Thứ 2, 23/12/2024, 21:27[GMT+7]

Kiến Xương: Khát vọng phát triển từ những định hướng lớn

Thứ 5, 06/04/2023 | 08:25:14
13,702 lượt xem
Nói đến Kiến Xương là nghĩ về một vùng đất chiêm trũng, khó khăn trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế ở vùng đất này ngày nay cho thấy khát vọng lớn lao của chính quyền và người dân để không ngừng phát triển, xứng với tiềm năng, thế mạnh của mình bằng những hướng đi, giải pháp cụ thể.

Cầu Cam được đầu tư xây dựng góp phần tạo đà cho công nghiệp huyện Kiến Xương phát triển.

Thay đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp

Ông Trần Xuân Lưỡng, thôn Tây Nghĩa, xã Minh Quang là người đầu tiên ở Kiến Xương thực hiện tích tụ ruộng đất. Ông cho biết: Làm nông nghiệp thì ai cũng làm được nhưng mục đích làm kinh tế từ nông nghiệp thì không phải ai cũng nghĩ đến. Vì thế, trước diện tích ruộng đất lớn ở địa phương bị bỏ hoang, năm 2012 tôi tích tụ, cải tạo lại và từ đó đầu tư hệ thống máy móc, máy sấy ngay tại cánh đồng để thuận tiện trong sản xuất.

Đặc biệt, ngay từ khi làm tôi đã thực hiện liên kết sản xuất lúa giống 100% diện tích với các công ty lớn ở Bắc Ninh, Hải Phòng, mỗi vụ tôi xuất khoảng 25 tấn lúa giống với giá 45.000 đồng/kg. Từ diện tích lúc đầu 12,5ha đến nay tôi đã tích tụ lên 15ha, mỗi năm tôi thu lãi hàng trăm triệu đồng từ cấy lúa. Từ cách làm của mình, tôi muốn người dân thay đổi cách nhìn về xu hướng phát triển của nông nghiệp hiện đại, cần xác định lấy thị trường làm định hướng sản xuất, tạo ra thêm dịch vụ, trải nghiệm mới trên chính thửa ruộng của mình; nói cách khác đó chính là thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Do đó, mô hình của tôi phát triển bền vững, tạo động lực cho nhiều hộ dân thực hiện tích tụ ruộng đất lớn, tiến tới hợp tác, chia sẻ và cùng giúp nhau làm giàu.

Không chỉ mô hình của ông Lưỡng mà hiện nay trên địa bàn huyện Kiến Xương không khó để nhắc đến những biệt danh như “điền chủ” hay “đại điền” tích tụ hàng chục đến hàng trăm héc-ta ruộng như chị Trần Thị Lanh, thôn Giáo Nghĩa, xã Bình Minh, anh Nguyễn Duy Phiên, thôn Nam Lâu, xã Thanh Tân. Tất cả những người này đều chung khát vọng làm giàu từ nông nghiệp. Họ làm nông nghiệp không chỉ lấy sản lượng làm mục tiêu mà còn phải tạo ra giá trị gia tăng bằng mối quan hệ hợp tác, tăng cường liên kết, gắn sản xuất, chế biến với thị trường. Những mô hình này ra đời cũng chính là nhằm hiện thực hóa mục tiêu của huyện phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành, cơ cấu sản phẩm gắn với mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Theo báo cáo của huyện Kiến Xương, toàn huyện hiện có 276 tổ chức, cá nhân thực hiện tích tụ từ 1ha trở lên, sản lượng nông sản tiêu thụ qua hợp đồng liên kết của huyện đạt khoảng 15.500 tấn/năm, chiếm trên 7% tổng sản lượng trồng trọt toàn huyện. Cũng từ đó Kiến Xương đã hình thành được HTX tư nhân đầu tiên của tỉnh để hướng tới sản xuất lúa hữu cơ tạo thương hiệu lúa gạo cho huyện. Ngay như ở vụ xuân năm 2023, vùng sản xuất tập trung có liên kết bao tiêu sản phẩm ở Kiến Xương đạt trên 1.212ha, trong đó sản xuất lúa 1.147,6ha, sản xuất cây màu 64,9ha. Đến nay Kiến Xương đã có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao đi vào hoạt động, nhiều mô hình nuôi cá trong ao bán nổi được hình thành, nhiều sản phẩm OCOP trong lĩnh vực nông nghiệp được công nhận. Tất cả những dấu ấn đó đã tạo bức tranh kinh tế nông nghiệp nhiều màu sắc, đưa giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản hàng năm tăng 2,7% trở lên.

Giai đoạn 2020  -  2025, Kiến Xương phấn đấu:
  • Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 10,02%/năm trở lên.
  • Giải quyết việc làm mới bình quân 5.400 lao động/năm.
  • Đến năm 2025, cơ cấu nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 15,8%; công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 84,2%; kim ngạch xuất khẩu đạt 118,42 triệu USD trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 77,38 triệu đồng/người/năm; giảm 1/3 số hộ nghèo trở lên so với năm 2021.

Công nhân làm việc ổn định tại nhà máy Tân Đệ 5, cụm công nghiệp Vũ Ninh (Kiến Xương).

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Tân Đệ là một trong những doanh nghiệp may mặc hàng đầu của Việt Nam có hơn 18.500 lao động làm việc tại 9 nhà máy trên địa bàn tỉnh. Đối với Kiến Xương, Công ty xác định là địa bàn tiềm năng nhất nên năm 2018 đã đặt nhà máy tại cụm công nghiệp (CCN) Vũ Ninh với diện tích hơn 9ha, 84 dây chuyền sản xuất, tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động. Từ đó đến nay, nhà máy đã đóng góp gần 20% vào tổng sản lượng và giá trị sản xuất của công ty. 

Ông Lê Tuấn Thiên, Bí thư Đảng ủy Công ty cho biết: Kiến Xương là huyện có nguồn lao động dồi dào, có hệ thống giao thông kết nối, quỹ đất sạch, bảo đảm an ninh trật tự nên đã thu hút chúng tôi đầu tư về địa bàn. Qua nhiều năm hoạt động tôi thấy đây là vùng đất còn rất nhiều tiềm năng, hệ thống chính trị cũng như các cấp chính quyền địa phương luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Không chỉ là nơi đặt niềm tin của Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Tân Đệ, nhiều doanh nghiệp lớn đã tìm về Kiến Xương để đầu tư như Công ty Cổ phần May xuất khẩu Việt Thái, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đông Đô, Công ty Cổ phần Đầu tư Thiên Sơn Thái Bình... Toàn huyện hiện có 127 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư về lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm cho 16.780 lao động; trong đó, phát triển mạnh nhất là ngành may công nghiệp với 34 doanh nghiệp, 17 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho trên 12.500 lao động. Huyện đã chú trọng quy hoạch mở rộng 8 CCN với tổng diện tích 574ha, trong đó đã thu hút được các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng vào hầu hết các CCN. Đã có 18 nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào các CCN, trong đó 16 nhà đầu tư đã đi vào hoạt động ổn định, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động, 2 nhà đầu tư thứ cấp vốn FDI từ Nhật Bản đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế xây dựng vào CCN Trung Nê. Tổng mức đầu tư đăng ký của các dự án được phê duyệt 2.714 tỷ đồng. Kết quả đó là do Kiến Xương luôn quan tâm cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, không ngừng thu hút các doanh nghiệp đầu tư về địa bàn. 

Cùng với đó, huyện còn phát huy thế mạnh có nhiều làng nghề truyền thống để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch như chạm bạc Đồng Xâm, mắm cáy Hồng Tiến, mây tre đan Thượng Hiền, dệt đũi Nam Cao. Mô hình sản xuất nghề và làng nghề ở địa phương cũng đang từng bước thay đổi sang hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, dịch chuyển dần từ các hộ làm nghề cá thể sang thành lập doanh nghiệp tư nhân để tăng khả năng phát triển, khả năng cạnh tranh trên thị trường. Kết quả đó góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bình quân những năm qua tăng 14,31%/năm.

Chú trọng phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển công nghiệp không chỉ góp phần nâng cao đời sống người dân, tạo đà cho thương mại, dịch vụ phát triển mà còn tạo nguồn lực để Kiến Xương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, tạo liên kết vùng để phát triển kinh tế bền vững.

Sản phẩm thóc sấy khô đóng bao của HTX Sản xuất kinh doanh nông sản Quang Lanh.

Ông Trần Xuân Quảng, Giám đốc dự án CCN Cồn Nhất

CCN Cồn Nhất nằm ở phía Nam huyện Kiến Xương có nguồn lao động dồi dào, có triển vọng về hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, do đó chúng tôi dự kiến đầu tư vào cụm khoảng 321 tỷ đồng. Mục tiêu của chúng tôi sẽ tập trung mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và thu hút các ngành có tiềm năng phát triển tại địa phương như chế biến thủy sản, bảo quản nông, lâm sản, sản xuất đồ uống không cồn, hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, dự kiến sẽ tạo việc làm cho 10.000 lao động.

Chị Trần Thị Lanh, thôn Giáo Nghĩa, xã Bình Minh

Là một trong những người tích tụ ruộng đất lớn nhất ở Kiến Xương với hơn 100ha, tôi đã kêu gọi được nhiều nông dân tích tụ lớn tham gia vào hội đại điền để cùng nhau hỗ trợ máy móc, kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm, liên kết đầu ra sản phẩm hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững. Ngoài ra tôi còn mạnh dạn thành lập HTX Sản xuất kinh doanh nông sản Quang Lanh để hướng tới sản xuất lúa hữu cơ, tạo thương hiệu, đưa sản phẩm gạo đóng túi ra thị trường trong thời gian tới.


Thu Thủy