Thứ 6, 22/11/2024, 23:11[GMT+7]

Thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu năm 2023

Thứ 3, 18/04/2023 | 16:38:22
12,869 lượt xem
Sáng ngày 18/4, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến khối công thương địa phương nhằm đánh giá tình hình, bàn giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu năm 2023. Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Tại điểm cầu Thái Bình, đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và một số doanh nghiệp tiêu biểu dự hội nghị.

Cục Công Thương địa phương đánh giá, tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu nhanh hơn dự kiến, tổng cầu từ nước ngoài giảm mạnh khiến đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp của cả nước trong quý I giảm; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong bối cảnh chung đó, 48 địa phương có IIP tăng, tiêu biểu như: Tuyên Quang tăng 18,01%, Thái Bình tăng 13,90%, Quảng Trị tăng 13,79%, Hải Phòng tăng 13,12%... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9%; hoạt động xuất nhập khẩu giảm, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 79,17 tỷ USD giảm 11,9%, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 75,1 tỷ USD giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2022. 

Nguyên nhân sụt giảm sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu chủ yếu là giá nguyên liệu đầu vào cao dẫn tới chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng cao; lạm phát và chính sách tiền tệ chưa được nới lỏng, xu hướng thắt chặt chi tiêu ở Mỹ và EU giảm, Trung Quốc mở cửa trở lại tạo áp lực cạnh tranh xuất khẩu. Sức mua trong nước còn yếu chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng; thiếu sự liên kết giữa thị trường nội địa và các ngành sản xuất; các doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào cao…

Dù khó khăn, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu tăng trưởng IIP cả năm 2023 từ khoảng 8 - 9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước tăng khoảng 8 – 9%; tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến tăng 6% so với năm trước.

Đại diện một số sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Bộ và các địa phương cần tập trung tháo gỡ thực chất những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cho các dự án nhất là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bất động sản, dự án trọng điểm để tạo xung lực phát triển kinh tế. Song song với cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, các địa phương cần có cơ chế, chính sách riêng kết hợp với chính sách của trung ương để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Các địa phương và doanh nghiệp chủ động tận dụng tốt các FTA, khai thác các thị trường mới tiềm năng để gia tăng xuất khẩu, đồng thời tổ chức lại sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường.

Khắc Duẩn