Chủ nhật, 28/07/2024, 21:16[GMT+7]

Song An Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa

Thứ 5, 23/05/2013 | 10:14:28
938 lượt xem
Trong khi nhiều địa phương ở huyện Vũ Thư còn đang loay hoay tìm đầu ra tiêu thụ nông sản thì xã Song An đã xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa hàng hóa tập trung, tiêu thụ nông sản cho nông dân từ nhiều năm nay. Để sản phẩm của nông dân làm ra tiêu thụ thuận lợi, Đảng bộ và chính quyền Song An xác định phải quy vùng sản xuất hàng hóa, thâm canh một giống cây trồng chất lượng, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Công ty An Đình (Hà Nội) thu mua thóc của nông dân xã Song An (Vũ Thư)

Nhằm đạt mục tiêu đề ra, Song An xây dựng giải pháp quy hoạch 3 vùng thâm canh cây trồng tập trung tại các thôn Gián Nghị, Tân Minh, Tân An, Kiều Thần. Với mô hình này, người nông dân thực sự được hưởng lợi nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp. Sở Nông nghiệp & PTNT Thái Bình cùng Công ty An Đình (Hà Nội) đã phối hợp tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân và lựa chọn giống lúa phù hợp với chân đất địa phương, bảo đảm cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon.

Theo đó, vùng dự án được đưa giống lúa Nhật Koshi vào canh tác từ năm 2009. Đây là giống cực ngắn ngày (dưới 100 ngày), có thể cấy cả 2 vụ/năm, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt như rầy nâu, bạc lá... Ngoài ra, giống lúa Nhật còn có ưu điểm vượt trội là ở nhiệt độ thấp 15-16oC không ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển; năng suất 180-220 kg/sào, gạo ngon đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Không chỉ đạt hiệu quả cao về kinh tế, được doanh nghiệp thu mua tận nơi, đầu ra ổn định, không sợ tư thương ép giá, quan trọng hơn, cây lúa Nhật giúp Song An giải bài toán thời vụ, chủ động quỹ đất trồng dưa lê hè. Từ đó, nông dân hưởng ứng mở rộng diện tích, năm 2010 đạt 100 ha, năm 2011 gieo cấy 120 ha và vụ xuân 2013 đạt 140 ha.

Qua trao đổi, Chủ nhiệm HTX DVNN - Trương Nhất Chiến cho biết: Đến nay, Song An đã thu hoạch xong trên 140 ha lúa Nhật Koshi, chiếm gần 50% diện tích lúa xuân. Ngay khi thu hoạch, nông dân bán thóc tươi cho Công ty An Đình (Hà Nội), giá thu mua 6.200 đồng/kg, trung bình đạt 1,2 - 1,3 triệu đồng/sào. So với các giống lúa khác, lợi nhuận cao hơn do chi phí thấp, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vì lúa trỗ vào thời điểm ít sâu bệnh, giảm công phơi lúa. Để việc tiêu thụ nông sản thuận lợi, các doanh nghiệp cần hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ KHKT để nâng cao chất lượng nông sản, cung cấp thông tin về thị trường để người nông dân lựa chọn sản xuất cái gì và sản xuất như thế nào cho hiệu quả.           

Chủ nhiệm Trương Nhất Chiến cho biết thêm: Bài toán về thời vụ đã được Song An khắc phục tạo thuận lợi cho phát triển cây dưa lê hè. Đây là cây trồng chủ lực cho giá trị kinh tế cao, là loại cây dễ trồng, có thời gian sinh trưởng ngắn (chỉ trong vòng hai tháng từ lúc trồng đến khi thu hoạch), trừ chi phí cho lợi nhuận khoảng 60-70 triệu đồng/ha. Ngoài ra, HTX đã liên kết với Công ty Đức Lộc (Hải Dương) bao tiêu sản phẩm dưa chuột cho nông dân. Vụ này, nông dân địa phương gieo trồng 15 ha dưa chuột được Công ty thu mua toàn bộ. Theo hạch toán ban đầu, giá trị đạt 110 triệu đồng/ha.

Chị Nguyễn Thị Hiền, đại diện Công ty An Đình (Hà Nội) cho biết: Việc tiêu thụ nông sản cho nông dân Song An rất thuận lợi. Bà con luôn chấp hành đúng quy trình canh tác cũng như chất lượng nông sản. Vụ xuân 2013, Công ty đã thu mua trên 400 tấn thóc cho nông dân địa phương. Mong rằng thời gian tới, HTX Song An mở rộng vùng thâm canh lúa Nhật, để cung ứng nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Từ thành công trong việc quy vùng sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân, thời gian tới Song An tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Tạo ra nhiều vùng sản xuất hàng hóa, đưa nhiều giống cây trồng phù hợp với đồng đất địa phương. Liên kết với các doanh nghiệp tìm đầu ra sản phẩm, nâng cao giá trị  cho một đơn vị diện tích canh tác.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng

  • Từ khóa