Chủ nhật, 28/07/2024, 21:28[GMT+7]

Quỳnh Lâm Tăng cường phòng chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm

Thứ 3, 21/05/2013 | 13:57:33
955 lượt xem
Là xã giáp ranh với huyện Ninh Giang (Hải Dương), lại là nơi xuất hiện dịch lở mồm long móng (LMLM) năm 2012. Vì vậy, công tác phòng chống dịch trên địa bàn được xã Quỳnh Lâm (Quỳnh Phụ) tập trung ráo riết nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.

Trang trại Tính Sao nhiều năm liền không có dịch bệnh gia cầm.

Đến thăm gia đình anh Hoàng Duy Khương, thôn Đồng Mỹ - một trong 2 hộ chăn nuôi có lợn chết do dịch LMLM năm 2012. Anh Khương nhớ lại: “Sau khi phát hiện 1 con lợn bị ốm, tôi đã ra đại lý mua thuốc về vừa cho uống, vừa tiêm nhưng chỉ sau 1 ngày, đàn lợn trong chuồng trên 40 con thì gần 20 con sốt cao, bỏ ăn và nằm li bì. Sốt ruột quá, tôi chạy đến kêu cứu thú y xã. Khi lực lượng thú y có mặt thì 1 con lợn đã bị chết. Sau khi xác định rõ lợn bị bệnh LMLM, gia đình đồng ý cùng với cơ quan thú y và chính quyền xã tiến hành tiêu hủy và tập trung các biện pháp khống chế không để dịch lây lan ra diện rộng.

Rút kinh nghiệm từ dịch LMLM năm trước, năm nay, gia đình tôi đặc biệt chú ý đến công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi”. Theo quan sát của chúng tôi, 2 khu chuồng trại nuôi trên 40 con lợn thịt, 6 lợn nái có đầy đủ hệ thống máng ăn, nước uống được bố trí khoa học, hợp lý và 5 khu nuôi gà với trên 4.000 con, tại tất cả các trại này, anh đều dự trữ vôi bột để hòa vào nước tẩy rửa chuồng trại đồng thời dự phòng đầy đủ các loại vắc xin, hóa chất phòng dịch bệnh theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã như: vắc xin phòng cúm gia cầm, LMLM, tụ huyết trùng, dịch tả... Nhờ tập trung cao cho công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh nên hiện nay đàn gia súc, gia cầm nhà anh Khương luôn phát triển tốt, khỏe mạnh và mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm cho gia đình.

Trang trại gia cầm của gia đình anh Hoàng Công Tính không chỉ nổi tiếng với tổng đàn gia cầm lớn nhất xã, mỗi năm mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mà còn nổi tiếng bởi sự nghiêm ngặt trong công tác phòng chống dịch bệnh. Theo anh Tính, nguyên tắc sống còn trong quá trình chăn nuôi chính là quản lý chặt chẽ quy trình tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi. Đối với đàn gà ri, từ 7.000 - 10.000 con của gia đình đều được tiêm vắc xin đúng số lần, đúng ngày tuổi. Ngay khi lấy giống từ lò ấp ra 1 ngày phải tiêm vắc xin luôn, sau đó nhỏ vắc xin và tiêm nhắc lại định kỳ, đúng chủng loại, đặc biệt không bỏ sót một cá thể nào trong đàn.

Đồng thời, thường xuyên vệ sinh chuồng trại 1 tuần/lần. Nhờ tuân thủ đúng nguyên tắc này nên từ khi bắt đầu phát triển chăn nuôi năm 2007 đến nay, trang trại của gia đình anh đều không bị thiệt hại về dịch bệnh. Anh Tính cho biết: Mặc dù người chăn nuôi thời điểm này đang gặp nhiều khó khăn, giá đầu ra xuống thấp trong khi chi phí đầu vào từ con giống đến thức ăn, vắc xin đều cao (chỉ tính chi phí đầu tư phòng dịch cũng khoảng 6.000 đồng/con) nhưng nếu lơ là, chủ quan thì sẽ mất trắng khi dịch xảy ra. Vì vậy, dù biết không có lãi nhưng gia đình anh Tính vẫn tập trung phòng chống dịch bệnh.

Dẫn chúng tôi đi thăm một số trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm của địa phương, anh Nguyễn Công Kiên – Trưởng ban thú y xã Quỳnh Lâm cho biết: Là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn của huyện với trung bình 740 con trâu bò, 2.160 con lợn và khoảng 140.800 con gà, thời gian qua, công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi luôn được cấp ủy, chính quyền và người dân trong xã chú trọng. Ban Thú y đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, các thôn tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về tầm quan trọng của công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; hướng dẫn các hộ chăn nuôi tiến hành các biện pháp như: quét dọn, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ; thường xuyên rắc vôi bột, phun hóa chất khu vực chăn nuôi; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi theo quy định. Hệ thống loa truyền thanh xã hàng ngày đều tuyên truyền về các biểu hiện của bệnh LMLM, cúm gia cầm và các biện pháp phòng trị để các hộ chăn nuôi chủ động nắm bắt và áp dụng. Tại các bến đò trên địa bàn xã, cán bộ thú y thôn, xã đều cử người chốt.

Cũng theo anh Kiên, trung bình mỗi tháng, thú y xã chặên được từ 6-7 xe gà giống Trung Quốc nhập lậu không cho vào địa phương. Cũng tại bến đò Quỳnh Lâm, tháng 3 vừa qua, Đội kiểm dịch lưu động đã phát hiện và bắt 4 xe vận chuyển trên 4.000 con gà giống một ngày tuổi từ Hải Dương sang Thái Bình tiêu thụ. Toàn bộ lượng gà giống này là gà giống Trung Quốc nhập lậu và đã được cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy theo đúng quy định, góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Tuy nhiên, thực tế thì ngoài những hộ chăn nuôi quy mô từ vài chục con gia súc, vài trăm con gia cầm luôn chú trọng đến công tác phòng chống dịch bệnh, phần lớn người dân nuôi nhỏ lẻ vẫn chủ quan với dịch bệnh. Trong đợt tiêm phòng vụ xuân hè cho đàn gia súc, gia cầm vừa qua, Quỳnh Lâm là xã có tỷ lệ tiêm phòng thấp nhất huyện, chỉ đạt 65,86%, trong khi bình quân chung của huyện là 86%. Do đó, ngoài sự vào cuộc của chính quyền địa phương, mỗi người chăn nuôi, mỗi hộ gia đình cần nâng cao nhận thức, chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, tích cực phối hợp với ngành chức năng để theo dõi, phát hiện và xử lý khi có dịch bệnh xảy ra.

Bài, ảnh: Minh Nguyệt

  • Từ khóa