Thứ 2, 23/12/2024, 21:17[GMT+7]

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Thụy Thanh dự kiến cho năng suất đạt 56,96 tạ/ha

Thứ 6, 19/05/2023 | 15:31:24
13,312 lượt xem
Thực hiện chương trình khuyến nông giai đoạn 2021 - 2025, sáng ngày 19/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sơ kết mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Thụy Thanh (Thái Thụy).

Thái Bình từng bước xây dựng thương hiệu gạo an toàn, chất lượng, nâng giá thành sản phẩm, xây dựng mã số vùng trồng phục vụ cho xuất khẩu.

Hiện nay, tại tỉnh Thái Bình mới có khoảng hơn 200ha sản xuất hữu cơ, chủ yếu ở các vùng nuôi rươi, nuôi cáy. Để thực hiện đề án xây dựng và phát triển thương hiệu lúa gạo tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030 phấn đấu diện tích lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn hữu cơ 500ha, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thái Bình xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Thụy Thanh (Thái Thụy), thực hiện trong 3 năm (2022 - 2024) với tổng diện tích là 11ha; lựa chọn giống lúa Nhật Koji (năm 2022); giống lúa Hương cốm 4 (vụ xuân 2023) để gieo cấy bằng phương thức mạ khay, máy cấy và sử dụng phân bón hữu cơ sinh học, phân hữu cơ Nano vào chăm sóc. Hiện nay, lúa xuân đã chín 90% và chuẩn bị cho thu hoạch. 

Qua tham quan thực tế và đánh giá trên cánh đồng, dự kiến trong vụ xuân 2023, năng suất lúa đạt trung bình khoảng 56,96 tạ/ha. 

Các đại biểu thăm mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Thụy Thanh.

Qua thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Thụy Thanh cho thấy, tại tỉnh Thái Bình có đủ điều kiện thuận lợi như: thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn lao động... để sản xuất lúa hữu cơ. Qua đó, tạo được vùng sản xuất tập trung theo quy mô hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu gạo an toàn, chất lượng, nâng giá thành sản phẩm, xây dựng mã số vùng trồng phục vụ cho xuất khẩu và cần được nhân rộng. 

Thanh Thủy