Chủ nhật, 28/07/2024, 21:16[GMT+7]

Hướng đi mới ở vùng đất thuần nông Vũ Lăng

Thứ 6, 07/06/2013 | 10:49:11
1,167 lượt xem
Những năm gần đây, Vũ Lăng đã có nhiều cố gắng để phá vỡ thế thuần nông, độc canh lúa như mạnh dạn quy hoạch và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ đầu tư xây dựng trang trại, gia trại chăn nuôi và mở rộng diện tích cây vụ đông.

Cán bộ HTX DVNN Vũ Lăng kiểm tra giống lúa ĐS1 tại cánh đồng mẫu.

Tuy khoảng cách đến Thị trấn Tiền Hải chỉ 3 km nhưng Vũ Lăng lại nằm ở phía cuối con đường cụt liên xã lên đê Trà Lý, giao lưu hàng hoá khó khăn làm cho thương mại – dịch vụ khó phát triển. Xã cũng có một số nghề thủ công như làm đèn trời nay không còn phù hợp, nghề làm chiếu trúc cũng đã lỗi thời… Nông dân Vũ Lăng chỉ còn 2 con đường để ổn định đời sống, đó là làm nông nghiệp và hết thời vụ thì đi làm thuê.

 

Sau hơn ba tháng vất vả và lo âu để “trồng cây”, hôm nay bà con nông dân xã Vũ Lăng (Tiền Hải) đã có thể nở nụ cười mãn nguyện vì toàn xã được mùa lớn. Năng suất lúa xuân trà đầu có thể đạt tới 73 – 74 tạ/ha. Niềm vui còn được nhân lên khi toàn bộ diện tích cấy giống ĐS1 để xuất khẩu sang Nhật Bản cũng được mùa, được đơn vị bao tiêu sản phẩm đánh giá cao, sẵn sàng xuống tận ruộng thu mua toàn bộ sản phẩm và tiếp tục ký kết hợp đồng lâu dài với địa phương. Kết quả sản xuất lúa xuất khẩu còn tạo điều kiện để Vũ Lăng chủ động mở rộng quỹ đất, quỹ thời vụ gieo trồng cây vụ đông ưa ấm hàng hóa.

Tuy khoảng cách đến Thị trấn Tiền Hải chỉ 3 km nhưng Vũ Lăng lại nằm ở phía cuối con đường cụt liên xã lên đê Trà Lý, giao lưu hàng hoá khó khăn làm cho thương mại – dịch vụ  khó phát triển. Xã cũng có một số nghề thủ công như làm đèn trời nay không còn phù hợp, nghề làm chiếu trúc cũng đã lỗi thời… Nông dân Vũ Lăng chỉ còn 2 con đường để ổn định đời sống, đó là làm nông nghiệp và hết thời vụ thì đi làm thuê. Từ khi xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu, số lao động làm thuê  lần lượt quay về với ruộng vườn.

Vì vậy, sau nhiều năm phấn đấu nhưng bình quân giá trị sản xuất Vũ Lăng chỉ đạt 13 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo khá cao (6,4%).  Những năm gần đây, Vũ Lăng đã có nhiều cố gắng để phá vỡ thế thuần nông, độc canh lúa như mạnh dạn quy hoạch và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ đầu tư xây dựng trang trại, gia trại chăn nuôi và mở rộng diện tích cây vụ đông. Ở lĩnh vực chăn nuôi và sản xuất vụ đông, Vũ Lăng đã trở thành một trong số xã điển hình, được nhiều đoàn khách của tỉnh và tỉnh ngoài về tham quan, rút kinh nghiệm. Nhiều doanh nghiệp đã tìm về Vũ Lăng để đặt quan hệ đối tác làm ăn lâu dài trên lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có Công ty TNHH An Bình (Hà Nội).

Vụ mùa 2012, Công ty TNHH An Bình đã ký kết hợp đồng gieo cấy giống lúa ĐS1 trên diện tích khảo nghiệm 4 ha. Tuy là vụ đầu tiên, năng suất đạt khá (150 kg/sào). An Bình đã thực hiện đúng cam kết, mua hết số thóc tươi tại ruộng với giá 8.000 đồng/kg. Khi nghe tin Vũ Lăng hoàn thành dồn điền đổi thửa, An Bình nhận thức đó là thời cơ để doanh nghiệp và địa phương mở ra hướng sản xuất lúa hàng hóa xuất khẩu cho nông dân. Diện tích cấy giống ĐS1 vụ xuân 2013 lên tới 58 ha, cấy gọn trong 3 vùng ở các thôn Thường Kiệt, Lê Lợi và Trưng Vương. Vũ Lăng chỉ đạo HTX DVNN ký kết hợp đồng kinh tế với Công ty TNHH An Bình. Việc ký kết sản xuất với hộ xã viên giao Hợp tác xã đảm nhiệm.

Theo hợp đồng, Công ty TNHH An Bình chịu trách nhiệm chuyển giao kỹ thuật, cung ứng đủ số giống ĐS1 chất lượng tốt theo đúng diện tích gieo cấy. Vào vụ thu hoạch, Công ty về cân mua thóc tươi ngay tại ruộng của hộ xã viên, thanh toán qua HTX với giá 5.500 đồng/kg. Đối với hộ sản xuất, HTX DVNN chịu trách nhiệm chuyển giao quy trình kỹ thuật thâm canh tới hộ gia đình. Tập thể hỗ trợ toàn bộ số tiền thóc giống cho xã viên và bảo hiểm năng suất lúa ĐS1 (nếu thấp hơn bình quân năng suất chung thì tập thể sẽ bù cho nông dân, nếu cao hơn xã viên được hưởng). Do công khai đầy đủ, rõ ràng quyền lợi và trách nhiệm đến hộ sản xuất, nên dự án sản xuất lúa xuất khẩu ĐS1 đã được 300 hộ xã viên đăng ký gieo cấy.

Vụ xuân 2013, kể cả các loại giống, trong đó có giống ĐS1 của Vũ Lăng đều trúng mùa lớn. Có 3 nguyên nhân làm nên thắng lợi: sự điều hành sản xuất của tập thể khoa học và sâu sát; hộ xã viên phấn khởi trước kết quả dồn điền đổi thửa, yên tâm sản xuất và đầu tư trên mảnh ruộng khoán trong vùng mẫu lớn nên việc chăm sóc bảo vệ lúa tốt hơn; thời tiết từ đầu vụ xuân đến nay tương đối thuận lợi. Năng suất lúa ĐS1 xuất khẩu theo ước tính ban đầu đạt 74 tạ/ha. Theo đồng chí Chủ tịch UBND xã và Chủ nhiệm HTX DVNN Vũ Lăng thì 4 mặt được khi tham gia sản xuất lúa xuất khẩu cho Công ty TNHH An Bình; tập thể và hộ xã viên không phải lo đầu ra cho sản phẩm.

Từ việc tiếp thu quy trình công nghệ sản xuất lúa ĐS1, HTX và xã viên có thêm kinh nghiệm thâm canh, HTX DVNN có thêm kinh nghiệm điều hành sản xuất – kinh doanh trong cơ chế kinh tế thị trường; HTX có thêm dịch vụ bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, lúa ĐS1 và một số giống lúa xuất khẩu khác đều thuộc dòng cực ngắn ngày, có thể cấy cả ở 2 vụ xuân và mùa, giúp cho xã, HTX chủ động quỹ đất, quỹ thời vụ gieo trồng các loại cây vụ đông ưa ấm để làm hàng hóa, tăng thu nhập cho hộ nông dân.

Thăm cánh đồng “mẫu lớn”, cấy cùng loại giống ĐS1 của thôn Lê Lợi, chúng tôi bị cuốn hút bởi lúa tốt bời bời, hạt thóc mẩy như hạt chanh. Hai ngày nữa là máy gặt đập liên hợp sẽ xuống đồng thu hoạch mà lá lúa còn khá đẹp, xanh vàng như màu lá gừng. Tới thăm hộ ông Lê Đăng Phú, mặc dù nhà chỉ có 2 lao động, nhờ dồn điền đổi thửa mà ông chỉ có hai mảnh ruộng khoán. Ba sào thuộc nhóm đất A, nằm trong vùng cấy lúa ĐS1, năng suất ước đạt trên 274 kg/sào. Gia đình ông Phú sẽ có hơn 1 tấn thóc bán tại ruộng cho Công ty TNHH An Bình.  Ông tâm sự: số tiền bán lúa hàng hoá thu về sẽ trang trải cho các khâu dịch vụ sản xuất vụ xuân, còn lại đầu tư cho sản xuất vụ mùa. Còn 4 sào cấy các giống thuần năng suất cũng đạt khá cao. Ông Lê Đăng Phú cũng đã đăng ký với HTX tiếp tục thâm canh lúa xuất khẩu vào vụ mùa tới.

Vũ Lăng đang tập trung huy động lao động, phương tiện cho thu xuân, làm mùa và chuẩn bị bước đầu cho sản xuất vụ đông 2013. Theo đề án, vụ mùa năm nay Vũ Lăng gieo cấy 307,27 ha, các giống lúa chất lượng cao chiếm 62,6% diện tích (trong đó có 10% giống ĐS1 và HANA cho Công ty TNHH An Bình để xuất khẩu sang Nhật Bản), còn lại là các giống lúa thuần khác.

Từ kết quả sản xuất lúa ĐS1 ở vụ xuân, vụ mùa này Vũ Lăng và An Bình đã ký kết gieo trồng và thu mua sản phẩm với diện tích 60 ha. Đáng chú ý là giá lúa ĐS1 từ 5.500 đồng (vụ xuân) lên 6.000 đồng/kg (vụ mùa); giá lúa HANA 7.000 đồng/kg. Hai giống lúa ĐS1 và HANA là giống lúa cực ngắn ngày, do đó Vũ Lăng có thêm điều kiện thuận lợi mở rộng diện tích vụ đông lên 186,34 ha (chiếm 60,6% diện tích canh tác). Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo HTXDVNN xây dựng cơ chế, chính sách như hỗ trợ toàn bộ tiền giống các cây trồng mới, nhằm kích thích phong trào sản xuất vụ đông và tích cực tìm đối tác cho sản phẩm vụ đông sắp tới.

Bài, ảnh: Phan Lợi

  • Từ khóa