Chủ nhật, 28/07/2024, 19:24[GMT+7]

Tiền Hải Dấu hiệu tích cực từ nghề và làng nghề

Thứ 3, 18/06/2013 | 09:23:38
1,197 lượt xem
Thực hiện Nghị quyết số 01 ngày 6/5/2001 của Tỉnh ủy, ngày 6/5/2001, nghề và làng nghề ở Tiền Hải có bước phát triển toàn diện. Toàn huyện đã có 27 làng, xã nghề đủ tiêu chuẩn được UBND tỉnh cấp bằng công nhận. Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu, nghề và làng nghề ở tỉnh ta nói chung, của Tiền Hải nói riêng bước vào thời kỳ suy thoái. Tuy nhiên gần đây, nghề và làng nghề ở Tiền Hải đang có dấu hiệu phục hồi tích cực.

Cơ sở sản xuất đồ gỗ gia dụng tại xã Vân Trường (Tiền Hải).

Ông Trần Lâm Thao, Trưởng phòng Công Thương huyện cho biết, đến giữa năm 2012, có 5 làng nghề không hoạt động gồm: Văn Hải (Đông Phong), Đông Liên (Nam Hồng), Rưỡng Trực (Nam Thắng), Phương Trạch (Phương Công), Lạc Thành (Tây Ninh); 7 làng nghề khác hoạt động cầm chừng; toàn huyện chỉ còn 15 làng, xã nghề hoạt động ổn định. Trước đó, các làng, xã nghề thu hút tới hàng vạn lao động nông nghiệp sang sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Làng nghề suy thoái nên trong thời gian dài lao động phải chuyển làm việc khác, chủ yếu ra tỉnh ngoài làm thuê. Thời kỳ phát triển ổn định, tỷ trọng giá trị sản xuất (GTSX) làng nghề thường đóng góp 30 – 40% vào GTSX CN – TTCN của huyện, có thời điểm lên tới 45%.

Ngoài tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, còn nhiều nguyên nhân khác làm cho nghề và làng nghề giảm sút: hàng hoá đơn điệu, chất lượng không cao; các doanh nghiệp “đỡ đầu” của làng nghề  gặp khó khăn do thiếu vốn đầu tư trang thiết bị, mua nguyên - vật liệu, đầu ra của sản phẩm luôn thụ động. Quan trọng hơn cả là thu nhập của lao động làng nghề quá thấp, bình quân chung từ 700 – 900 nghìn đồng/người/tháng. Một số địa phương  không phát huy được vai trò lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cũng góp phần làm cho nghề, làng nghề suy giảm.

Với vai trò quản lý nhà nước về CN – TTCN, Phòng Công Thương Tiền Hải đã cử cán bộ xuống tận cơ sở đánh giá thực trạng, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để vực lại phong trào. Nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn thường xuyên chỉ đạo để nghề và làng nghề của xã phát triển. Nam Hà là một trong số xã như vậy, từ năm 2001 đến 2008, xã có 3/4 thôn được công nhận làng nghề, hiện làng nghề đang đóng góp trên 30% GTSX của toàn xã. Trên địa bàn huyện có 8 doanh nghiệp làng nghề, do khó khăn 4 doanh nghiệp đã dừng hoạt động, số doanh nghiệp còn lại trụ vững, do năng động thích ứng trong cơ chế thị trường.

Doanh nghiệp tư nhân Phương Anh kết hợp dạy nghề móc sợi, đan làn, làm mũ và tiêu thụ sản phẩm, thu hút hàng nghìn lao động “trẻ đã qua, già chưa tới”,  doanh số sản xuất – kinh doanh lên tới 15 – 20 tỷ đồng/năm, mỗi năm nộp thuế từ 1,7 – 2 tỷ đồng. Doanh nghiệp mây xuất khẩu Tây An luôn kết hợp với hội phụ nữ các xã tạo việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động. Ở những xã chưa có làng nghề, cán bộ, đảng viên cũng rất trăn trở. Tại Đông Long, đồng chí Chủ nhiệm HTX DVNN được Đảng ủy, UBND xã động viên đã đứng ra thành lập một cơ sở gia công đan làn mây, móc sợi, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động. Một số cán bộ của xã Nam Hải đã giúp địa phương phục hồi nghề dệt chiếu cói; các hộ đã huy động vốn mua 4 máy dệt chiếu, thu hút 250 lao động của 82 hộ có việc làm, nghề dệt chiếu của địa phương thêm đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tại xã Tây Tiến, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, mặc dù bận mải với công việc chung vẫn dành thời gian hợp lý tổ chức lớp dạy nghề, thu hút được nhiều chị em tham gia học và đã bắt đầu làm ra sản phẩm. Được UBND xã Nam Hưng ủng hộ, ông Phạm Văn Rĩa tạo dựng một cơ sở thu hút 200 lao động làm nghề. Xã Đông Hải du nhập nghề đính hạt cườm tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động… Sau một thời gian “chìm” trong khó khăn, nay nghề và làng nghề ở Tiền Hải đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực. 5 tháng đầu năm 2013, GTSX CN - TTCN toàn huyện đạt 680 tỷ đồng, trong đó nghề và làng nghề đã đóng góp 115 tỷ đồng, chiếm 17%  GTSX chung.

Thời gian tới, huyện Tiền Hải chỉ đạo Phòng Công Thương phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, đoàn thể tăng cường công tác dạy nghề xuống cơ sở; yêu cầu các tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho các cơ sở sản xuất CN – TTCN. Huyện có cơ chế động viên, khích lệ đối với các doanh nghiệp có thành tích trong phong trào phát triển nghề và làng nghề; tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tại làng nghề tìm kiếm thị trường, tham gia hội chợ để quảng bá sản phẩm của làng nghề.

           Bài, ảnh: Phan Anh

  • Từ khóa