Chủ nhật, 28/07/2024, 21:13[GMT+7]

Thực trạng đê, kè, cống ở Vũ Thư

Thứ 6, 31/05/2013 | 07:44:16
2,112 lượt xem
Vũ Thư hiện quản lý 101 km đê; trong đó có 73 km đê quốc gia, 28 km đê bối dân cư; trên các tuyến đê có 21 kè và 30 cống dưới đê. Do thời gian xây dựng đã lâu, tác động của lũ bão, đặc biệt là ảnh hưởng của bão số 8 năm 2012 nên hệ thống đê, kè, cống ở Vũ Thư bị xuống cấp, thân đê có nhiều ẩn họa gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản của nhân dân nếu không có phương án xử lý kịp thời.

Trạm bơm tiêu úng Tân Phúc Bình (Vũ Thư) dự kiến hoàn thành vào 30/6/2013.

Qua kiểm tra khảo sát, Vũ Thư có trọng điểm xung yếu I là đê - kè Hướng Điền (xã Việt Hùng); 8 điểm xung yếu khác gồm cống An Điện, đê Phú Chử, Vũ Tiến, Thái Hạc, Đồng Đại - Cự Lâm, kè Súy Hãng, kè Tân Thành 3.  Nhân dân các xã ven đê nhìn chung chấp hành tốt Luật Đê điều song vẫn còn tình trạng một số người cố tình xây dựng nhà cửa, hàng quán vi phạm hành lang bảo vệ đê; mở bến bãi, chất tải vật liệu lên đỉnh kè, mái, cơ đê; xe cơ giới có tải trọng lớn đi lại gây hư hại mặt đê; hiện tượng đổ rác thải vẫn diễn ra. Ngoài ra, các tàu thuyền hút cát ở lòng sông đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự an toàn của công trình đê, kè.

Để chủ động, sẵn sàng đối phó với lũ cao, bão to, mưa lớn, huyện Vũ Thư tập trung nhân lực, vật lực xử lý các điểm xung yếu trước mùa mưa bão, như dự án xử lý khẩn cấp kè Tân Thành 3, đoạn từ K17+400 đến K17+650 thuộc địa phận xã Phúc Thành, có tổng vốn đầu tư trên 4,3 tỷ đồng từ nguồn vốn khắc phục hậu quả bão số 8 của tỉnh, công trình được khởi công từ tháng 3/2013, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 5/2013; trạm bơm tiêu úng Tân Phúc Bình được thiết kế 11 máy, tổng công suất 25 nghìn m3/giờ, dự toán đầu tư 12 tỷ đồng để bảo đảm tiến độ hàng ngày trên công trường có 30-50 công nhân làm việc cùng các phương tiện máy móc hiện đại dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của các kỹ sư, hiện nay đã hoàn thành phần chìm, phần mái, bể xả, khi hoàn thành bảo đảm tiêu úng cho 813 ha đất nông nghiệp của ba xã Tân Hòa, Phúc Thành, Tân Phong.

Ngoài ra, các tuyến đê Vũ Tiến, Thái Hạc, Duy Nhất, kè Tân Thành I, trạm bơm Bách Thuận, Phù Xa đã được tu bổ trong năm 2012 bảo đảm yêu cầu an toàn trong mùa mưa bão. Cùng với việc tập trung nâng cấp các công trình, huyện chỉ đạo các xã nghiêm cấm việc bốc dỡ, chất tải vật liệu lên đỉnh kè, cơ đê; cấm các tàu thuyền neo đậu sát kè, cống. Lũ báo động 3, cấm các phương tiện vận tải cơ giới đi trên đê, trừ xe hộ đê và xe kiểm tra đê. Từ 15/5 – 30/10, ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp đều duy trì chế độ thường trực 24/24 giờ. Tổ chức tập huấn những kỹ năng cơ bản xử lý giờ đầu sự cố đê, kè, cống thường gặp trong mùa lũ bão như thấm ướt, thẩm lậu mái đê phía đồng; lỗ rò mái đê, sạt lở mái đê phía sông do sóng, do dòng chảy; cách hoành triệt hạ lưu cống bị xói sâu, bị mạch sủi, lỗ phụt; sủi đùn bùn cát ở ruộng, ao hồ, thùng đấu; tấm phai, cánh cửa cống bị kênh, gãy...

Năm nay, các phương án về huy động nhân lực, phương tiện, hậu cần, chỉ huy, cứu hộ, cứu nạn và phương án phòng chống úng nội đồng được phân cấp cụ thể giữa cấp huyện và cấp xã, từng phần việc cho các phòng ban chuyên môn, gắn với từng cá nhân phụ trách cụm. Tiến hành kiểm tra, thống kê các loại vật tư dự trữ phòng chống lụt bão hiện có ở từng điểm, từng tuyến đê như: đá hộc, đá dăm, cát, vải lọc, rọ thép, bao bì. Ngoài ra còn kiểm tra, đôn đốc các địa phương lập phương án chuẩn bị vật tư, nhân lực ở các điểm xung yếu; chủ động các phương tiện giao thông đường bộ, thủy, vật tư, nhân lực phục vụ công tác cứu người và tài sản khi có tình huống xấu xảy ra.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng

  • Từ khóa