Chủ nhật, 28/07/2024, 21:18[GMT+7]

Phòng chống lũ bão ở Thành phố Thái Bình Coi trọng công tác chuẩn bị

Thứ 2, 27/05/2013 | 08:41:06
795 lượt xem
“Phải chủ động chuẩn bị sớm và đầy đủ mọi mặt cho công tác phòng chống lụt bão, chống mọi biểu hiện chủ quan, lơ là, mất cảnh giác” là phương châm Thành phố Thái Bình đề ra trong công tác phòng chống lũ bão (PCLB) năm 2013. Với sự chỉ đạo sâu sát, triển khai kịp thời đến các cấp, các ngành, đến nay, mọi công tác chuẩn bị ứng phó với lũ, bão của Thành phố cơ bản đã sẵn sàng.

Tuyến đê Trà Lý thuộc địa bàn Thành phố Thái Bình được đầu tư tu bổ kiên cố. Ảnh: MINH ĐỨC

Thành phố Thái Bình có tổng chiều dài tuyến đê 21,9 km, trong đó mặt đê bê tông 11 km, mặt đê đá cấp phối và láng nhựa 10,9 km. Ông Trần Vũ Lãm, Trưởng phòng Kinh tế Thành phố cho biết: Trước khi bước vào mùa lũ bão, Thành phố Thái Bình đã tổ chức đánh giá hiện trạng các công trình đê điều, từ đó xây dựng các phương án bảo vệ an toàn công trình đê điều trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Qua kiểm tra, đánh giá, tuyến đê Trà Lý đi qua địa phận Thành phố Thái Bình có 6 km mặt đê bê tông bị phá vỡ kết cấu, đối với mặt đê đá cấp phối và láng nhựa chất lượng kém.

Bên cạnh đó, một số kè đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được xử lý như: kè Nhân Thanh (xã Tân Bình), do ảnh hưởng của cơn bão số 8 năm 2012 nên từ Km22+400 đến Km22+500 phần bãi đầu kè bị sạt lở sâu vào bãi từ 4 - 5 m, tụt xuống từ 0,5 - 1 m, chỗ sát chân đê nhất là 4 m; kè Vũ Đông 1, từ Km29+450 đến Km30+700 và kè Vũ Đông 2, từ Km32+450 đến Km33+100. Các công trình đê điều không chỉ xuống cấp mà tình trạng vi phạm Luật Đê điều ở Thành phố Thái Bình cũng rất phổ biến. Những năm gần đây, do nhu cầu sử dụng vật liệu trên địa bàn Thành phố rất lớn nên hiện tượng xe vận chuyển vật liệu quá tải đi trên đê xảy ra thường xuyên. Bên cạnh đó, tình trạng trồng rau màu ở mái đê và cơ đê vẫn còn tái phạm ở phường Kỳ Bá, Trần Lãm, Hoàng Diệu, xã Đông Hòa và Đông Thọ; việc đổ rác thải và phế liệu ra mái đê ở phường Tiền Phong, Lê Hồng Phong, Hoàng Diệu, xã Vũ Đông, Vũ Lạc và Đông Hòa vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Ngay sau khi khảo sát thực trạng các công trình đê điều, trong điều kiện nguồn vốn còn khó khăn nên Thành phố chỉ xây dựng phương án xử lý khẩn cấp các trọng điểm xung yếu. Đồng thời giao chỉ tiêu chuẩn bị và đóng góp vật tư PCLB cho các địa phương với tổng số 18.000 m3 đất, 30.000 cây tre đánh dấu, 57.000 bao tải, 20.000 bó rào, 19.000 m2 bạt, 380 xe thồ và xích lô, 38 xe tải nhẹ từ 3 - 5 tấn, 24 chiếc thuyền, 19 máy phát điện và 31 loa cầm tay.

Ngoài ra, mỗi xã, phường có đê ở Thành phố phải thành lập đội canh gác gồm 12 người/điếm, đội cừ sách từ 40 đến 60 người, đội xung kích từ 100 đến 150 người, đội giao thông hỏa tốc gồm 5 người, đội tiếp vận từ 80 đến 120 người và đội y tế gồm 5 người. Với các xã, phường không có đê, Thành phố chỉ đạo thành lập đội tiếp vận từ 80 đến 100 người, đội xung kích từ 100 đến 120 người và đội giao thông hỏa tốc gồm 5 người sẵn sàng ứng cứu khi có lũ, bão xảy ra. Cùng với công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện, Thành phố còn thành lập Ban chỉ huy PCLB gồm 49 người do đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố làm trưởng ban, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, thành lập các tiểu ban: tiền phương, hậu phương, tìm kiếm cứu nạn và phụ trách các xã, phường, các tuyến đê.

Ngoài ra, để công tác PCLB đạt hiệu quả cao hơn, Thành phố còn cấp kinh phí hỗ trợ PCLB cho các xã, phường có đê. Cụ thể, đối với công tác tuần tra, canh gác đê trả 50 nghìn đồng/người (ban ngày) và trả 100 nghìn đồng/người (ban đêm); phụ cấp trách nhiệm điếm trưởng 300 nghìn đồng/điếm trưởng/năm; công vệ sinh, quét vôi, kẻ vẽ khẩu hiệu tuyên truyền tại điếm gác nước 500 nghìn đồng/điếm; mua vật tư cho các điếm (chăn, màn, đèn pin, điện thắp sáng, nước sinh hoạt...) phục vụ canh coi 500 nghìn đồng/điếm/năm; công cắm và thu tre vè theo dõi đê kè xung yếu 2 nghìn đồng/cây; công phát quang, vệ sinh đê 2,5 triệu đồng/km/năm; phụ cấp 30 nghìn đồng/người/ngày tham gia tập huấn PCLB tại các xã, phường có đê (không quá 70 người).

Thời gian tới, Thành phố sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra công tác PCLB tại các địa phương; tập huấn công tác PCLB cho các xã, phường có đê; đồng thời tăng cường tổ chức các đợt tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về Luật Đê điều và các văn bản có liên quan đến đê điều để cán bộ và nhân dân hiểu được tầm quan trọng từ đó tự giác thực hiện.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Đê điều như: Công an Thành phố thường xuyên kiểm tra việc xe quá tải (trên 10 tấn) lưu hành trên đê, đặc biệt là các xe tải chở vật liệu xây dựng đi trên đê thuộc phường Tiền Phong, Bồ Xuyên, Hoàng Diệu, xã Vũ Lạc... Đối với các địa phương có đê, thực hiện tu sửa mặt đê, phát quang chân cơ đê, vệ sinh các điếm gác nước, xử lý tổ mối xong trước ngày 30/6/2013, đồng thời giải quyết dứt điểm các vụ việc vi phạm còn tồn đọng từ những năm trước.

             Minh Hương

  • Từ khóa