Thứ 6, 22/11/2024, 11:00[GMT+7]

OCOP gắn với “câu chuyện sản phẩm”

Thứ 3, 11/04/2023 | 08:28:01
10,490 lượt xem
“Câu chuyện sản phẩm” (CCSP) là một trong những tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Tuy chỉ chiếm 10/100 điểm trong thang điểm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nhưng việc xây dựng CCSP thú vị, hấp dẫn góp phần quan trọng nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP.

Gạo sạch Thái Bình 3T được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2021.

Sức mạnh mềm - đòn bẩy tiêu thụ sản phẩm

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là giải pháp quan trọng trong phát triển sản phẩm, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các tổ chức kinh tế tập thể và tư nhân thực hiện. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm OCOP nhằm tạo giá trị bền vững và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường tại địa phương là chuyển tải những giá trị nhân văn vào sản phẩm OCOP, xây dựng CCSP thú vị, tạo “sức mạnh mềm” thành đòn bẩy tiêu thụ sản phẩm. CCSP là thông điệp mà chủ thể OCOP muốn truyền tải đến cộng đồng, người tiêu dùng nhằm thay đổi cảm xúc của họ khi mua sắm sản phẩm, dịch vụ, tạo nên thương hiệu. Nó mang giá trị vô hình nhưng có thể chạm đến cảm xúc và trái tim của người tiêu dùng, thay đổi hành vi của khách hàng. Từng CCSP OCOP chứa đựng niềm tự hào, dấu ấn, giá trị truyền thống của mỗi vùng đất.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp đơn vị tư vấn, UBND các huyện, thành phố hỗ trợ chủ thể lựa chọn sản phẩm tiềm năng đăng ký tham gia chương trình, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, chuẩn hóa sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng. Đơn vị tư vấn luôn quan tâm, hướng dẫn chủ thể cách xây dựng CCSP hấp dẫn, ý nghĩa, gần gũi, mộc mạc nhưng thể hiện được sự tinh túy, cầu kỳ trong sản xuất, chế biến. Từng câu chuyện ngắn gọn nhưng toát lên được hồn cốt của sản phẩm, toát lên niềm tự hào của người dân đối với mảnh đất mình sinh ra và lớn lên. Tuy nhiên, CCSP phải đúng sự thật, được cơ quan có thẩm quyền kiểm định.

Sản phẩm gạo sạch của Công ty Cổ phần Vi sinh Michiannai có thương hiệu “gạo sạch Thái Bình 3T”. Đây là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh... và có mặt ở các siêu thị lớn với sản lượng đạt trên 200 tấn/năm, qua đó giúp nhiều lao động địa phương có việc làm và thu nhập ổn định. Để viết lên CCSP ý nghĩa, chủ thể sản phẩm đã khéo léo dẫn dắt khách hàng đến với Thái Bình qua hình ảnh “quê hương 5 tấn” để từ đó bộc bạch tâm ý của mình đối với quê hương, đặc biệt là hạt gạo. Cái tên 3T và câu chuyện đằng sau tạo nên sự tò mò, khác biệt và cuốn hút mọi người. 

Anh Tô Đình Triều, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vi sinh Michiannai cho biết: Từ tình cảm quê hương, từ những suy nghĩ hết sức ý nghĩa và nhân văn đối với mảnh đất Thái Bình, chúng tôi mong muốn đưa khoa học kỹ thuật vi sinh xuống đồng ruộng, đưa những giống lúa có giá trị kinh tế cao, xây dựng chuỗi tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao kỹ thuật trồng lúa vi sinh, hữu cơ thay thế hoàn toàn cho chăm bón bằng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Thực hiện được công việc này tạo ra cho vùng đồng quê môi trường trong sạch, cho các thủy sinh phát triển trở lại, đồng ruộng được thêm màu mỡ, không còn các chất độc hại trong đất, nước, không khí, không những cho hiện tại mà còn cho cả thế hệ tương lai. Để xây dựng tên và thương hiệu riêng mang đặc trưng vùng miền Thái Bình, qua nhiều lần điều chỉnh, thay đổi và đi đến quyết định đặt tên cho sản phẩm gạo do Công ty sản xuất là “gạo sạch Thái Bình 3T”. 3T ý nghĩa rất quan trọng, là 3 chữ cái viết tắt từ xã Tây Lương (nơi đầu tiên trồng) - huyện Tiền Hải - tỉnh Thái Bình. 3T vừa là niềm tự hào về quê hương vừa nói lên mong mỏi xây dựng thương hiệu gạo sạch Thái Bình.

Bánh cáy Thiên Đức được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh từ năm 2020. Đây là một trong số những sản phẩm xây dựng được thương hiệu riêng gắn với câu chuyện sản phẩm đặc sắc. 

Anh Trần Văn Đông, cơ sở chế biến thực phẩm bánh kẹo Thiên Đức, xã Nguyên Xá (Đông Hưng) chia sẻ: Cần chuyển tải được giá trị nhân văn vào sản phẩm OCOP, đưa cốt lõi, tinh túy của tri thức, hiểu biết về văn hóa, đời sống vào trong sản phẩm, chuyển tải giá trị vô hình thành một sản phẩm hữu hình. OCOP chính là “báu vật” của từng làng quê. Mỗi sản phẩm có thể có quy mô không lớn nhưng lại độc đáo, thấm đẫm giá trị văn hóa, thổ nhưỡng, kỹ năng của người làm ra. Đây chính là then chốt để sản phẩm OCOP có lợi thế khi cạnh tranh trên thị trường.

Vùng trồng rau xà lách xoăn - sản phẩm OCOP 3 sao của HTX SXKD nông nghiệp xanh xã Trung An (Vũ Thư).

Khắc phục tình trạng “mặc đồng phục” cho sản phẩm

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc hệ thống văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp năm 2023 vào giữa tháng 2 vừa qua tại Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: Mỗi địa phương sẽ có những cách thức riêng biệt để kể câu chuyện riêng của mình, tránh bị rập khuôn, mặc đồng phục, thể hiện từ khẩu hiệu, thông điệp. Đây chính là không gian sáng tạo cho chương trình OCOP. Có thể nhiều địa phương có cùng một sản phẩm nhưng mỗi nơi có một câu chuyện khác nhau. Chương trình OCOP phải tạo ra không gian kinh tế nông thôn, tạo ra nhiều việc làm cho người dân nông thôn. Phải tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn nữa.

Năm 2022, Thái Bình công nhận thêm 48 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh đến nay đạt 112. Tuy số lượng sản phẩm chưa nhiều nhưng cùng một sản phẩm/nhóm sản phẩm (lạc, gạo, nước mắm) có nhiều chủ thể khác nhau. Chất lượng, mẫu mã, tên gọi na ná và có sự tương đồng khá cao vì thế làm giảm đi tính cạnh tranh của sản phẩm. CCSP mới chỉ dừng lại ở việc nêu xuất xứ, nguồn gốc, quy trình/công nghệ sản xuất... chưa tạo được sức hấp dẫn cho sản phẩm. Chia sẻ về tồn tại này, nhiều chủ thể cho biết nguyên nhân là do thiếu kinh nghiệm, không đủ khả năng diễn đạt, vận dụng, lồng ghép các yếu tố văn hóa, sứ mệnh sản phẩm, lịch sử vùng đất... Bên cạnh đó, các chủ thể hầu hết là các hộ sản xuất nhỏ lẻ, HTX, doanh nghiệp nhỏ, khó có thể cạnh tranh với các đơn vị sản xuất quy mô lớn, cũng không đầu tư nhiều kinh phí cho hoạt động thương mại, quảng cáo. Do đó, OCOP phải khai thác tiếp cận thị trường theo một cách khác, đó là dựa vào chính sự đặc sắc có tính bản địa của sản phẩm. CCSP chính là công cụ hiệu quả để thực hiện truyền thông, quảng bá cho OCOP.

Sản phẩm măng tây của HTX nông nghiệp hữu cơ Quỳnh Phụ được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021.

“Để xây dựng CCSP phải xuất phát từ chính niềm tự hào của người dân, của cộng đồng về sản phẩm đó. Do vậy, thời gian tới cần chú trọng công tác tuyên truyền, mục tiêu để khơi gợi niềm tự hào của chủ thể, cộng đồng địa phương từ đó có giải pháp bảo tồn, phát triển sản phẩm. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh đào tạo tập huấn nâng cao năng lực, xây dựng các bộ bài giảng cho nhóm đối tượng, nhóm sản phẩm, từng khâu trong chuỗi giá trị OCOP. Tiếp tục tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại là giải pháp đặc biệt quan trọng giúp cho sản phẩm OCOP tồn tại, phát triển” - ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

“Cần quan tâm “câu chuyện sản phẩm trong OCOP, nếu không biết tạo ra sự khác biệt để tăng giá trị, đồng nghĩa với việc tự đào thải chính mình”.
Đồng chí Lê Minh Hoan,
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn


Ngân Huyền