Chủ nhật, 28/07/2024, 21:14[GMT+7]

An Ninh Phát triển kinh tế từ mô hình VAC

Thứ 2, 10/06/2013 | 15:29:18
1,165 lượt xem
Năm 2006, xã An Ninh (Quỳnh Phụ) là một trong 7 xã được tỉnh lựa chọn thí điểm đầu tư xây dựng vùng chăn nuôi tập trung. Sau 8 năm, vùng chăn nuôi tập trung rộng trên 42 ha nằm ven triền sông Hóa đã mang lại hiệu quả rõ rệt, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Nguyễn Văn Tuyên, xã An Ninh.

Phó Chủ tịch UBND xã - Đỗ Văn Namon> cho biết: Phong trào chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn nái ngoại của địa phương phát triển mạnh từ những năm 2000, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều gia đình. Chính vì vậy, năm 2002, xã đã quy hoạch chuyển đổi những diện tích đất úng trũng cấy lúa kém hiệu quả ven sông Hóa cho các hộ dân đấu thầu xây dựng mô hình kinh tế VAC.

Tuy nhiên, thời gian đầu triển khai mô hình, các hộ chăn nuôi đều gặp khó khăn do chưa có kinh nghiệm trong chăn nuôi theo hướng tập trung, hơn nữa xuất phát điểm là một xã thuần nông nên nguồn vốn đầu tư của người dân còn ít, việc vay vốn ngân hàng cũng không mấy thuận lợi vì bà con không đủ tài sản thế chấp. Chỉ đến khi UBND tỉnh chấp thuận đầu tư xây dựng vùng chăn nuôi tập trung mới giúp chính quyền địa phương và người dân gỡ khó trong mở rộng quy mô sản xuất, với tổng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng trên 4 tỷ đồng, gồm: đường bê tông, hệ thống cấp thoát nước, trạm biến áp, đường điện...

Từ đây, nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô vừa và nhỏ theo hướng nuôi nhốt tập trung được hình thành, phát triển. Chính sự chủ động chuyển hướng này đã tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ độc canh cây lúa, đến nay nông nghiệp đã phát triển toàn diện theo hướng đa canh. Cùng với vùng chuyển đổi tập trung ven sông Hóa, những năm qua, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn nhận chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản với diện tích gần 40 ha.

Đến nay, toàn xã có 40 trang trại, gia trại, với gần 4.000 con lợn, trên 37.500 con gia cầm. Sau chuyển đổi, các mô hình chăn nuôi tổng hợp ở An Ninh đã thu được những kết quả đáng phấn khởi: Mỗi gia trại, trang trại chăn nuôi vài chục đến vài trăm con lợn, hàng ngàn con gia cầm, thu lợi nhuận từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm. Tại vùng chăn nuôi tập trung, bà con nông dân thường nuôi thả những con có giá trị kinh tế cao như: lợn nái ngoại, vịt siêu trứng, cá rô phi đơn tính, gà ta...

Với quyết tâm vượt lên hoàn cảnh khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống, anh Nguyễn Văn Tuyên đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình chăn nuôi, phát triển kinh tế nông nghiệp. Sau nhiều năm lao động cần cù, chịu khó, đời sống vật chất của gia đình anh đã được cải thiện đáng kể. Chính vì thế, năm 2013, anh vinh dự là một trong những gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi tham dự Đại hội Hội Nông dân tỉnh. Anh Tuyên chia sẻ: Những ngày đầu bắt tay vào công việc, vợ chồng phải đối mặt với vô vàn khó khăn như: thiếu vốn, kinh nghiệm, kiến thức khoa học kỹ thuật, dịch bệnh liên tiếp xảy ra...

Chỉ với trên 50 triệu đồng từ nguồn tiền tiết kiệm của gia đình và thế chấp sổ đỏ, vợ chồng anh Tuyên đầu tư chuyển đổi 2 ha, trong đó đào 2 ao thả cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Nhưng số tiền đó cũng chỉ như “muối bỏ bể”, mới chỉ thuê nhân công đào ao đã hết. Anh đành tính lấy ngắn nuôi dài, từng bước nhân rộng mô hình. Năm đầu tiên tập trung vào nuôi lợn thịt và thả các loại cá truyền thống. Được đồng lãi nào lại trả nợ và tiếp tục đầu tư vào sản xuất. Hiện tại, gia đình anh nuôi khoảng 20 con lợn nái ngoại, 100 con lợn thịt và thả cá.

Cùng với đó, anh còn tận dụng nguồn xỉ than sẵn có của địa phương để đóng gạch xỉ, tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động, với thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng. Lợi nhuận hàng năm đạt trên 300 triệu đồng. Cũng với chí làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, anh Nguyễn Văn Sơ đã mạnh dạn đầu tư mô hình VAC trên diện tích 5 ha. Những năm đầu, khi còn ít vốn anh trồng rau, nuôi gà và nuôi cá theo hình thức nhỏ. Dần dần, có vốn anh mở rộng quy mô, tập trung vào chăn nuôi lợn nái ngoại, lợn thịt, thả các loại cá truyền thống như: trôi, chép, mè và một ao gột cá giống. Lợi nhuận năm 2012 đạt trên 300 triệu đồng. Mặc dù, vài tháng nay giá lợn thịt biến động đi xuống nhiều nên người chăn nuôi không có lãi, thậm chí còn lỗ nhưng lợi nhuận của gia đình anh vẫn đạt gần 100 triệu đồng nhờ 3 ao cá.

Sự thành công của các mô hình VAC ở An Ninh không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết vấn đề việc làm cho lao động nông thôn, mà còn góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ của bà con nông dân sang hình thức nuôi trang trại, gia trại tập trung khép kín, cách xa khu dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường, hạn chế tối đa ô nhiễm do chất thải.

Bài, ảnh: Minh Nguyệt

  • Từ khóa