Chủ nhật, 28/07/2024, 21:28[GMT+7]

Thành phố Thái Bình Phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm

Thứ 3, 28/05/2013 | 09:35:43
1,061 lượt xem
Nhằm nâng cao giá trị sản xuất cho lĩnh vực chăn nuôi, một trong những giải pháp luôn được Thành phố Thái Bình chú trọng đó là chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Nhờ thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, năm 2012, giá trị sản xuất chăn nuôi của Thành phố đạt 69,14 tỷ đồng, chiếm 29,66% giá trị sản xuất nông nghiệp.

Nhờ thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, đàn lợn ở trang trại bác Hà Văn Ổn (thôn Quang Trung, xã Đông Thọ) bảo đảm an toàn vệ sinh phòng bệnh.

Cùng đồng chí cán bộ xã, chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi của bác Hà Văn Ổn ở thôn Quang Trung, xã Đông Thọ. Để bảo đảm cho đàn gia súc, gia cầm của trang trại phát triển tốt, hàng năm, bác Ổn luôn coi trọng công tác phòng bệnh bằng nhiều biện pháp như tiêm vắc xin, vệ sinh sạch sẽ khu vực chăn nuôi... Với kinh nghiệm tích lũy được trong nhiều năm chăn nuôi, bác Ổn chia sẻ: “Đã chăn nuôi là phải tiêm phòng, bởi đó chính là yếu tố không nhỏ góp phần bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, gia cầm, giảm tỷ lệ rủi ro, đồng thời quyết định đến thắng lợi của người chăn nuôi”.

Không chỉ tham gia thường xuyên các đợt tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm, gia đình bác Ổn còn chủ động mua thuốc tiêm phòng bổ sung để bảo đảm sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Chính vì thế, mặc dù chăn nuôi quy mô lớn với hàng trăm con lợn, hơn 1.000 con gà nhưng trang trại của gia đình bác Ổn không xuất hiện dịch bệnh, mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Ông Bùi Quang Hùng, Trạm trưởng Trạm Thú y Thành phố Thái Bình cho biết: Hiện nay, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố có khoảng 200.000 con, trong đó đàn lợn có gần 25.000 con, đàn trâu bò hơn 600 con, đàn gia cầm hơn 170.000 con. Để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, từ đầu năm đến nay, Trạm Thú y Thành phố đã tổ chức phát động tháng hành động vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, đường làng ngõ xóm, các ổ dịch cũ, các xã có nguy cơ cao và các hộ chăn nuôi quy mô lớn. Cùng với 408 kg hóa chất Bencocid được cấp phát từ nguồn dự trữ phòng chống dịch của Thành phố, các xã, phường còn trích ngân sách và huy động kinh phí mua thêm 11.650 kg vôi bột, đồng thời tổ chức các đội vệ sinh, phun thuốc khử trùng. Với lượng hóa chất được cấp phát, toàn Thành phố đã tổ chức phun được 911.000 m2 chuồng trại và các nơi có nguy cơ cao, tập trung ở các xã Tân Bình (80.000 m2), Vũ Phúc (82.000 m2), Vũ Lạc (80.000 m2), Vũ Đông (82.500 m2), Đông Hòa (81.500 m2).

Cùng với việc thực hiện tốt vệ sinh môi trường, công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm luôn được Thành phố chú trọng. Ngay từ đầu năm, Thành phố đã triển khai tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân hè tới các xã, phường. Sau ba tháng triển khai, đến ngày 31/3, toàn Thành phố đã tiêm 47.213 liều vắc xin, trong đó các bệnh đỏ 37.247 lượt con, lở mồm long móng 6.375 lượt con, tụ huyết trùng 200 lượt con và bệnh dại 3.391 lượt con. Các địa phương có tỷ lệ tiêm phòng cao như: Vũ Phúc, Vũ Chính, Đông Hòa và Trần Lãm. Không chỉ thực hiện tốt công tác phòng bệnh, công tác chống dịch cũng được Thành phố chủ động thực hiện nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Từ ngày 18 - 27/4/2013, dịch bệnh tai xanh đã xảy ra ở 23 hộ chăn nuôi lợn thuộc 7 thôn của xã Phú Xuân với tổng số lợn ốm 138 con (17 lợn nái, 99 lợn thịt và 22 lợn sữa) trong tổng đàn 193 con, trong đó số lợn ốm chết phải tiêu hủy 19 con (2 lợn nái, 8 lợn thịt và 9 lợn sữa) với tổng trọng lượng 674 kg. Trước tình hình đó, cùng với việc khoanh vùng, lập các chốt kiểm dịch kiểm soát ngăn chặn việc vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào vùng dịch, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố còn cấp phát 132 kg hóa chất Bencocid hỗ trợ địa phương thực hiện công tác dập dịch, đồng thời cử cán bộ theo dõi, giám sát và đưa xuống 2.360 liều vắc xin tai xanh tiêm trực tiếp cho toàn bộ số lợn hiện có. Với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của các cấp, các ngành và địa phương, chỉ sau 10 ngày, trên địa bàn xã Phú Xuân đã không còn phát sinh lợn ốm do mắc bệnh tai xanh, 119 con lợn còn lại đã được điều trị khỏi bệnh.

Thời gian tới, Thành phố tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở, trong đó đặc biệt chú ý đến các bệnh tai xanh, lở mồm long móng và cúm gia cầm. Bên cạnh đó, Thành phố cũng duy trì thường xuyên công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, tiếp tục rà soát số gia súc, gia cầm nuôi mới và số còn sót lại sau đợt tiêm đại trà để triển khai tiêm phòng bổ sung, đồng thời tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học.

Bài, ảnh: Minh Hương

  • Từ khóa