Chủ nhật, 24/11/2024, 23:00[GMT+7]

Thái Thụy: Dẫn đầu về sản phẩm OCOP

Thứ 2, 24/04/2023 | 06:54:19
14,490 lượt xem
Sau 3 năm thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hết năm 2022, Thái Bình đã có 112 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn. Riêng huyện Thái Thụy có 33 sản phẩm OCOP xếp hạng tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao, trở thành đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng.

Thành viên HTX SXKD DVNN Thụy An, xã An Tân duy trì diện tích trồng hành từ 140 - 180ha/năm.

Năm 2022, HTX SXKD DVNN Thụy An, xã An Tân có 2 sản phẩm: hành, tỏi được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Bước ngoặt này được kỳ vọng giúp sản phẩm hành, tỏi của địa phương tiêu thụ thuận lợi, ổn định hơn, hạn chế tình trạng được mùa mất giá vẫn thường diễn ra. 

Ông Mai Đức Nhường, Giám đốc HTX SXKD DVNN Thụy An cho biết: Điều kiện thổ nhưỡng của xã An Tân là đất phù sa non pha cát, thềm ruộng cao, thoát nước nhanh nên thuận lợi cho trồng hành, tỏi. Mỗi năm, thành viên của HTX trồng từ 140 - 180ha hành, tỏi. Cùng với kinh nghiệm thâm canh của người dân nên diện tích và năng suất hành, tỏi của An Tân luôn đứng đầu huyện. Để trở thành sản phẩm OCOP, UBND huyện đã hỗ trợ HTX thực hiện các tiêu chí, quảng bá cho sản phẩm. Cùng với đó, HTX luôn chú trọng tuyên truyền, khuyến cáo thành viên thực hiện quy trình canh tác nhằm tạo sản phẩm sạch, an toàn. Được công nhận là sản phẩm OCOP, chúng tôi hy vọng thời gian tới sẽ đẩy mạnh liên doanh, liên kết hướng tới chế biến sâu để nâng cao giá trị cho sản phẩm.

Trên cơ sở kế hoạch thực hiện chương trình OCOP của tỉnh, huyện Thái Thụy đã ban hành đề án, kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2019 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu cụ thể. Thái Thụy cũng chủ động, sáng tạo đưa sản phẩm OCOP thành một tiêu chí trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn huyện. Từ những ngày đầu thực hiện chương trình, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giao nhiệm vụ cho các xã, thị trấn lựa chọn sản phẩm để “nuôi dưỡng” theo các tiêu chí của sản phẩm OCOP. Ngoài công tác tập huấn, huyện đã tổ chức cho lãnh đạo, cán bộ phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn; lãnh đạo các HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất trên địa bàn đi học tập kinh nghiệm, cách thức tổ chức triển khai sản phẩm OCOP.

Ông Lê Nguyên Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết: Ngay từ những ngày đầu triển khai, địa phương xác định rõ tầm quan trọng của chương trình OCOP đối với phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn nên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cho các xã rà soát, nắm bắt các sản phẩm lợi thế. Huyện cũng chú trọng khuyến khích HTX, hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư cải tiến quy trình, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Để khuyến khích các chủ thể tham gia chương trình, huyện đã chủ động, sáng tạo ban hành cơ chế đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách cho phát triển, thực hiện chuẩn hóa sản phẩm OCOP. 

Theo đó khi sản phẩm được hội đồng cấp tỉnh đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên, đối với chủ thể là HTX, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 60 triệu đồng/chủ thể; với chủ thể là cá nhân thì sẽ được hỗ trợ 90 triệu đồng/chủ thể. Cơ chế này được kéo dài đến năm 2025. Do đó đã thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo các chủ thể, HTX, doanh nghiệp đăng ký tham gia. Riêng năm 2022, huyện Thái Thụy có 17 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó chủ yếu là các sản phẩm thực phẩm. Huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn thường xuyên giám sát việc sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, huyện Thái Thụy đã từng bước khắc phục khó khăn, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, các chủ thể sản xuất để xây dựng và phát triển được nhiều sản phẩm OCOP. Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, phát triển sản phẩm mới, rà soát, lựa chọn sản phẩm gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương, ưu tiên các sản phẩm chế biến, chế biến sâu, truyền thống. Huyện Thái Thụy phấn đấu đến năm 2025 có 1 tổ hợp sản xuất và 74 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh.

Thành viên HTX SXKD DVNN Thụy An, xã An Tân duy trì diện tích trồng hành từ 140 - 180ha/năm.

Ngân Huyền