Phát huy vai trò trụ cột trong phát triển kinh tế
Hình thành nhiều sản phẩm đặc trưng
Phát huy thế mạnh của mình, nhiều địa phương trong huyện Kiến Xương đã xây dựng các sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng vùng miền đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nổi bật như mô hình trồng lúa hướng hữu cơ kết hợp khai thác và phát triển nguồn lợi cáy tự nhiên ở xã Bình Thanh. Mô hình được thực hiện tại cánh đồng Cửa Lầu, thôn Đa Cốc với quy mô trên 12ha hướng đến mục tiêu sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nâng cao giá trị nhãn hiệu tập thể gạo chợ Gốc, xây dựng nhãn hiệu mắm cáy chợ Gốc.
Ông Đặng Ngọc Quang, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh cho biết: Mô hình được thực hiện từ tháng 6/2022, trong đó HTX sẽ tổ chức thu mua thóc, sấy, xay xát, đóng gói, kinh doanh sản phẩm gạo, tổ chức sản xuất và kinh doanh sản phẩm mắm cáy. HTX đã đưa giống lúa Hạt Ngọc 9 vào sử dụng cùng với phân bón hữu cơ và một số chế phẩm sinh học trong sản xuất cho năng suất đạt từ 1,9 - 2 tạ thóc tươi/sào với giá thu mua cao hơn 800 đồng/kg so với sản xuất thông thường. Cũng từ khi sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sản lượng cáy thu hoạch tại vùng này đã tăng lên từ 5 - 7% so với các năm trước. Đến nay, HTX không chỉ cho ra sản phẩm đóng túi mang tên gạo chợ Gốc mà còn tiếp tục xây dựng nhãn hiệu mắm cáy chợ Gốc từ nguồn cáy tự nhiên khai thác và phát triển ở vùng bãi ven sông Hồng của địa phương sẽ làm phong phú thêm sản phẩm của địa danh chợ Gốc.
Ngoài các sản phẩm mang tên chợ Gốc, Kiến Xương còn xây dựng thành công mô hình nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo phục vụ thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu ở xã Tây Sơn và xã Hồng Tiến với quy mô 100ha. Mô hình ở Tây Sơn không chỉ nhằm khôi phục, phát triển sản phẩm gạo nếp thơm truyền thống Vũ Tây mà còn tạo ra sản phẩm đặc trưng có sức cạnh tranh trên thị trường. Địa phương sẽ xây dựng quảng bá hình ảnh lúa nếp đặc sản gắn với phát triển du lịch tâm linh qua hoạt động lễ hội đình làng Lại Trì nhằm nâng tầm giá trị gạo nếp truyền thống ven sông Trà Lý. Còn ở xã Hồng Tiến, để sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dần khôi phục lại các nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong ruộng lúa, địa phương đã xây dựng nhãn hiệu tập thể gạo rươi Hồng Tiến nhằm khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh của mảnh đất này. Mô hình được sử dụng giống lúa ST25, hiệu quả kinh tế từ lúa tăng 10 - 15% so với sản xuất thông thường và đã cho ra sản phẩm gạo rươi Hồng Tiến đóng túi bán ra thị trường từ cuối năm 2022.
Mô hình nuôi cá trong ao bán nổi ở xã Vũ Bình (Kiến Xương).
Tăng về quy mô, năng suất và giá trị
Không chỉ trong sản xuất lúa, huyện Kiến Xương còn xuất hiện mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như mô hình trồng dưa trong nhà màng cho hiệu quả gấp 3 - 4 lần phương thức trồng dưa truyền thống, mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp ở các địa phương. Trong chăn nuôi, trên địa bàn huyện Kiến Xương còn xuất hiện nhiều mô hình nuôi thủy sản trong ao bán nổi mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 5 - 14 lần cấy lúa. Vì thế, đã có 10 xã đăng ký quy hoạch phát triển thủy sản trong ao bán nổi với diện tích 460ha. Nổi bật trong lĩnh vực này là xã Vũ Bình, nhiều năm qua địa phương đã chuyển đổi 4,5ha từ cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi cá giống trong ao bán nổi. Nhờ đó không chỉ góp phần giảm diện tích ruộng bỏ hoang mà còn đưa giá trị sản xuất đạt từ 120 - 150 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa, nâng thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 55 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2,86%.
Ông Đinh Công Mấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương cho biết: Những năm qua, sản xuất nông nghiệp ở Kiến Xương đã phát triển theo đúng định hướng và tương đối toàn diện góp phần tăng cả về quy mô, năng suất, sản lượng và giá trị; tốc độ tăng trưởng bình quân trong 2 năm (2021 - 2022) đạt 2,52%, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 2.906,4 tỷ đồng năm 2020 lên 3.062,9 tỷ đồng năm 2023. Cơ cấu các lĩnh vực trong ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực, giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ có nhiều tiến bộ; phương thức sản xuất đã và đang đi vào chiều sâu, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả và được duy trì bền vững. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt tăng dần qua các năm: năm 2021 đạt 131,26 triệu đồng/ha, năm 2022 đạt 131,83 triệu đồng/ha.
Cùng với đó, huyện Kiến Xương còn phát huy thế mạnh có hơn 1.200ha tích tụ ruộng đất, chiếm trên 10% diện tích đất sản xuất nông nghiệp và 2.367ha quy vùng sản xuất hàng hóa để đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất và bao tiêu đầu ra sản phẩm, tạo ra những cánh đồng bội thu cho người dân.
Mô hình nuôi cá trong ao bán nổi của ông Nguyễn Văn Phương, thôn Mộ Đạo 3, xã Vũ Bình.
Thu Thủy
Tin cùng chuyên mục
- Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tổ chức hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc bộ năm 2024 12.11.2024 | 17:31 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc thăm Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng 02.12.2023 | 19:09 PM
- Tập trung thực hiện hiệu quả chương trình đèn điện “Thắp sáng đường quê” và tích tụ, tập trung đất đai 08.11.2023 | 20:14 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Hơn 260 doanh nghiệp huyện Hưng Hà tham gia khảo sát Bộ chỉ số DDCI 15.08.2023 | 16:03 PM
Xem tin theo ngày
- Trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIX năm 2024 cho 36 thanh niên xuất sắc tiêu biểu
- Thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Kết luận số 21-KL/TW
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật
- Diễn đàn thanh niên phát triển kinh tế xanh, bền vững
- Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Thái Bình năm 2024
- Lễ phát động “300 ngày chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam
- UBND tỉnh: Tiếp tục nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng