Thứ 2, 23/12/2024, 16:17[GMT+7]

Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 đạt 54% dự toán

Thứ 5, 13/07/2023 | 15:20:22
14,240 lượt xem
Sáng ngày 13/7, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, giải pháp triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn nhưng 6 tháng đầu năm 2023, ngành tài chính đã tập trung triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, các đề án; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực tài chính - NSNN; đồng thời, điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, kịp thời ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội. Tổng thu NSNN đạt gần 876 nghìn tỷ đồng, đạt 54% dự toán; trong đó thu nội địa đạt 53,9% dự toán, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2022; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 52,9% dự toán, giảm 20,6% so cùng kỳ năm 2022. Tổng chi NSNN ước đạt gần 805 nghìn tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán; trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt 29,7% dự toán. Thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế ước tính khoảng 70,3 nghìn tỷ đồng; trong đó miễn, giảm khoảng 28,3 nghìn tỷ đồng và gia hạn khoảng 42 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, ngành tài chính còn tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, tiếp tục tái cơ cấu theo hướng an toàn, bền vững; điều hành giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...

Trên cơ sở dự báo tình hình trong thời gian tới, tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về những giải pháp triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, trong đó tập trung vào một số chuyên đề như: cải cách hành chính, các giải pháp về chính sách tài khóa - tiền tệ, hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế kiểm tra, giám sát giá cả thị trường, kiểm soát nợ công…

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận sự quyết liệt, chủ động triển khai các giải pháp của ngành tài chính trong việc quản lý, điều hành ngân sách bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng chí yêu cầu trong thời gian tới từng bộ, ngành, địa phương bám sát chủ đề điều hành của Chính phủ năm 2023 đó là “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”; trên cơ sở đó thực hiện chủ động, sáng tạo, linh hoạt các giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tập trung triển khai kịp thời có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp về chính sách tài khóa, tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời yêu cầu ngành tài chính tiếp tục cập nhật phương án, kịch bản điều hành để có giải pháp triển khai phù hợp trong thời gian tới; tiếp tục rà soát, nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thu, chi NSNN; nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ tài khóa không làm ảnh hưởng đến an toàn nợ công của Chính phủ; tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách tài khóa đã ban hành nhất là chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, lệ phí, tiền thuê đất kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế; quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ thu, chi NSNN, kiểm soát chặt chẽ bội chi; tiếp tục kiểm soát nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép; triển khai hiệu quả các giải pháp quản lý và điều hành giá, bình ổn giá trên thị trường nhất là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhằm ổn định tâm lý cho người tiêu dùng; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý thuế đặc biệt là đối với dịch vụ ăn uống...

Minh Hương