Chủ nhật, 28/07/2024, 19:32[GMT+7]

Các đơn vị, địa phương trong tỉnh khẩn cấp phòng chống cơn bão số 2

Thứ 7, 22/06/2013 | 22:18:11
2,613 lượt xem
Trước diễn biễn của cơn bão số 2, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh liên tiếp có Điện khẩn số 01, 02 và 03 yêu cầu ban chỉ huy PCLB các cấp, ngành khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống bão.

Tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn tại cảng bến Lân (xã Nam Thịnh, Tiền Hải). Ảnh: Phan Anh

Theo tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, dự báo đến 10 giờ ngày 23/6, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc, 107,4 độ Kinh Đông trên khu vực vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển Quảng Ninh và Hải Phòng khoảng 110 km về phía Đông Nam; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Trước diễn biến của cơn bão số 2, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) tỉnh liên tiếp có Điện khẩn số 01, 02 và 03 yêu cầu ban chỉ huy PCLB các cấp, ngành khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống bão.

Ban Chỉ huy PCLB tỉnh yêu cầu UBND các huyện ven biển phối hợp với Bộ đội Biên phòng kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động trên biển khẩn trương về nơi tránh, trú bão an toàn, hướng dẫn tàu thuyền không đi vào và thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; vùng nguy hiểm được xác định là vùng biển phía Bắc Vĩ tuyến 17. Đồng thời, kiểm tra và chủ động sơ tán dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, trong các nhà yếu trên các đầm, chòi canh nuôi trồng thủy sản; hoàn thành trước 10 giờ ngày 23/6; kiên quyết không để người dân còn ở ngoài đê biển khi bão đổ bộ vào bờ; tổ chức lực lượng canh gác bảo đảm an ninh, trật tự ở những khu vực phải di dời dân. Tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, bảo đảm an toàn hàng hóa, thiết bị còn ở bến cảng, bãi sông, ven biển.

Đến nay, toàn tỉnh còn hơn 13.000 ha cây màu hè chưa thu hoạch và trồng được 2.500 ha cây màu hè thu; mạ mùa đã gieo 3.785 ha, gieo cấy được 725 ha. Để bảo đảm an toàn cho mạ, lúa mùa đã gieo cấy và cây màu hè, hè thu, các đơn vị thủy nông và các địa phương phải đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, rút triệt nước trên các trục sông tiêu đề phòng  mưa lớn xảy ra gây ngập úng các loại cây trồng.

Bình Minh

* Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Bộ chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị trong toàn lực lượng trực sẵn sàng chiến đấu 100% quân số để chủ động ứng phó với cơn bão số 2.

Theo đó, các đơn vị và ban quân sự các huyện, thành phố chủ động sử dụng lực lượng, phương tiện thuộc quyền khi có tình huống khẩn cấp. Triển khai lập đường dây thông tin nóng, thông suốt với các đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh; Đơn vị 8 F395; Trạm ra đa 25, Tiểu đoàn 29, Lữ đoàn công binh N13 và các đầu mối đơn vị trực thuộc để phối hợp sử dụng lực lượng khi có tình huống xảy ra. Mặt khác, chỉ đạo các đơn vị kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, nhất là tuyến đê ven biển thuộc hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải; phối hợp với các lực lượng khẩn trương gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn và tổ chức chằng chống kho tàng nhà cửa.

Hiện các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh đã chuẩn bị  hơn 5.000 bao tải, sọt sắt; hàng nghìn mét dây buộc; hơn 200 phao, áo cứu sinh; hàng trăm đèn pin, đèn bão và lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh theo quy định; các phương tiện tàu, thuyền, xe ô tô được huy động tối đa bảo đảm khi có lệnh là lên đường thực hiện nhiệm vụ.

Thành Đô
(Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh)

* Bộ đội Biên phòng tỉnh

Để chủ động phòng chống cơn bão số 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh bảo đảm quân số thường trực 100%; chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị để kịp thời huy động khi có tình huống xảy ra.

Các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã tích cực liên lạc với các phương tiện để thông báo diễn biến cơn bão và vận động, kêu gọi các ngư dân đang hoạt động trên biển nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn; kiên quyết không để cho tàu thuyền ra khơi trong lúc có mưa bão; phối hợp với các lực lượng xử lý tốt các tình huống xảy ra; bắn pháo hiệu báo bão để tàu thuyền vào nơi trú ẩn tránh thiết hại về người và phương tiện.

                                                                               Lại Hợp Khánh
(Bộ đội Biên phòng tỉnh)

* Công an tỉnh

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, của Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 2, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, công an huyện, thành phố khẩn trương, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống. Tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão và lãnh đạo các đơn vị công an huyện, thành phố để phân công trách nhiệm; thành lập các đoàn công tác gồm các đồng chí lãnh đạo Công an tỉnh, các đồng chí Trưởng phòng trực tiếp kiểm tra tình hình công tác triển khai phòng chống lụt bão ở các địa bàn trọng điểm, xung yếu. Huy động 100% cán bộ chiến sĩ ứng trực để sẵn sàng ứng phó với diễn biến phức tạp của cơn bão; tổ chức chằng chống nhà cửa, cây xanh, bảo đảm an toàn hồ sơ, tài liệu. Chỉ đạo Đại đội cơ động phòng chống lụt bão của Công an tỉnh và Công an Thành phố 230 đồng chí; các Trung đội cơ động của Công an huyện 210 đồng chí; Đại đội Cảnh sát cơ động Công an tỉnh 66 đồng chí và lực lượng Cảnh sát 113, lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có điều động.

Các đơn vị, Công an huyện, thành phố chủ động kiểm tra các phương tiện như: ô tô, canô, xe bán tải, xe cẩu, xe cứu thương, trang bị phương tiện áo phao, áo mưa, đèn pin cho các đơn vị và lực lượng ứng trực. Chuẩn bị đầy đủ lương khô, mì tôm, thuốc chữa bệnh cho can phạm nhân theo kế hoạch. Đã chỉ đạo Công an Tiền Hải, Thái Thụy phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng và chính quyền cơ sở thông báo cho 480 tàu thuyền, 1.321 lao động về nơi tránh trú an toàn; triển khai phương án di dời các hộ dân sinh sống ở ngoài đê, ven biển; các hộ nuôi trồng thủy hải sản, các hộ khó khăn ở những ngôi nhà dột nát. Phối hợp các ngành chức năng, đơn vị chủ quản, thi công có phương án bảo vệ an toàn các công trình đang thi công trên đê sông, đê biển, ngoài bãi.

                                                                                                    Tất Đãm
(Công an tỉnh)

Đê biển số 7 của Thái Thụy được nâng cấp, cứng hoá mặt đê. Ảnh: Mạnh Cường

* Công ty Điện lực Thái Bình

Vào hồi 14 giờ, ngày 22/6 gió lốc kèm theo mưa to, sấm sét đã làm mất điện cục bộ một số địa phương thuộc các huyện: Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải. Sau hơn 1 giờ khắc phục sự cố,  một số nơi đã cấp điện trở lại và đến 17 giờ cùng ngày, Điện lực các huyện đã hoàn thành việc đóng cấp điện.

Để chủ động đối phó với mưa, lũ, ngập úng có thể gây ra do cơn bão số 2 Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB &TKCN) Công ty Điện lực Thái Bình đã lệnh cho các đơn vị trực thuộc tổ chức trực PCLB theo phương án lệnh báo động cấp 2. Tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, vật tư để huy động ngay khi có lệnh; kiểm tra, rà soát, củng cố toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc thuộc hệ điều độ. Điện lực Thái Bình bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định cho các trạm bơm tiêu úng. Đồng thời, sẽ cắt điện theo phương án PCLB & TKCN khu vực bị ngập lụt, nguy cơ bị ngập lụt để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân khi bão đổ bộ vào.

    Minh Nguyệt

* Tiền Hải

Ngay sau khi nhận thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương và chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (BCH PCLB) tỉnh, huyện Tiền Hải đã có Công điện số 01 ngày 21/6  và Công điện số 02 ngày 22/6 yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các ngành, đoàn thể và UBND 35 xã, thị trấn khẩn trương, tích cực, chủ động phòng chống cơn bão số 2 theo Đề án PCLB của huyện và kế hoạch của các địa phương, đơn vị.

Theo đó, để chủ động đối phó với diễn biến của bão, Ban Chỉ huy PCLB huyện yêu cầu Đồn Biên phòng Cửa Lân phối hợp với UBND các xã kiểm đếm, theo dõi, tìm mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão số 2 để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Đồng thời chỉ đạo Tiểu Ban cứu hộ cứu nạn, UBND các xã ven sông, ven biển kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển khẩn trương về nơi trú bão an toàn. Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, bố trí, sắp xếp tàu, thuyền tại khu neo đậu, tránh va đập gây vỡ và chìm tàu, kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền nơi neo đậu. 

Các cơ quan, đơn vị chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng, truờng học, bệnh viện bảo đảm an toàn cho người, cơ sở vật chất, vật tư, thiết bị. Kiểm tra, rà soát bổ sung phương án di dân ra khỏi khu vực nguy hiểm trên các đầm, chòi canh nuôi trồng thủy - hải sản ở từng xã. UBND các xã chủ động sơ tán dân khi có lệnh của BCH PCLB huyện kiên quyết không để người dân nào ở ngoài đê biển khi có bão đổ bộ vào; tổ chức lực lượng canh gác bảo đảm an ninh trật tự ở các nơi di dời.  UBND các xã ven biển, các nhà thầu đang thi công các gói thầu trên đê biển số 5, số 6 khẩn trương bố trí nhân - vật lực, chủ động đóng các cánh phai tại các băng két trên tường chắn sóng và có phương án xử lý trước khi bão số 2 đổ bộ vào Tiền Hải.

Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi và các HTX DVNN chủ động điều tiết nước, khơi thông dòng chảy đề phòng mưa úng để bảo vệ sản xuất, đặc biệt với diện tích mạ mới gieo và hoa màu. Các thành viên BCH PCLB huyện, xã, lãnh đạo các ban, ngành, đơn vị của huyện và các cán bộ làm công tác phòng, chống lụt bão đến ngay vị trí được phân công để kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thường trực nghiêm túc theo quy định. Đài Truyền thanh huyện, đài truyền thanh các xã, thị trấn thường xuyên thông tin cho nhân dân về diễn biến của cơn bão số 2. Huyện cũng đã chỉ đạo xe tuyên truyền lưu động tại các xã ven biển để người dân kịp thời nắm thông tin về diễn biến của cơn bão, chủ động mọi biện pháp phòng chống.

Phan Lợi

* Quỳnh Phụ

Đến thời điểm này, toàn huyện Quỳnh Phụ đã cấy được 1.500 ha mùa trà cực sớm, lúa đang trong giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh rộ; 500 ha lúa chét đang trỗ bông, phơi màu. Bà con nông dân đang cấy gần 6.000 ha trà sớm và hoàn thành việc gieo mạ mùa đại trà. Bên cạnh đó, 700 ha cây màu hè với các cây chủ lực như: dưa gang, ngô ngọt, bí đỏ, đậu đỗ và rau củ các loại đang cho thu hoạch.

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 2, cán bộ và nhân dân huyện Quỳnh Phụ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương chuẩn bị đầy đủ mọi mặt để chủ động đối phó với bão, thực hiện ngay phương án bảo vệ công trình đê, kè, cống xung yếu, chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện; bảo đảm an toàn hàng hoá, thiết bị, đồng thời có biện pháp tiêu úng kịp thời, kết hợp giải phóng dòng chảy trên các sông trục, đề phòng mưa lớn gây ngập úng diện tích mạ mùa, diện tích lúa mới cấy và diện tích cây màu hè, hè thu.

Yêu cầu Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lâm triển khai thực hiện ngay việc sơ tán các hộ gia đình ở vùng có nguy cơ sạt lở cao vào địa điểm an toàn. Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi huyện đóng cống tưới, mở cống tiêu rút nước trên toàn hệ thống đề phòng mưa to gây ngập úng. Điện lực Quỳnh Phụ có trách nhiệm cung cấp điện ổn định cho các trạm bơm phục vụ cho việc bơm tiêu úng kịp thời. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách cụm, Huyện ủy viên, trưởng, phó phòng, ban, ngành, đoàn thể phụ trách, theo dõi xã, thị trấn tăng cường xuống cơ sở chỉ đạo quyết liệt việc ứng phó và khắc phục hậu quả do cơn bão số 2 gây ra.

    Đức Dũng

* Thái Thụy

Trong ngày 21/6, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (BCH PCLB) huyện đã gửi 2 công điện khẩn yêu cầu BCH PCLB các xã, thị trấn, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai các biện pháp để đối phó với bão số 2. Thông báo kịp thời, liên tục trên hệ thống Đài Truyền thanh huyện và các xã, thị trấn kết hợp bố trí xe lưu động đến tận các khu dân cư thông tin nội dung 2 công điện và các bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương về tình hình, diễn biến của cơn bão để mọi người dân đều biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống.

Phối hợp với các xã, thị trấn tập trung nhân lực, phương tiện để khơi thông dòng chảy trên toàn hệ thống sông trục, đề phòng mưa lớn gây ngập úng những diện tích mạ đã gieo và lúa mới cấy, đặc biệt tại khu vực sông Cầu Cất (xã Thụy Ninh) và các khu vực úng trũng của huyện. Đối với các cơ quan, đơn vị, trường học bố trí lực lượng thường trực, chằng chống nhà cửa, kho tàng bảo vệ tài sản, trang thiết bị. Thái Thụy cũng đã triển khai và tổ chức thực hiện các phương án bảo vệ an toàn cho 1.175 hộ nuôi trồng thủy, hải sản ngoài đê biển với 1558 lao động; lực lượng lao động tại các công trình đê, kè, cống xung yếu; các công trình đang thi công trên sông, ngoài đê biển để chủ động phòng tránh khi có bão đổ bộ vào, đặc biệt khu vực cống Chỉ Bồ (xã Thụy Trường), cống Bạch Đằng (xã Thái Thượng), các khu neo đậu tàu thuyền.

Ngay sau khi nhận được tin áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, các Đồn Biên phòng và các địa phương ven biển của Thái Thụy đã kiểm đếm, theo dõi, bằng mọi biện pháp thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động thoát khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; đồng thời nghiêm cấm tất cả các tàu thuyền ra khơi, có phương án cụ thể bảo vệ tàu thuyền neo đậu tại cảng.

Đến chiều ngày 22/6, 381 phương tiện tàu thuyền với 1.260 lao động đã vào nơi neo đậu an toàn. Lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn của Thái Thụy đã sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Huyện cũng đã thông báo và thực hiện phương án di dân, yêu cầu 4.705 hộ với 9.910 nhân khẩu  nằm  trong vùng nguy hiểm phải chủ động để sẵn sàng di dời vào nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào.

Nguyễn Hình



 

  • Từ khóa