực tế công việc của bản thân.

Vũ Mạnh

  • Từ khóa