Chủ nhật, 28/07/2024, 21:25[GMT+7]

Kiến Xương Chủ động phòng chống lũ bão

Thứ 3, 21/05/2013 | 13:52:59
1,145 lượt xem
Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 8 đổ bộ vào tỉnh ta cuối năm 2012, với phương châm “4 tại chỗ”, chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, giảm nhẹ tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện Kiến Xương đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp chủ động phòng tránh bão, lũ đang cận kề.

Kè Đò Gồ, xã Quốc Tuấn (Kiến Xương) đang khẩn trương được sửa chữa, khắc phục.

Huyện Kiến Xương hiện có 23,65 km đê sông; trong đó có 8,9 km đê cấp III, 14,75 km đê cấp II, 7,7 km đê biển, gần 40 km đê bối dân sinh và đê bao vùng cây công nghiệp. Cơn bão số 8 năm 2012 không những làm thiệt hại về tài sản, hoa màu mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới một số tuyến đê, kè. Kiến Xương lại là huyện có hệ thống đê điều yếu nhất tỉnh, nhiều đoạn đê, kè, cống phải xây dựng phương án hộ đê.

Qua công tác theo dõi, kiểm tra cho thấy, một số đoạn đê, nhất là những đoạn nằm trong vùng bối: đê biển số 6, đoạn xã Trà Giang, Hồng Thái có thể xảy ra biến cố phức tạp khi có lũ cao kéo dài hay bão vào thời điểm triều cường, bão lũ trùng hợp… Các kè Đồng Xâm, Bình Trật 1,  Vũ Bình, Minh Tân… cũng đã xuống cấp, hư hỏng nặng, xô tụt đỉnh, mái kè, lở bãi đỉnh kè.

Năm 2013, trước dự báo thiên tai có nhiều diễn biến phức tạp, mùa mưa bão đến sớm, huyện Kiến Xương đã chủ động về mọi mặt, sẵn sàng ứng phó với điều kiện bất thuận của thời tiết. Ngay từ đầu tháng 4/ 2013, huyện đã thành lập và kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống lụt bão cấp huyện; tổ chức hội nghị, quán triệt nhiệm vụ, triển khai các biện pháp, giao chỉ tiêu về nhân lực, phương tiện, vật tư… cho từng đơn vị xã, thị trấn.

Bằng nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, từ đầu tháng 3/2013, huyện đã triển khai các dự án khắc phục, sửa chữa kè Bình Trật II, từ Km 35 + 950 đến Km 36 + 200 với tổng vốn đầu tư gần 2,5 tỷ đồng; kè Đò Gồ, từ Km 39 + 500 đến Km 39 + 950; đắp mở rộng mặt cắt đê từ Km 35 + 150 đến Km 36 + 350; cứng hóa mặt đê bê tông thuộc đê tả Hồng Hà II; dự án nâng cấp, củng cố và bảo vệ đê sông thuộc đê tả Hồng Hà II, từ Km 190+610 đến Km 190+200…

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Thạo, Hạt trưởng Hạt quản lý đê điều huyện cho biết, hàng năm, huyện cùng với cán bộ của Hạt thường xuyên đi kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình đê điều trước mùa mưa bão, từ đó phân loại các trọng điểm xung yếu, tiến hành lập phương án bảo vệ. Năm nay, huyện đã xây dựng 19 phương án bảo vệ ở các trọng điểm xung yếu: đê kè Vũ Bình, Minh Tân, Đồng Xâm, Trà Giang…; các cống: Thịnh Quang, cống Hồ…

Huyện chỉ đạo các địa phương hoàn thành việc cắm cừ dự phòng, hoành triệt các cống xung yếu; tu bổ, vệ sinh các điếm gác nước; chủ động tháo dỡ các vật cản trên sông: đăng, đó, vó bè và bèo để đáp ứng kịp thời công tác tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra. Yêu cầu Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện phải kiểm tra, duy tu, sửa chữa các công trình cống, đập dưới đê và các trạm bơm tiêu úng. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND huyện, đến nay, tất cả 37 xã, thị trấn trên địa bàn đã xây dựng phương án phòng, chống lũ bão và rà soát các điểm nguy hiểm, xung yếu.

Ngoài việc tập trung hoàn thành các công trình thủy lợi trước mùa mưa bão, trong tháng 6, tháng 7 năm 2013, các xã, thị trấn hoàn thành đầy đủ chỉ tiêu các lực lượng xung kích, hậu cần, cứu thương, thông tin liên lạc… Các ban, ngành của huyện: quân sự, công an, y tế, bưu chính viễn thông, nông nghiệp, văn hóa - thể thao tổ chức các hoạt động diễn tập, ứng cứu hộ đê, tiêu nước khi mưa bão, tập huấn kỹ năng bơi lội, cứu hộ cứu nạn… Chuẩn bị bước vào những tháng cao điểm của mùa mưa, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan, thực hiện tốt các phương án đề ra; nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng tại chỗ, sắm sửa, nâng cấp các trang thiết bị bảo đảm ứng cứu, khắc phục kịp thời khi có sự cố.

Thực tế công tác phòng chống lụt bão những năm qua cho thấy, nhận thức của nhân dân, kể cả một số cán bộ về tính cấp thiết của phòng tránh thiên tai còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa các ngành và xã còn lỏng lẻo nên việc lấn chiếm lòng sông, vi phạm hành lang bảo vệ đê vẫn xảy ra.

Bài, ảnh: Lưu Ngần

 

  • Từ khóa